1. Xưa
|
Chợ cá Quy Nhơn - ảnh: Đào Tiến Đạt |
Chiếc thuyền buồm chạy gần đến rạng tàu thì đứt gió. Người chồng cuộn buồm hạ mái chèo xuống, ngoáy. Mặt trời đã cao. Mồ hôi xâm xấp lưng áo đằng mũi, gười vợ ngồi giữ cần tựa vào hai chốt đỡ, chìa ra hai bên thuyền. Trong khoang, thằng bé năm tuổi, trần truồng ngồi chơi với hai con cá thu lớn gần bằng nó. Họ là dân di cư từ Thanh vào, cả gia đình sống hẳn trên thuyền. Tất cả có năm thuyền như thế và họ tỏ ra hơn hẳn ngư dân bản địa khoản câu cá thu. Tháng giêng, nước biển đã dần xanh.
Cần câu bên phải đột ngột ghì mạnh muốn bật khỏi tay người vợ. “Bén!” - chị ta hét lên, gài nhanh cần bên trái vào nấc gỗ, đứng dậy chụp ống, nới. Gốc cần kẹp dưới háng, tay phải giữ cần và dây, tay trái nhả ống. Con cá chạy dữ. Đọt cần trong tay người đàn bà lúc nghiêng bên này, lúc ngả bên kia, cong riết. “Cậy ! cậy!”. Đọt cần bỗng lơi. Bàn tay ngoáy ống thu dây của người vợ nhanh như chong chóng. Có lúc chị ta chuyển người sang bên trái, hét “bát!”. Đã nhìn thấy con cá cách thuyền mươi sải. To quá. Hơn cả hai con lúc sáng. Đột ngột, con cá quay đầu lao mạnh ra xa. Người vợ bậm môi, trợn mắt, nới ống, dây róc róc tuôn. Người chồng đã ngừng chèo, điều khiển thuyền day trở theo tiếng quát của “nữ tướng” phía trước. Thu vào. Rồi nới ra. Người vợ nhao qua nhao lại kèm theo tiếng hô điều khiển chồng ngắn gọn, đầy uy lực, tay ngoáy ống, cái cần lúc cong, lúc dãn, không ngớt rung lên…
Đến lần thu thứ ba, con cá đã áp sát thuyền, nó chỉ còn lúc lắc cái vây đờ đẫn. Người chồng đã cầm móc hậu khấu chờ sẵn, phụ lôi nó lên. Con cá rơi đạch trên mặt ván, nẩy lên mấy lần rồi nằm im, miệng nó còn ngáp ngáp hồi lâu. Người chồng gỡ lưỡi câu. Nó cả ham, đớp lưỡi đầu đóng sâu. Người vợ đã ngồi bệt xuống thở. Mồ hôi còn ròng chảy. Thằng bé khéo léo nắm đuôi, lôi con cá vào khoang dưới, giở rổ lấy con mực ra đưa bố. Ba cái lưỡi thau chuyền nhau từ đầu đến đuôi con mồi, xong ông liệng xuống nước, phần đỏi thau dài hơn hai sải sáng lấp loá. Khúc đỏi này đủ để mồi chìm vừa và cá khỏi cứa đứt khi chạy. Lúc chồng bắt đầu kéo buồm lên đón gió nồm và lái thuyền quay lại hướng vô mũi Yến, người vợ từ từ nới ống cho đoạn dây gai cách thuyền ba chục sải. Giờ đến chợ chiều cầm chắc ba con nữa – người chồng nghĩ thầm rồi bỗng nói vọng ra trước: “Nay khá ể” , người vợ “khá!”, mắt nhìn thằng bé ngủ trong khoang, tay còn nắm cái đuôi cá…
2. Nay
Đã bốn mươi năm. Thằng bé năm tuổi hồi ấy giờ là chủ nhà mà tôi đang xây. Bố mẹ anh đã “nghỉ hưu” từ lâu. Năm tám mươi, anh đi bộ đội về, cưới vợ rồi nối nghiệp bố. Mấy năm sau, người cha yếu sức rồi nghỉ hẳn. Vợ buôn bán vặt và quản việc nhà, anh chạy xuồng máy câu một mình. Giờ thì nghề câu “gia truyền” đã được cải tiến, nâng cao khá nhiều. Xuồng 18 thước (mộc), gắn máy 5 ngựa, bộ đồ nghề thêm mấy dàn câu móc mồi cá nục sống, bủa chắc ăn hơn chạy. Lối câu dàn nhiều khi được cá cờ, cá nhám. Lúc khan mồi sống, anh cũng câu ống. Tháng tư, tháng chạp là đầu mùa. Ngày nào bấc dịu, dễ câu được cá to. Qua giêng, nước trong, có thể câu mồi kim tuyến với lưỡi rường (chùm 4). Màu kim tuyến cũng phải đổi theo mùa mới hấp dẫn cá. Nhiều khi chạy mãi không được gì, gặp món cá (cá hội lại đi thành bầy lớn dày đặc), thu dây về, móc mồi nhỏ bạt ra, mỗi lần kéo được vài con chù bông, cá bò…
Câu trên biển mênh mông nhưng chạy có lạch, có luồng. Tuyến quen thuộc anh và các xuồng bạn thường chạy là Mũi Yến – Rạng Tàu, cứ quành qua lại ở mức chạy rô đa. Có lần tới đứng bóng vẫn chạy suông, anh neo xuồng nấu cơm ăn, mồi bỏ chìm luôn dưới đáy. Nồi cơm mới bắc lên lò, cá gắp mồi tuôn chạy. Lôi được con cá to lên, cơm vừa kịp chín! Chuyện may câu có lúc thật bất ngờ. Lần khác, nản chí anh quay về, đến tượng Trần Hưng Đạo đã hơn 1 giờ chiều, tiếc mồi, cho xuồng chạy thử trước biển Quy Nhơn – lạch này ít khi được cá. Vậy mà hôm đó anh kéo 2 con !…
Ngót việc, anh rủ tôi đi một chuyến cho biết. Khỏi nói là tôi náo nức mức nào. Nhưng phải tới ngày thứ 3 mới thực hiện được: anh đặt và gom cho được mồi sống , câu dàn mới chắc ăn.
