Bún cá Quy Nhơn trên đất Sài Gòn
17:17', 17/4/ 2003 (GMT+7)

Một quán bún cá Quy Nhơn tại Sài Gòn

Ở Quy Nhơn, không ai xa lạ gì với món bún chả cá rẻ và ngon. Thế nhưng, sống ở Sài Gòn mà được ăn một tô bún chả cá Quy Nhơn thì quả là một điều thú vị cho bao người con đất Bình Định đang phải xa quê…

* Từ nỗi nhớ xa quê

Cách đây chừng 5 năm, chị Phạm Thị Khải Huyền, người Quy Nhơn vào lập nghiệp ở Sài Gòn về thăm quê và được ăn món bún chả cá quen thuộc. Cái cảm giác của người con xa xứ lâu ngày, được ăn lại món ăn quê hương đã gợi cho chị một ý tưởng làm ăn mới: kinh doanh bún chả cá Quy Nhơn tại Sài Gòn, để phục vụ cho người Bình Định đang làm ăn sinh sống ở đây. Lúc đầu mới mở quán, do mọi người chưa biết nhiều, nên chị Huyền liên tục phải chịu cảnh ế hàng. Thế nhưng qua một thời gian, nhiều người biết và giới thiệu cho nhau, khách hàng cứ thế truyền miệng nhau kéo đến quán bún của chị ngày một đông và vượt xa ước vọng của chị. Thấy quán bún chả cá Quy Nhơn của chị làm ăn được, nhiều người Quy Nhơn ở Sài Gòn cũng mở ra kinh doanh như chị. Đến nay, nhẩm tính tại Sài Gòn có khoảng 10 quán bún chả cá Quy Nhơn như vậy và tập trung ở những nơi có đông người Bình Định sinh sống như quận Tân Bình, Bình Thạnh…

Vào một buổi sáng, chúng tôi tìm đến quán bún cá Quy Nhơn của chị Phạm Thị Khải Huyền ở chợ Thanh Đa (Bình Thạnh). Ngay từ xa, tôi đã nhìn thấy những tấm biển đề dòng chữ thật to đặt trước quán: “Bún chả cá Quy Nhơn”. Mới sáng sớm, quán đã đông khách vào ra ăn bún. Chị Huyền cho biết: Mỗi một ngày quán của chị bán được 200 tô bún, mỗi tô lãi khoảng 1.000 đồng. Như vậy, trung bình một ngày chị lãi khoảng 200 ngàn đồng. Nhưng chẳng riêng gì quán chị, tại quán bún chả cá Quy Nhơn của cô Bảy Nhung ở số 50/1 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) hàng ngày khách vào ra ăn bún cũng dập dìu. Cô Bảy Nhung cũng là người Quy Nhơn, ngày trước cô bán bún chả cá tại nhà trên đường Nguyễn Huệ cũng rất đông khách, nhưng vì hoàn cảnh, gia đình cô đã chuyển vào Sài Gòn sống gần 5 năm nay. Cô Bảy cho biết: “Khi mới vào, lạ nước lạ cái, tôi không biết làm gì, phải làm đủ thứ nghề nhưng không có nghề nào thành công cả. Thấy mấy quán bún chả cá Quy Nhơn ở đây mua bán được nên tôi mới mở ra bán thử để kiếm sống qua ngày. Khi mở ra bán thì thành công ngoài dự định của mình. Khách hàng đến quán ngày một đông và không chỉ người dân ở Quy Nhơn – Bình Định, mà có cả người ở các tỉnh khác và dân Sài Gòn chính hiệu.

* Trở thành đặc sản trên đất người

Chẳng những chỉ có những người con Bình Định xa quê mà nhiều người ở các tỉnh khác rất thích món bún chả cá Quy Nhơn. Bởi giá cả rất phải chăng, ngon và chất lượng. Một tô bún chả cá ở đây giá chỉ 4.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với các loại bún khác được bán ở Sài Gòn. Chị Nguyễn Thị Bình, một khách hàng của quán cô Bảy là dân gốc Sài Gòn, cho chúng tôi biết: “Bún chả cá Quy Nhơn có những nét đặc trưng riêng khiến người ăn thích, đó là chả cá ăn dai như mực nướng nhưng lại ngọt, béo và thơm. Nước mắm rất thơm, chỉ nghe mùi cũng cảm thấy ngon chứ chưa nói đến chuyện ăn. Tương ớt thì thơm và cay không lẫn với các loại tương ớt của những quán bún khác ở đây”. Đấy là nhận xét của một người không phải gốc Quy Nhơn. Còn chị Trần Thị Hồng Hạnh, ở đường Phan Bội Châu (Quy Nhơn) đang sống và làm việc tại Sài Gòn thì nhận xét món ăn của quê hương mình bằng một câu thật ngắn gọn: “Người xa quê mà được ăn lại tô bún chả cá của quê mình trên xứ người như thế này thì quả là tuyệt. Lần đầu tiên được ăn, tôi đã làm lèo một lúc đến 2 tô cho hả hê”.

Theo các chủ quán bún chả cá Quy Nhơn ở đây cho biết, tất cả những nguyên liệu để bán đều được chuyển từ Quy Nhơn vào. Tuy xa như vậy nhưng lúc nào cũng đảm bảo được chất lượng và tươi ngon nhờ được ướp và bảo quản cẩn thận. Chị Trần Hòa Đồng, chủ quán bún chả cá Quy Nhơn tại chợ Thanh Đa, cho hay: “Nguyên liệu để bán bún chả cá của các quán ở đây đều do những người bán bún chả cá ở Quy Nhơn cung cấp. Mỗi ngày, nếu không có gì thay đổi thì khoảng 2 giờ chiều, bạn hàng ở Quy Nhơn ra xe khách, gởi nguyên liệu vào. Khoảng 4-5 giờ sáng, chúng tôi nhận được và tiến hành nấu để bán. Nhờ vậy, nên dù ở xa nhưng lúc nào cũng có nguyên liệu tươi và ngon để bán hàng ngày”.

Điều đặc biệt là những quán bún chả cá Quy Nhơn ở đất Sài Gòn đều do người Quy Nhơn đứng bán. Người đã vào đây lâu hay người mới vào khi mở ra kinh doanh tất cả đều giữ chữ tín. Dĩ nhiên, mỗi quán đều có một bí quyết và một đặc trưng riêng để kinh doanh và thu hút khách, nhưng họ luôn ý thức và bảo nhau phải giữ uy tín cho “thương hiệu” bún cá Quy Nhơn. Vì như thế, cũng có nghĩa là gìn giữ một hình ảnh đẹp về một Quy Nhơn giữa lòng Sài Gòn và bạn bè phương xa.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ được quy hoạch đồng bộ  (16/04/2003)
5 năm, một chặng đường phát triển  (15/04/2003)
Những giọt máu “hồi sinh”  (15/04/2003)
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)
Những viên gạch nền móng đầu tiên  (06/04/2003)
Người dân kêu cứu, cơ quan chức năng làm ngơ!  (04/04/2003)
Một ngày ở làng nghề làm nhang  (03/04/2003)
Cộng đồng cần chung sức  (02/04/2003)
Chuyện về những “sứ giả ”xóm làng  (01/04/2003)