Những giọt máu “hồi sinh”
17:46', 15/4/ 2003 (GMT+7)

Hàng năm, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định có hàng trăm ca phẫu thuật cần được tiếp máu từ nguồn máu trữ tại Ngân hàng máu của Bệnh viện. Thế nhưng có mấy ai biết được những đơn vị máu ấy có nguồn gốc từ đâu.

* Những người cho máu

Theo dòng người nhộn nhịp ra vào BVĐK tỉnh, tôi lên tầng ba của khu nhà vừa xây xong - nơi hoạt động của Phân khoa trữ máu thuộc bệnh viện. Trong vai người đi “cho” máu, tôi được một cán bộ ở đây hướng dẫn những thủ tục cần thiết trước khi cho máu, rồi ra ngồi trên băng ghế đặt tại hành lang chờ đợi lấy máu thử. Trên 2 băng ghế dài, cùng ngồi với tôi có khoảng 18 người, trong đó có 7 người phụ nữ trông vẻ khá lam lũ. Qua câu chuyện của họ, tôi biết được họ phải bươn chải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, người thì làm thuê, làm mướn, người thì buôn thúng bán bưng… nhưng tất cả đều chung hoàn cảnh rất khó khăn và đang rất cần một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống thường nhật. Chị Nguyễn Thị H., trên tay bế đứa con hơn một tuổi kể với tôi: “Năm nay tôi đã gần 40 tuổi nhưng gần như chưa có được một ngày vui. 18 tuổi tôi đã lấy chồng rồi sinh một lèo đến 5 con. Còn chồng tôi thì làm đủ nghề từ đạp xích lô đến bốc vác… để kiếm tiền nuôi con. Còn bây giờ, anh ấy đang mắc bệnh nan y, không biết sống được bao lâu, tôi đành phải bán máu”. Chị không nhớ được đây là lần thứ mấy chị đến đổi máu lấy tiền… Còn cậu thanh niên người nhỏ nhắn, thư sinh ngồi bên cạnh thì cho biết “em mới đến lần thứ nhất”. Cậu ta thổ lộ: “Nhà em tận KonTum, gia đình đang gặp khó khăn vì mùa màng thất bát. Kẹt quá, em đến đây bán máu để kiếm tiền chi tiêu…”. Anh Huỳnh Văn T., một người kiếm sống bằng nghề đạp xích lô, thì tâm sự: “Cả tháng nay, chạy xe ế quá, hôm qua thằng nhỏ bị sốt cao phải nhập viện, đành phải bán máu lấy tiền lo thuốc thang cho nó”.

* Họ cần được cảm thông

Bác sĩ Nguyễn Văn Cót, Trưởng khoa Xét nghiệm cho biết: “Theo quy định của ngành y tế, sau khi cho một đơn vị máu (250cc), người cho sẽ nhận được 150 nghìn đồng. Mỗi năm, một người có thể cho máu 3 lần mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tại Phân khoa trữ máu này, hàng tháng có khoảng 250 đến 300 người đến cho máu. Hầu hết những người đến cho máu ở đây đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ đổi máu để lấy ít tiền về trang trải cho cuộc sống”. Một kỹ thuật viên phòng xét nghiệm máu cho biết: “Đa số những người vào đây đều muốn nhanh chóng kết thúc công đoạn thử máu, lấy máu, và họ luôn đề nghị chúng tôi kéo kín cửa lại vì lo sợ người quen phát hiện ra họ làm công việc ấy”.

Hàng ngày tại các trung tâm y tế lớn trong tỉnh thường xuyên phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu; điều trị cho nhiều ca bệnh cần đến máu để phẫu thuật. Chính vì vậy lượng máu dự trữ trong Ngân hàng máu khó có thể đủ đáp ứng nhu cầu. Theo bác sĩ Cót, hàng năm riêng BVĐK tỉnh cần đến hơn 1.000 lít máu cho các ca phẫu thuật, thế nhưng mỗi năm tính tổng cộng các khoản máu đóng góp tại Ngân hàng lưu trữ máu của bệnh viện chỉ hơn 700 lít, trong đó riêng những người đến cho máu để lấy tiền đã đóng góp trên 400 lít máu, gấp 8 lần so với lượng máu lấy được từ chương trình hiến máu nhân đạo trong cả năm (khoảng 50 lít).

Như vậy, trên thực tế việc đổi máu lấy tiền trang trải cho cuộc sống khó khăn của mình không chỉ là “cứu cánh” cho bản thân họ mà còn góp phần giải quyết một vấn đề nan giải cho cộng đồng. Chính vì vậy mà họ cần có sự cảm thông, chia xẻ của cộng đồng và với những ai đã một lần đón nhận những giọt máu hồi sinh sẽ cảm nhận thật sâu sắc điều đó.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)
Những viên gạch nền móng đầu tiên  (06/04/2003)
Người dân kêu cứu, cơ quan chức năng làm ngơ!  (04/04/2003)
Một ngày ở làng nghề làm nhang  (03/04/2003)
Cộng đồng cần chung sức  (02/04/2003)
Chuyện về những “sứ giả ”xóm làng  (01/04/2003)
Đưa Luật Hôn nhân và Gia đình đến với đồng bào thiểu số  (01/04/2003)
Ông thôn trưởng làm lúa giống  (31/03/2003)
5 năm trong sạch, vững mạnh  (31/03/2003)