Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu
17:15', 13/4/ 2003 (GMT+7)

Làm gốm ở Nhơn Hậu - ảnh Đào Tiến Đạt

Đến các cơ sở tiện gỗ ở xã Nhơn Hậu (An Nhơn), ta bắt gặp không ít những thanh niên Nhơn Hậu học và hành nghề trên chính quê hương mình. Họ đang trả lại tên gọi cho làng nghề truyền thống, lập nghiệp bằng tinh hoa nghề nghiệp của ông cha. Nhơn Hậu có ba nghề thủ công truyền thống nổi bật, hai trong số đó dường như đã không còn sức cạnh tranh trên thị trường, việc sản xuất ngày càng thu hẹp. Chỉ còn nghề tiện gỗ là đang có sức phát triển. Một người Nhơn Hậu tâm sự: “Không có nghề truyền thống này, làng nghề không có được diện mạo như hôm nay”.

* Từ chuyện tiếp thu kỹ thuật

Tiện gỗ là một nghề truyền thống của Nhơn Hậu. Nhưng để phát triển, bám vào vốn truyền thống không đủ. Ông Bùi Tú Vinh, chủ cơ sở tiện gỗ cùng tên, cho biết: “Trước đây, làng nghề chỉ có nghề tiện, sản phẩm làm ra thô, giá trị kinh tế không lớn, phải bán lại cho các cơ sở chạm, khảm trong Nam mới xuất khẩu được”. Trước tình hình đó, những người làm nghề đã mạnh dạn tiếp thu thêm về kỹ thuật và kinh nghiệm của các làng nghề bạn. Và họ đã rong ruổi đi khảo sát thị trường; tìm hiểu về nghề khảm, chạm ở các làng nghề trong Nam, ngoài Bắc, rồi mời thợ ở các làng này về Nhơn Hậu làm nghề.

Nay thì vào bất cứ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu nào ở Nhơn Hậu, ta đều dễ dàng bắt gặp những người thợ ngoại tỉnh. Chẳng hạn, cơ sở ông Vinh có khoảng 100 lao động, trong đó, có 50 thợ chính, thì chỉ hơn 30 người là dân địa phương, còn lại là thợ ngoại tỉnh; cơ sở anh Tống Văn Lưu với 100 lao động, thì đã có hơn 20 thợ ngoại tỉnh.

Ngoài ra, các cơ sở còn trang bị thêm máy móc, cải tiến công nghệ, tìm kiếm mẫu mã, sản xuất ra những sản phẩm lớn. Nhờ sự tiếp sức như vậy, sản phẩm của làng nghề không chỉ tinh xảo, mà mẫu mã cũng đa dạng hơn và có giá trị trao đổi cao hơn. Bên cạnh những sản phẩm cỡ nhỏ như vẫn được sản xuất trước đây (tất nhiên, có phần tinh xảo hơn, như: tranh khắc gỗ treo tường, lọ hoa…), làng nghề còn sản xuất thêm những sản phẩm cỡ lớn: tủ, bàn ghế… có giá trị lớn và được thị trường ưa chuộng. 

Làm giàu truyền thống bằng tiếp sức về công nghệ, kỹ thuật đã giúp làng tiện gỗ Nhơn Hậu đứng được trong cơ chế thị trường. Đến nay, sản phẩm của làng nghề đã cạnh tranh được với sản phẩm các làng tiện gỗ trong Nam, ngoài Bắc. Làng nghề ngày càng phát triển. Theo số liệu của Sở Công nghiệp Bình Định, năm 2002, làng nghề có 77 cơ sở tiện gỗ. Chất lượng, giá thành là những yếu tố tạo nên sức cạnh tranh của gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu. 

* Đến dạy nghề tại chỗ

Gia tài của ông cha để lại cho con cháu, đâu chỉ ở nhà cửa, ruộng vườn, còn ở bàn tay lành nghề. Nhưng làm sao để nghề truyền thống không bị mai một? Chỉ có thể là truyền nghề cho thế hệ sau. 

Nhưng kinh phí để học nghề tiện khá cao, trên dưới 2 triệu đồng/tháng/người. Nếu dạy nghề theo kiểu truyền thống, riêng việc học nghề tiện, đã mất hẳn ba năm. Đó là chưa kể người học nghề phải có thêm dụng cụ học nghề, chi phí không dưới 1,5- 2 triệu đồng. Với những thanh niên nông thôn thiếu việc làm, nhất là với người nghèo và đối tượng chính sách, mức chi phí và thời gian như vậy, rõ ràng là không phù hợp.

