Họ là những hòa giải viên của xóm, của làng nhưng mọi người yêu mến gọi là “sứ giả” của mọi gia đình. Gọi như thế là không quá bởi qua sự cố gắng không biết mệt mỏi của họ, biết bao gia đình tránh được ly tan, xóm làng lại được bình yên.
Năm nay, cụ Võ Hoành ở thôn Ca Công, Hoài Hương (Hoài Nhơn) đã gần bước vào tuổi 70. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Hoành “mắt mờ, chân chậm” nhưng trong lòng vẫn mang nặng những day dứt, trắc ẩn về những gia cảnh khó khăn. Vì thế, tuy tuổi cao nhưng cụ Hoành vẫn ngày đêm lo lắng bảo vệ cuộc sống hạnh phúc cho các gia đình bằng việc tham gia hòa giải để tránh được những cảnh “tan đàn xẻ nghé”.
Vốn là một ngư dân đi biển ở thôn Ca Công lâu đời nên cụ Hoành thấu hiểu được những khó khăn trong từng cuộc sống gia đình của mọi người trong thôn, nhất là những gia cảnh éo le. Cảm thông với từng người, khi gác mái chèo giao sự nghiệp cho con cháu, cụ Hoành tham gia công tác thôn với vai trò là Mặt trận thôn và là hòa giải viên cơ sở, gánh vác một phần khó khăn cho bao gia đình. Trước hoàn cảnh éo le của những đứa trẻ không cha mẹ mà cụ Hoành đã gặp trong những lần đi cùng đoàn cứu trợ bão lụt nên cụ càng quyết tâm hòa giải để các cặp vợ chồng thoát khỏi cảnh ly tán. Mỗi khi có cặp vợ chồng gặp chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, làm đơn ly hôn, cụ Hoành và các hòa giải viên lại phải đến gõ cửa để giúp họ giữ lấy hạnh phúc gia đình. Năm 2002, trong thôn có một đôi vợ chồng đã quyết tâm “anh đi đường anh, tôi đường tôi”, tưởng chừng không thể cứu vãn mà nguyên nhân chủ yếu là xích mích giữa mẹ chồng nàng dâu, đã được cụ Hoành “cứu chữa” khỏi. Khi được hỏi về những nỗ lực của mình, cụ Hoành tâm sự: “Đây không phải là nỗ lực của mình tôi mà là công sức của cả Tổ hòa giải”.
Cũng giống như cụ Võ Hoành, cụ Đoàn Ngọc Lý, tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh) cũng đã gắn bó với công tác hòa giải gần 15 năm nay. Bàn chân của ông đã quen từng hang cùng ngõ hẻm của thôn. Nơi ông đến vắng tiếng cãi vã, những chuyện xích mích, xung đột vợ chồng đều được hòa giải. Dẫu rằng, hòa giải không phải là liều thuốc thần tiên để cứu vãn mọi cuộc hôn nhân “bên bờ vực thẳm” thế nhưng tấm lòng chân tình, sự tận tụy của ông Lý cũng đã cứu chữa được nhiều cuộc hôn nhân thoát đổ vỡ. Mới đây, có một cặp vợ chồng nộp đơn xin ly hôn, được ông Lý và các hòa giải viên trong tổ đến hòa giải thành. Ông Lý tâm sự: “Sau một cuộc chia tay, chị em phụ nữ và các cháu nhỏ chịu thiệt thòi. Vì thế, việc hòa giải thành sẽ cứu được bao nhiêu cuộc sống thoát khỏi cảnh khó khăn”.
Giúp người khác thoát khỏi khó khăn cũng chính là gánh lấy một phần khó khăn của họ. Nhiều khi khó khăn lại do chính từ những người được giúp gây ra. Có người trong cơn tức giận chẳng thèm nghe hòa giải mà còn nặng lời: “Các vị chẳng là gì mà can thiệp vào chuyện nhà tôi”. Thế nhưng mỗi lúc như thế, các cụ, các bà đều kìm nén lòng tự ái để làm cái việc mà nhiều người đến nay vẫn nghĩ là “vác tù và hàng tổng”, hay “mua dây buộc mình”. Đáng quý hơn, những vất vả ngày đêm để đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình lại bắt đầu từ những suy nghĩ rất đơn giản, bình dị “để cho bà con sống hòa thuận, mọi người vui thì mình cũng vui”.
. Nguyễn Huỳnh |