Nép bên thị tứ An Thái nổi tiếng, bên bờ sông Kôn, là thôn Thắng Công (xã Nhơn Phúc). Đến Thắng Công, nhất là những ngày rỗi việc đồng áng, trước mắt chúng tôi là những cây sào phơi nhang trải trên những khoảng sân trống, kéo khắp các khoảng sân. Những ngôi nhà tấp nập, chủ yếu là phụ nữ, miệt mài bên những chân nhang.
Bà Lâm Thị Hoa đang cần mẫn bên những chiếc nong se nhang, bên những bàn lăn, vốn đã theo bà từ thời con gái. Sau mỗi lần vươn đôi cánh tay vuốt nhẹ về phía trước, rồi ngắt một cái, dưới bàn tay bà đã là một cây nhang xuất hiện. Thong thả, bà lăn que nhang vào đống bột nguyên liệu khô trộn sẵn, rồi xếp lên chồng nhang đang làm dở. Những công việc tiến hành đều đều, không chậm rãi, không cấp tập, với một nét mặt bình thản lạ lùng.
Những cây nhang cứ thế nhiều lên, bên chậu nguyên liệu vơi dần, và tấm lưng người phụ nữ, cứ như cong thêm, cùng năm, cùng tháng...
Tò mò, tôi hỏi bà Hoa về công việc của người làm nhang. Bà kể: công đoạn đầu tiên là trộn bột cây lá ren làm hương liệu, bột cây bời lời làm chất kết dính, cùng với nước. Phải trộn sao cho vừa vặn, không ướt quá cũng không quá khô. Ướt quá, thuốc khó dính vào chu nhang, khô quá thì hao nguyên liệu. Công đoạn tiếp theo là vuốt nguyên liệu đã trộn với chu nhang. “Trông thì dễ ăn vậy đó chú, mà không quen tay thì khó làm lắm. Phải vuốt sao cho thật đều tay, cây nhang không đầu to đầu nhỏ, bó nhang đều và đẹp” - bà nói vậy. Để se được chừng ấy cây nhang đều tăm tắp mỗi ngày, cả cuộc đời của những người phụ nữ như bà Hoa, đã ngồi se nhang đều đặn từng ngày hàng chục năm trời. Se xong, đến việc lăn trên bàn lăn cho cây nhang đều hơn, nhang đẹp mắt hơn, rồi hong khô. Việc phơi nhang cũng không hoàn toàn đơn giản như tôi nghĩ. Những cây nhang mới se xong, hãy còn mềm, nên phải trải thật đều trên sào, sao cho que nọ không dính vào que kia, đồng thời, lại phải tận dụng được một cách tối đa khoảng nắng và gió, sao cho chỉ vài tiếng đồng hồ sau là nhang khô, có thể mang vào đóng gói.
Nghĩ cũng lạ, hầu hết những công đoạn trên đây của nghề làm nhang, chủ yếu được làm ra từ đôi bàn tay của những người phụ nữ như bà Hoa, những người không bao giờ được làm chủ tế. Bà kể, bà đã ngồi làm nhang từ khi ba mươi tuổi, cho mãi đến giờ. Hiện nay, bước sang tuổi 72, nhưng với bà Hoa, làm nhang vừa là nguồn thu nhập chính, vừa là một niềm vui đối với bà khi tuổi đã già, sức đã nhược. Bà tâm sự: “Ngày còn trẻ, còn đủ sức đưa hàng lên Tây Nguyên bán, nhà tôi lúc nào cũng có vài ba người làm. Nhưng gần đây, không đi đâu được, chỉ bán chợ quê, ngày làm ba thiên gọi là, đủ tiền chợ. Mà cũng chỉ có thể làm đến thế thôi, cái lưng đã mỏi, cái mắt đã nhoè đi nhiều. Ngồi lâu, đau chân không chịu nổi”.
Bà Hoa, cũng như bao người dân thôn Thắng Công khác, chẳng hiểu nghề làm nhang bắt mạch với mảnh đất Thắng Công chính xác tự bao giờ. Chỉ biết rằng, khi những người như bà Hoa còn trẻ, trong làng đã có một, hai hộ bắt đầu làm nghề. Trải đủ thăng trầm, những nghề làm nhang chưa bao giờ có sức vươn lên để thoát khỏi thân phận một nghề phụ. Hiện nay, những ngày nông nhàn, ở Thắng Công, trên dưới 20 hộ làm nghề, thu hút trên dưới trăm lao động. Phát triển nhất của nghề là vào những ngày hè, đủ nắng để hong nhanh những cây nhang, và trẻ con rỗi rãi việc bài vở, chạy lăng xăng bên các bà, các mẹ giúp vặt, vậy mà cũng kiếm mươi ngàn. Còn những người làm chính, như bà Hoa thì: “ngày 15.000, ngày 20.000, tùy theo thôi. Cũng là cách kiếm thêm lúc nông nhàn”- bà cho biết.
