Phát triển công nghệ thông tin:
Những viên gạch nền móng đầu tiên
17:58', 6/4/ 2003 (GMT+7)

Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang tác động sâu sắc đến đời sống con người. Nó làm thay đổi tích cực cách thức chúng ta sống, học tập, làm việc; nó thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ xã hội. Trong thế giới hiện đại, khó có lĩnh vực nào, địa phương nào có thể phát triển mà thiếu sự đồng hành của công nghệ thông tin. Bình Định không phải là ngoại lệ.

* Từ lớp lập trình viên quốc tế khóa 1

Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày 20/2, Quy Nhơn APTECH (Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT tỉnh Bình Định) đã khai giảng khóa I lớp đào tạo lập trình viên và kỹ thuật viên quốc tế. Việc Bình Định chọn Tập đoàn APTECH Ấn Độ làm đối tác để đặt nền móng cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực CNTT không phải là “sính ngoại” như một số người vẫn nghĩ.

Để có thể đi tắt đón đầu trong CNTT, nhất thiết phải biết ngay lập tức tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất. APTECH là một tập đoàn hàng đầu trên thế giới về đào tạo CNTT, và như vậy đây là đối tác đúng tầm. Nếu trước đây khi đầu tư một khoản tiền lớn để con em theo học một khóa đào tạo như khóa học vừa được khai giảng, hẳn nhiều người sẽ băn khoăn: Học xong sẽ làm gì, làm ở đâu…? Lo âu như vậy không phải là không có cơ sở vì nhu cầu nhân lực phục vụ CNTT của Bình Định hãy còn rất mỏng. Thế nhưng với tư duy đi tắt đón đầu, tính toán đến việc đào tạo như Bình Định đang làm là phù hợp. Thậm chí xem ra quy mô, công suất đào tạo như hiện nay là quá thấp. Sự tiến bộ của CNTT đã tạo ra môi trường làm việc kiểu mới, phương thức giao tiếp mới, khoảng cách địa lý cũng thu hẹp lại đến mức thấp nhất… Nếu đủ khả năng, ngay tại nhà mình, các lập trình viên hoàn toàn có thể nhận việc, ký hợp đồng, chế tạo sản phẩm, và chuyển giao qua mạng internet. Cũng vì lý do này mà Bình Định đã đặt ra mục tiêu xây dựng mạng internet tốc độ cao.

* Đến những sàn giao dịch thương mại điện tử

Thông qua mạng internet, người ta có thể giao dịch, khảo sát thăm dò, tìm những thông tin cần thiết. Nói một cách nôm na, nhờ “thương mại điện tử” (TMĐT) doanh nghiệp (DN) không cần phải có nhà mặt tiền, không cần phải có văn phòng đại diện như vẫn thường xác lập mới kinh doanh được, chi phí giao dịch sẽ thấp hơn... Vì những lợi ích to lớn như thế mà trong khuôn khổ hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý DN vừa được tổ chức, người ta đã dành khá nhiều thời gian để trình bày và trao đổi về TMĐT.

Một thời gian dài người ta đã đánh đồng TMĐT với “mua bán thông qua mạng internet”. Thật ra “mua bán thông qua mạng internet” chỉ là một khả năng nhỏ của TMĐT. TMĐT là nơi để người ta thăm dò, nắm thông tin, tìm cơ hội để làm ăn, khảo sát thị trường, quan sát những biến động kinh doanh... Và hầu như bất cứ DN nào, dù ở quy mô nào, chỉ cần có sản phẩm, có dịch vụ cần bán, cần mua đều có sử dụng tiện ích mà TMĐT mang lại. Một cửa hàng buôn bán trái cây nhỏ ở Tiền Giang đã lập website để bán trái cây, đặc biệt là bưởi Năm Roi và họ đã thành công. Vốn không nhiều, thâm niên kinh doanh còn mỏng, quy mô nhỏ nhưng nữ doanh nhân trẻ tuổi này đã thành công nhờ biết sử dụng tri thức đã tiếp thu được, mạnh dạn thể hiện ý tưởng của mình. Một gia đình có nghề đan mây truyền thống ở Hà Tây chuẩn bị phá sản, nhờ một người cháu vốn là một kỹ thuật viên tin học giúp đỡ, kết quả chẳng những trang web (rất thô sơ, đơn giản) đã giúp họ hồi sinh, bán được hàng mà nhờ đó họ còn được đối tác đặt hàng và cung cấp nhiều mẫu mã mới, tìm được cơ hội cộng tác với một nhóm sinh viên ngành mỹ thuật công nghiệp đồ họa để sáng tạo mẫu mới.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có những cơ may như thế. Để có thể “phóng” một DN lên net, người ta cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản. Do thiếu thông tin, thiếu vốn đầu tư và nhân lực, các DN ở Bình Định chưa mặn mà lắm với TMĐT, sàn giao dịch trên mạng internet. Để tạo một cú huých đủ mạnh, UBND Bình Định đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2001 – 2010” trong đó có hạng mục đẩy mạnh tin học hóa các DN để phát triển thương mại điện tử. Hội thảo vừa được Sở KHCN-MT Bình Định cùng với các đối tác: Trung tâm Điện toán Truyền số liệu khu vực 3, Công ty TNHH AZ tổ chức, là dấu hiệu cho thấy tàu đã chuyển bánh. Tất cả các thành tựu nghiên cứu sẽ được chuyển giao miễn phí, phần còn lại sẽ thuộc về cách tiếp nhận của chính DN.