Chúng tôi khởi hành lúc 4g30 sáng. Đèn trên tàu, đèn thành phố còn sáng choang. Sáng sớm tháng hai còn lạnh. Qua khỏi núi Trần Hưng Đạo, phía Mũi Yến, Cù Lao Xanh đã thấy ưng ửng hồng. Anh cho xuồng chạy ga nhỏ để cá mồi trong bòng cặp hai bên không mệt. Cá reo lóc róc. Nền biển còn đen thẫm. Với tôi, biển bất kỳ giờ khắc nào, mùa nào cũng đẹp và hấp dẫn. Nhưng dù đã đi chơi thuyền mấy lần, trong tôi vẫn còn cảm giác sờ sợ – đúng hơn là sự rợn ngợp trước biển. Nhìn anh ngồi cầm lái, sơ mi mở phanh để lộ khuôn ngực vồng lên nở nang, tôi thầm nể, thoáng chút xấu hổ về sức vóc của mình trước chàng trai biển. Rồi thấy yên tâm. Sau lưng tôi, hừng đông đỏ rực. Nước biển đổi màu từng phút một …
Đến gần Rạng Tàu anh hướng dẫn tôi cầm lái, cho xuồng chạy từ từ, anh phụ trách móc mồi, bủa câu. Hai đầu dây triên có phao đỏ, cắm cờ để dễ tìm và neo giữ dàn câu. Cách 40 sải có một phao ganh giúp dây triên neo đều cách mặt nước vài ba sải cho thuyền qua không vướng. Dây thẻo cách nhau 3 sải, vừa kịp cho thao tác móc mồi thật nhanh vậy mà khi chúng tôi bủa xong, mặt trời đã lên cao. Phần việc còn lại là chạy xuồng câu ống. Khoảng một tiếng đồng hồ ghé lại lần câu, móc mồi. Nắm dây triên biết cá đóng từ xa. Lần theo dây triên, anh lôi lên một con chừng 3 ký. Con cá bén lưỡi chắc là đã chạy nhiều theo cái nhùng nhằng của dây triên nên đuối sức. Nhìn nét mặt anh sáng lên, nghiêng đầu lần dây để phán đoán, cân nhắc khi có “tín hiệu”, tôi mê quá, đề nghị chuyến thăm sau giao tôi phụ trách. Cũng như anh, lần theo … Nhiều lần trống ngực đập gấp khi trên tay mình rùng rùng tín hiệu. Hoá ra không phải: những con cá mồi chạy mạnh. Gần giữa đường, sợi dây nặng cứng trong tay tôi như vướng đá. Tôi quay lại định hỏi anh thì bất ngờ sợi dây căng lên rồi cuốn rút với một tốc độ khủng khiếp, tuốt mạnh trên tay tôi rát buốt. Tôi há hốc mồm nhìn trước mặt mình, cách xuồng chừng 15 thước, một con cá đen trũi, to như cột điện lừng lững phóng cái mõm nhọn hoắt về phía chúng tôi. Nước động ầm ầm. Anh hét to “cá cờ ! bỏ ra!”. Cái động tác đơn giản ấy tôi bỗng thực hiện rất khó khăn: con cá lồng lộn rồi phóng ra xa trong chớp mắt, vướng dây, nó quẫy mạnh tung lên trên mặt nước rồi đỏ ầm xuống. Sợi dây vẫn còn trên tay tôi tứa máu. Vẫn còn trên mặt biển xanh đám bọt trắng giận dữ … Hình như anh nói phía sau: cá cờ…
Trên đường về nhớ lại , tôi hỏi anh sao phải buông dây lúc ấy, anh bảo sợ tôi không quen, cá lôi bất ngờ nhào xuống biển. Tôi nhìn biển. Vâng, vẫn rợn ngợp mà hấp dẫn lạ lùng!
3. Và … ngày mai
Chẳng có gì ngạc nhiên khi anh cho biết hệ thống nghề phong phú, đa dạng và tinh xảo hôm nay vẫn không thể câu được nhiều bằng các cụ xưa vì nguồn cá thưa hẳn. Vô vàn lý do đã xua đuổi chúng né sợ con người: sự ô nhiễm môi trường nước biển và thuốc nổ – lối đánh bắt tàn nhẫn như rà điện ở đồng quê… Lim dim mắt mơ màng, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh chiếc thuyền buồm xưa với người đàn bà đứng phía mũi, đầy uy vũ và lãng mạn giữa biển trời tiếng hô “bát !”, “cậy !”
. Lê Hoài Lương
|