Các cơ sở đã có những hỗ trợ cho người học nghề để tháo gỡ vướng mắc này. Người học nghề chỉ phải nộp 50%, chủ cơ sở bỏ ra 50%. Sau 12- 24 tháng, tùy cơ sở, các bạn trẻ đã có thể vững tay nghề để vào đời lập nghiệp. Mỗi cơ sở có một cách làm riêng. Chẳng hạn, ở cơ sở ông Vinh, người học nghề không phải đóng một khoản tiền nào. Nếu gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn, cơ sở còn cho mượn tiền để sắm dụng cụ học nghề; sau này, khi ra nghề, sẽ trừ dần vào tiền lương hàng tháng. Cơ sở còn ưu tiên thu nhận con em các hộ nghèo, con em các gia đình chính sách. Còn cơ sở của anh Lưu thì người học nghề không phải nộp tiền; nhưng sau khi thành nghề sẽ ở lại làm tại cơ sở 4 tháng… Ngoài nghề tiện, cánh thợ trẻ còn được thợ cánh Bắc hướng dẫn thêm về nghề chạm, khảm. Việc học nghề tiến hành theo hình thức truyền nghề và kèm cặp ngay tại xưởng. Sau khi tốt nghiệp, người lao động nếu có nhu cầu sẽ được thu nhận vào làm việc tại cơ sở.

Anh Trần Quốc Xí, năm nay mới 19 tuổi, là một trường hợp như vậy. Anh học nghề từ năm 1999 tại cơ sở của ông Vinh. Sau một năm, khi đã thành nghề, anh được nhận vào làm tại cơ sở. Hiện nay, sau khi trừ tiền ăn, mỗi tháng anh Xí còn được nhận khoảng 600.000 đồng/tháng. “Với thanh niên nông thôn như tụi tôi, có việc làm ổn định, mức thu nhập như vậy đã là lý tưởng”- anh Xí tâm sự.

Cứ thế, phong trào dạy nghề đã phát triển mạnh ở Nhơn Hậu, nhất là từ năm 1999 trở lại đây. Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, Nhơn Hậu hiện có 8 cơ sở làm nghề, kết hợp dạy nghề. Riêng năm 2002, các cơ sở này đã thu hút được 415 lao động học nghề gỗ mỹ nghệ.

Tiếp thu công nghệ, kỹ thuật nhằm tiếp sức cho nghề truyền thống; dạy nghề để đào tạo thế hệ tiếp nối - đã được những cơ sở tiện gỗ ở Nhơn Hậu tiến hành một cách có ý thức. Phải chăng, từ con đường tiếp sức cho nghề truyền thống bằng đổi mới công nghệ và tăng cường học, dạy nghề ở Nhơn Hậu, sẽ gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về định hướng phát triển các làng nghề truyền thống hiện nay?

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển làng nghề, không dẫm chân tại chỗ, những cơ sở tiện gỗ rất muốn đổi mới công nghệ bằng cách trang bị máy tiện cỡ lớn để sản xuất sản phẩm lớn, có sức cạnh tranh và giá trị cao. Ngoài ra, diện tích nhà xưởng hiện nay của các cơ sở rất chật chội, khó đảm bảo điều kiện vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, việc thành lập một HTX gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, nhằm tập hợp, liên kết các cơ sở nhỏ, tạo tư cách pháp nhân, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, như mong muốn lâu nay của những hộ sản xuất nhỏ vẫn chưa thành hình.

Đổi mới công nghệ, mở rộng nhà xưởng, liên kết trong sản xuất, bên cạnh việc tiếp tục công tác dạy nghề… vẫn là những việc cần làm ngay trước mắt để làng nghề tiếp tục phát triển bền vững.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)
Những viên gạch nền móng đầu tiên  (06/04/2003)
Người dân kêu cứu, cơ quan chức năng làm ngơ!  (04/04/2003)
Một ngày ở làng nghề làm nhang  (03/04/2003)
Cộng đồng cần chung sức  (02/04/2003)
Chuyện về những “sứ giả ”xóm làng  (01/04/2003)
Đưa Luật Hôn nhân và Gia đình đến với đồng bào thiểu số  (01/04/2003)
Ông thôn trưởng làm lúa giống  (31/03/2003)
5 năm trong sạch, vững mạnh  (31/03/2003)
Đời thường của những “Người chiến thắng trở về”   (30/03/2003)