* Một chiến lược về nhân lực CNTT

Bên cạnh chính sách ưu đãi chung, Bình Định đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ phát triển CNTT và dự án đầu tư đào tạo nhân lực CNTT. Hơn ai hết, chính các quan chức lãnh đạo của Bình Định biết rất rõ rằng khi xúc tiến phát triển CNTT Bình Định sẽ phải giải một trong những bài toán cực kỳ hóc búa – nhân lực. Những dự án như vậy sẽ làm phát sinh nhu cầu có ngay hàng trăm cán bộ quản lý giỏi, hàng loạt chuyên gia CNTT, một lượng vốn không nhỏ để đầu tư vào hạ tầng... Vì lẽ đó ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh đã ban hành chính sách thu hút nhân lực, tính đến việc tạo nguồn ngay tại chỗ và thu hút nhân lực từ nơi khác về.

Theo chính sách mới vừa được ban hành, cán bộ, công chức trong tỉnh được khuyến khích tham gia các chương trình đào tạo nghiệp vụ CNTT để phục vụ công tác tại đơn vị. Ngoài những thiết bị công nghệ, phần mềm được tỉnh đầu tư, các cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp được phép sử dụng kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để đầu tư công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT của đơn vị. Những lĩnh vực cụ thể của CNTT được tỉnh giao chỉ tiêu và khuyến khích đào tạo gồm: Kỹ thuật lập trình, Kỹ thuật về mạng và máy tính... đồng thời giảm học phí cho các học viên trúng tuyển các lớp đào tạo kỹ thuật viên CNTT theo chỉ tiêu kế hoạch đào tạo. Mặt khác, tỉnh còn dành nhiều chế độ đãi ngộ đối với cán bộ CNTT có trình độ cao về Bình Định công tác.

Nhìn đi nhìn lại, ngoài một số trang web hỗ trợ doanh nghiệp, một sàn giao dịch để làm quen với thương mại điện tử, một hợp đồng đào tạo ký kết với APTECH Việt Nam, chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều, còn quá ít so với yêu cầu, mục tiêu đã đặt ra. Đáng lo ngại nhất là sự vận hành chậm trễ của Trung tâm CNTT. Nếu theo dõi thường xuyên sẽ thấy mọi dự án trong chương trình phát triển CNTT của Bình Định đều là vệ tinh quay quanh trung tâm này. Nếu không kịp thời, chính chúng ta sẽ tự mình vô hiệu hóa những chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển dày công xây dựng.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người dân kêu cứu, cơ quan chức năng làm ngơ!  (04/04/2003)
Một ngày ở làng nghề làm nhang  (03/04/2003)
Cộng đồng cần chung sức  (02/04/2003)
Chuyện về những “sứ giả ”xóm làng  (01/04/2003)
Đưa Luật Hôn nhân và Gia đình đến với đồng bào thiểu số  (01/04/2003)
Ông thôn trưởng làm lúa giống  (31/03/2003)
5 năm trong sạch, vững mạnh  (31/03/2003)
Đời thường của những “Người chiến thắng trở về”   (30/03/2003)
Người cắm cờ giải phóng trên dinh tỉnh trưởng ngày 31 tháng 3  (30/03/2003)
Các vị chỉ huy nói về ngày giải phóng Bình Định  (30/03/2003)
Hiện đại hóa ở Thư viện KHTH tỉnh Bình Định  (28/03/2003)
Trung đoàn 93 và trận đánh giải phóng Quy Nhơn  (28/03/2003)
29-3, một dấu ấn quan trọng của lịch sử Việt Nam  (28/03/2003)
Những ngày tháng không thể nào quên  (28/03/2003)
Bà con dân tộc ít người rất khát khao hiểu biết pháp luật   (27/03/2003)