Khi thuốc trừ sâu vào chợ
17:33', 10/4/ 2003 (GMT+7)

Thuốc bảo vệ thực vật bán chung với các loại hàng hóa dễ cháy, mỹ phẩm ngay trong chợ. Thuốc nằm ngoài danh mục, thuốc kém chất lượng vẫn được bán ra trên thị trường…

* Thuốc trừ sâu bán cùng… mỹ phẩm

Chợ Dinh (phường Nhơn Bình - TP Quy Nhơn) sáng 7/3/2003, nghe tôi hỏi mua thuốc trừ sâu, một người phụ nữ bán hàng khô ngay cửa chợ đưa tay chỉ những hàng mỹ phẩm nằm phía trong, một góc chợ. “Đấy! Chú vào mấy hàng đó mà hỏi. Mua bao nhiêu chả có!” - bà nói. Đảo mắt theo tay bà, tôi chỉ thấy những người phụ nữ, ngồi bên những hộp kính đựng đầy mỹ phẩm, dầu gội đầu và một ít quần áo dành riêng cho các bà, xen lẫn những hộp giấy to, nhỏ có đủ. Bình thường, tôi chẳng thể hình dung những hàng này lại có bán thuốc trừ sâu.

Tôi hỏi một chị ngồi ngay phía ngoài: “Chị có bán thuốc diệt cỏ không?”. “Chú mua loại nào?”. Tôi nói: “Loại diệt cỏ để sạ lúa”. - “Vậy là Sofix. 21.000 đồng một lọ”. Vừa nói, chị vừa bước vội đến những thùng giấy chất góc hàng, lọ mọ lục rồi lôi ra một lọ thuốc trừ sâu. “Thế thuốc trừ sâu 558 có không ạ?” - tôi lại hỏi. “À! Loại ống tiêm của Trung Quốc hả? 3.000 đồng một hộp”. Nói rồi chị lại lôi ra một hộp giấy khác và chìa ra trước mắt tôi những ống thuốc trừ sâu 558 của Trung Quốc. “Ở đây có nhiều người bán thuốc trừ sâu như chị không?” - tôi hỏi. “Mấy người quanh đây cũng bán”- chị ta cho biết vậy.

Nhưng đâu chỉ chợ Dinh, tại một số chợ khác trong tỉnh, thuốc trừ sâu, thậm chí thuốc trừ sâu ngoài danh mục, vẫn được đem ra chợ bày bán như vậy. Ngoài thuốc trừ sâu 558, còn có thuốc chuột, một loại thuốc ống tiêm khác, cũng của Trung Quốc, là hai loại thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn được bán cho nông dân. Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật Bình Định, ngoài hai loại thuốc trên dùng cho cây lúa, nông dân trong tỉnh vẫn còn dùng thuốc mô-ni-tơ, một loại thuốc trừ sâu rất độc hại, cho cây thuốc lá.

Đáng lo ngại hơn, theo tiết lộ của ông Đặng Quang Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Bình Định, không chỉ các quầy hàng ngoài chợ, ngay tại các cơ sở chuyên bán thuốc bảo vệ thực vật, vẫn có hiện tượng tiếp tay bán hàng kém chất lượng, hàng giả, thuốc ngoài danh mục. Chẳng hạn, trong đợt kiểm tra năm 2002, các cơ quan chức năng đã phát hiện một hộ gia đình có 13 chai Sherpa sản xuất từ 2/12/1999, có thời hạn sử dụng 2 năm và hai chai Validamicin A 3% sản xuất 20/9/1999 thời hạn sử dụng 2 năm. Cũng trong đợt kiểm tra này, các cơ quan chức năng phát hiện 14/234 cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục và đã thu 177 ống thuốc 558 và 643 ống thuốc chuột Trung Quốc.  

Ngoài ra, hiện vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh như quy định. Báo cáo kết quả thanh tra diện rộng của Chi cục Bảo vệ Thực vật Bình Định tại 234 cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật năm 2002 cho thấy: chỉ 86 cơ sở được kiểm tra có chứng chỉ hành nghề do cơ quan chức năng cấp; 192 cơ sở đã qua lớp tập huấn ngắn hạn thuốc bảo vệ thực vật; 105 cơ sởcó kho chứa, cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật riêng biệt; 10 cơ sở được kiểm tra được cơ quan chức năng cấp chứng nhận phòng chống cháy nổ; 26 cơ sở nhân viên trực tiếp bán hàng có chứng nhận sức khỏe, 12 cơ sở được cấp chứng nhận vệ sinh môi trường.

* Quản lý nhà nước: tiền hậu bất nhất?

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 490 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhưng mới chỉ có 170 cơ sở được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài nguyên nhân thuộc về chủ quan các cơ sở, một nguyên nhân khác là chính sách nhà nước để quản lý kinh doanh loại hàng hóa này vẫn xảy ra hiện tượng tiền hậu bất nhất. Chẳng hạn, theo Nghị định 92 của Chính phủ năm 1993 về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thì các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy phép. Nghị định 30 của Chính phủ ngày 11/8/2000 về việc bãi bỏ một số giấy phép và chuyển một số giấy phép thành điều kiện kinh doanh, đã quyết định chuyển giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thành điều kiện kinh doanh. Nhưng mới đây, Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý Thuốc bảo vệ thực vật kèm theo Nghị định 58 của Chính phủ ngày 3/6/2002 lại yêu cầu các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Hành vi bán thuốc bảo vệ thực vật trong chợ, ngay cạnh các hàng dễ cháy, bỏ qua mọi điều kiện tối thiểu để kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, là không thể chấp nhận. Tăng cường kiểm tra các cơ sở, đại lý chuyên doanh chưa đủ; mà các cơ quan bảo vệ thực vật, ban quản lý các chợ, chính quyền địa phương cũng cần phải nhập cuộc để hạn chế tình trạng này.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)
Những viên gạch nền móng đầu tiên  (06/04/2003)
Người dân kêu cứu, cơ quan chức năng làm ngơ!  (04/04/2003)
Một ngày ở làng nghề làm nhang  (03/04/2003)
Cộng đồng cần chung sức  (02/04/2003)
Chuyện về những “sứ giả ”xóm làng  (01/04/2003)
Đưa Luật Hôn nhân và Gia đình đến với đồng bào thiểu số  (01/04/2003)
Ông thôn trưởng làm lúa giống  (31/03/2003)
5 năm trong sạch, vững mạnh  (31/03/2003)
Đời thường của những “Người chiến thắng trở về”   (30/03/2003)
Người cắm cờ giải phóng trên dinh tỉnh trưởng ngày 31 tháng 3  (30/03/2003)
Các vị chỉ huy nói về ngày giải phóng Bình Định  (30/03/2003)