Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo
17:7', 8/4/ 2003 (GMT+7)

Xơ Hằng

Tôi gặp xơ Hằng trong một chương trình giao lưu về những người phụ nữ tiêu biểu, do Đài phát thanh - truyền hình Bình Định tổ chức nhân dịp ngày 8/3 vừa qua. Những người phụ nữ có mặt trong buổi giao lưu, tất cả đều đáng kính, nhưng người gây cho tôi sự thán phục, lòng mến mộ đó là xơ Hằng - người đã thầm lặng giúp bà con cư dân ở làng phong Quy Hòa xóa đói giảm nghèo trong mấy năm qua.

Xơ Hằng, tên gọi đầy đủ là Ma-ri-a Phan Thị Thúy Hằng (sinh năm 1959) tại TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ). Năm 1986, Phan Thị Thúy Hằng đã đi tu để được phụng sự Chúa. Năm 1995, xơ Hằng chuyển về nữ tu viện thuộc dòng tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ ở Bệnh viện phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn). Ngày ngày tiếp xúc với những bệnh nhân phong, những cư dân sống trong làng phong Quy Hòa, xơ Hằng thấu hiểu đời sống của hơn một nghìn con người ở đây còn nghèo khổ, trong đó có khoảng 600 người là bệnh nhân. Tuy Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những bệnh nhân phong nhưng đời sống của họ vẫn còn rất khó khăn bởi không có nghề nghiệp ổn định, không có vốn đầu tư ngành nghề. Các chương trình “xóa đói giảm nghèo”, cho vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm… không đến được với họ bởi không thỏa mãn một số yêu cầu quy định của các chương trình, như không có tín chấp, không có ngành nghề cụ thể, không có việc làm.

Khó khăn là vậy nhưng chỉ có nguồn hỗ trợ từ Nhà nước và quỹ từ thiện thì với họ, chẳng khác nào như “muối bỏ biển”. Xơ Hằng suy nghĩ: “Giúp người nghèo khó, không chỉ là cho họ con cá, cân gạo. Mà phải cho họ cần câu, hạt lúa giống”. Từ ý tưởng này, xơ Hằng đã lập một đề án cho vay từ nguồn quỹ từ quỹ từ thiện, lãi suất rất thấp (0,4 %/tháng). Tất nhiên, đề án này bước đầu không dễ dàng được tu viện chấp nhận. Bởi chốn tu hành thì không được vướng bận việc nợ nần, vay trả. Bằng kiến thức đã học, cộng với cái tâm vì người nghèo, vì phụ nữ nghèo, xơ Hằng đã bảo vệ thành công đề án của mình trước các bậc chức sắc của tu viện.

Đợt đầu xơ Hằng cho 20 hộ nghèo, đông con, nhưng chịu khó làm ăn vay tiền. Mức vay 500 nghìn đồng/hộ, thời hạn trả góp là 10 tháng, lãi suất 0,4%. Số tiền lãi nhỏ nhoi này, một phần bồi dưỡng cho những nhóm trưởng làm tốt công việc thu tiền vay gốc và lãi đúng thời hạn. Số còn lại nhập vào tiền gốc và tiếp tục cho các vòng vay khác. Hết đợt 1, các hộ đều trả đủ. Tiếp tục cho đợt vay thứ 2, xơ Hằng tăng mức vay gấp đôi (1 triệu đồng). Hàng tháng mỗi nhóm (khoảng 10 hộ) tổ chức sinh hoạt nhóm một lần, có mời xơ Hằng đến để nghe và nắm bắt kết quả sử dụng vốn vay, để phát triển kinh tế hộ của họ. Cứ thế, từ năm 1996 – 2002 nguồn quỹ này đã xoay được 5 vòng vay, vốn xoay vòng lên đến 170 triệu đồng, lãi suất 18 triệu đồng tiếp tục nhập vào quỹ, số hộ được vay lên đến 200. Tuy số vốn vay không lớn, nhưng đời sống của phụ nữ ở đây bớt khổ hơn, có việc làm đời sống của họ vui lên.

Nhìn cảnh hằng ngày các cư dân ở đây chăn nuôi gia súc, trồng cây ngắn ngày, gia công ngư cụ..., khác với cảnh “vô công rồi nghề” trước đây, xơ Hằng thấy mình đã đóng góp được một việc nhỏ cho xã hội, với tư cách một công dân. Đầu năm 2003, xơ Hằng được điều chuyển về tu viện Đơn Dương (Lâm Đồng), đề án cho vay giải quyết việc làm tạm dừng lại. Xơ Hằng tâm sự: “Xa các cư dân, nhất là phụ nữ nghèo ở làng phong Quy Hòa, tôi buồn nhớ lắm. Ở môi trường mới, cùng với việc làm tốt việc đạo, tôi sẽ cố gắng nghĩ ra một việc làm nào đó thiết thực giúp người nghèo bớt nghèo.”

Những việc làm tốt đời đẹp đạo của xơ Hằng thật đáng ghi nhận và biểu dương. 

. Ngọc Diên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)
Những viên gạch nền móng đầu tiên  (06/04/2003)
Người dân kêu cứu, cơ quan chức năng làm ngơ!  (04/04/2003)
Một ngày ở làng nghề làm nhang  (03/04/2003)
Cộng đồng cần chung sức  (02/04/2003)
Chuyện về những “sứ giả ”xóm làng  (01/04/2003)
Đưa Luật Hôn nhân và Gia đình đến với đồng bào thiểu số  (01/04/2003)
Ông thôn trưởng làm lúa giống  (31/03/2003)
5 năm trong sạch, vững mạnh  (31/03/2003)
Đời thường của những “Người chiến thắng trở về”   (30/03/2003)
Người cắm cờ giải phóng trên dinh tỉnh trưởng ngày 31 tháng 3  (30/03/2003)
Các vị chỉ huy nói về ngày giải phóng Bình Định  (30/03/2003)
Hiện đại hóa ở Thư viện KHTH tỉnh Bình Định  (28/03/2003)
Trung đoàn 93 và trận đánh giải phóng Quy Nhơn  (28/03/2003)