Ngoài lực lượng chính làm nhang, làng nghề còn thu hút thêm hàng chục phụ nữ chuyên đi hái lá ren trên những đồi, trảng quanh vùng. Ông Lê Thành Chương, một người trong nghề cho biết: “Ngày trước, lá ren còn nhiều, chỉ cần dạo quanh các thôn lân cận đã bộn. Nay ren bị phá hết, ít dần, nhiều khi phải đi trên chục cây số mới kiếm được. Thu nhập cũng chỉ trên chục ngàn/ngày”. Bên cạnh đó, còn một lực lượng, ít thôi, là những thương lái, buôn cây bời lời từ Gia Lai xuống, gom nhang lên Tây Nguyên bán lại. Lại có những người chuyên mua lá ren, bời lời về phơi khô, xay thành bột, bán nguyên liệu cho các hộ làm nghề. Còn chu nhang thì có thể mua những bó chu đã chẻ sẵn từ Đập Đá bán về. Tính ra, chỉ một làng nghề nhỏ ven sông Kôn, đã giải quyết việc làm cho một số không ít lao động nông nhàn.
Những tưởng nghề làm nhang và người làm nhang cứ vậy, bình tâm đứng ngoài những biến động trên thị trường; bởi thời nào, khi nào, ai chẳng cần đến những ngọn khói tâm linh. Vậy nhưng, nghề làm nhang hôm nay, lại đang chật vật trong cơn lốc cạnh tranh trên thị trường. Cây nhang Thắng Công, làm bằng nguyên vật liệu tự nhiên, mộc mạc, thô sơ, và có phần hơi sẫm màu, không bắt mắt bằng nhang vàng Đập Đá xuống, Sài Gòn ra. Bên cạnh đó, nhang Thắng Công lại không có nhãn hiệu riêng, chỉ bó thành từng nén, giá thành lại cao hơn nhang vàng, nên rất kén người mua. Anh Lâm Chí Hoàng, phụ trách văn hóa- xã hội UBND xã Nhơn Phúc (An Nhơn), cho biết: “Chỉ những người biết xài mới mua nhang Thắng Công, vì nhang Thắng Công làm bằng hương liệu tự nhiên, mùi thơm dịu mà lại không độc hại”. Vậy nhưng, trên thị trường, cây nhang ren của Thắng Công đang thất thế.
“Người làm nhang Thắng Công tại sao lại không hình thành một nhãn hiệu của riêng mình?”- đem thắc mắc này, tôi hỏi ông Chương. Ông cho biết: “Những hộ làm nhang ở Thắng Công đều là những hộ làm ăn nhỏ, nghề làm nhang chỉ là nghề phụ. Muốn có một nhãn hiệu riêng của Thắng Công đứng được trên thị trường, người làm nhang chúng tôi không thể không cần những hỗ trợ từ phía Nhà nước”.
Trước khi rời Thắng Công, tôi “nài” bà Hoa cho vuốt thử một ít chu nhang. Thật chẳng dễ dàng chút nào, những cây nhang dưới bàn tay thô vụng của tôi, đầu to, đầu nhỏ. Bột nhang để vuốt cứ như muốn tuồn khỏi tay tôi. Chật vật với chừng mươi cây là tôi đã thấy mỏi lưng, nhức mắt, nản lòng. Bà Hoa thông cảm: “Đấy, cậu ạ! Chúng tôi đã ngồi vậy mấy mươi năm”.
Còn tôi, dường như tôi đã hiểu, tại sao nghề làm nhang được làm chủ yếu từ bàn tay những người phụ nữ, dù trong làng, có không ít đàn ông nổi danh vuốt nhang đẹp. Bởi có lẽ, chỉ những người phụ nữ mới đủ kiên nhẫn và thầm lặng, ngày lại ngày, miệt mài với nghề, để dệt nên khói tâm linh, phương tiện chắp cánh cho những lời cầu nguyện; cũng là dệt nên một nghề truyền thống rất đáng tự hào của Thắng Công.
. Lê Viết Thọ
|