Mạng lưới trường lớp cho học sinh dân tộc ít người:
Sẽ được quy hoạch đồng bộ
17:31', 16/4/ 2003 (GMT+7)

Một lớp học vùng cao

Những năm qua, Bình Định đã đầu tư khá lớn cho giáo dục miền núi. Tỷ lệ học sinh dân tộc ít người được đi học là 3,9% (toàn quốc là 0,4%); mỗi năm, một học sinh người dân tộc đi học trường (phổ thông dân tộc nội trú) PTDTNT tỉnh được Nhà nước đầu tư 4,8 triệu đồng, học trường PTDTNT huyện là 4,6 triệu đồng (mức Bộ GD-ĐT quy định là 2,7 và 2,2 triệu đồng); hệ thống trường lớp đều khắp các bản làng… Nhưng bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó, mạng lưới trường lớp ở miền núi Bình Định vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh.

* Đầu tư lớn nhưng còn bất cập

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, tòan tỉnh có 10.500 học sinh dân tộc ít người đang theo học trong các trường phổ thông , trong đó học các trường PT DTNT có 1.000 em, 1.530 em đang học theo hình thức bán trú. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc ít người, tỉnh đã xây dựng trường PTDTNT tỉnh và 5 trường PTDTNT ở 5 huyện có học sinh dân tộc ít người. Ngoài ra, là hệ thống trường lớp mầm non, tiểu học, trường bán trú, lớp học “nhô”… phát triển xuống tận các bản làng xa xôi. Bên cạnh sự đầu tư lớn cho học sinh ở các trường nội trú như đã nói trên, học sinh học bán trú dân nuôi cũng được đầu tư 1,6 triệu đồng/HS/ năm. Việc mở ra mô hình này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp cho các huyện miền núi tiến hành xóa mù chữ, phấn đấu phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Tuy nhiên, sự tăng quy mô học sinh học bán trú hàng năm (400-500 HS) đã dẫn đến sự quá tải so với nguồn lực đầu tư của tỉnh. Quy mô đào tạo, cách sắp xếp tổ chức, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trường nội trú cũng chưa hợp lý, dẫn đến hiệu quả giáo dục không tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước. Chẳng hạn, trường PTDTNT huyện Vân Canh có 237 học sinh dân tộc ít người học nội trú, 209 học sinh học bán trú THCS và 750 học sinh dân tộc Kinh học bậc THPT. Trường PTDTNT huyện An Lão còn có thêm học sinh người Kinh học bậc THCS. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề hướng nghiệp cho học sinh cũng nằm luôn trong trường nội trú… Sự “ôm đồm” này đã dẫn đến sự quá tải về phòng học, phòng ở, khu sinh hoạt, phòng ăn, bếp nấu…

Việc xây dựng mới lại mang tính chắp vá, không đồng bộ. Đối với hệ thống giáo dục mầm non miền núi, còn có 7 xã, 11 lớp với 199 cháu mẫu giáo phải học nhờ ở các trường tiểu học do số lớp quá ít, chưa thể mở trường riêng. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học ở đây vẫn còn quá khó khăn, thiếu thốn. Lương giáo viên mầm non mới đạt được mức lương tối thiểu nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và huyện… Do đó, việc điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống giáo dục miền núi từ bậc học mầm non đến phổ thông là vô cùng cần thiết để tháo gỡ những khó khăn nói trên, nâng cao chất lượng học tập của học sinh dân tộc ít người.

* Quy hoạch để phát triển

Để giải quyết những bức xúc trên, Sở GD-ĐT đã xây dựng đề án điều chỉnh, quy hoạch mạng lưới trường học miền núi từ nay đến 2010 theo hướng tiếp tục xây dựng ít nhất mỗi xã miền núi 1 lớp mẫu giáo công lập (đối với những xã trắng mẫu giáo), tiến tới mỗi xã thành lập 1 trường mẫu giáo công lập với 3 lớp, nhóm trẻ trở lên với ít nhất 40 em. Phấn đấu huy động trẻ dân tộc ít người ra lớp từ 13,7% năm 2002 đến 45% vào năm 2005. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường nội trú. Trước mắt, không tuyển sinh bán trú và tách học sinh THCS và THPT ra khỏi trường nội trú để đảm bảo mô hình trường nội trú huyện chỉ có học sinh dân tộc ít người và học sinh người Kinh học bậc THCS. Hoàn thiện hệ thống trường bán trú dân nuôi bằng cách điều chỉnh điều kiện thành lập trường, tiêu chí tuyển sinh, quy mô đào tạo, chế độ chính sách và kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý. Duy trì học sinh ở những cơ sở bán trú sẵn có, mở thêm trường lớp “nhô” (tiểu học có lớp 4,5,6,7 hoặc THCS có thêm lớp 8,9) ở những vùng cao, vùng sâu hoặc xa đặt ở gần trung tâm cụm xã đông dân cư, thuận tiện cho việc đi lại. Đối tượng tuyển sinh của các mô hình trường này là học sinh vùng cao các lớp 4,5,6,7 có nhu cầu hoặc một số em ở vùng núi có làng gần xã vùng núi cao.

Để thực hiện được dự án này, Sở GD-ĐT cũng đã tính cần phải có trên 22,6 tỉ đồng. Việc huy động vốn sẽ được thực hiện từ nhiều nguồn: Ngân sách đầu tư tập trung mỗi năm xây dựng 1 trường PTTH; kinh phí chương trình mục tiêu, kiên cố hóa trường học của Bộ GD&ĐT và huy động sự đóng góp của xã hội. Bên cạnh đó, các huyện được hưởng thụ cũng phải bổ sung quỹ đất trong quy hoạch đất đai cho ngành GD-ĐT.

Dự án được thực hiện sẽ là điều kiện để đảm bảo hầu hết học sinh dân tộc ít người đến tuổi được đến trường, được có đủ trường, đủ lớp, đủ chỗ ngồi để học tập, từ đó nâng cao chất lượng học tập, tiến tới phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS.

. Ngọc Quỳnh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
5 năm, một chặng đường phát triển  (15/04/2003)
Những giọt máu “hồi sinh”  (15/04/2003)
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)
Những viên gạch nền móng đầu tiên  (06/04/2003)
Người dân kêu cứu, cơ quan chức năng làm ngơ!  (04/04/2003)
Một ngày ở làng nghề làm nhang  (03/04/2003)
Cộng đồng cần chung sức  (02/04/2003)
Chuyện về những “sứ giả ”xóm làng  (01/04/2003)
Đưa Luật Hôn nhân và Gia đình đến với đồng bào thiểu số  (01/04/2003)