|
Học cắt may tại cơ sở Nguyễn Nga |
Nâng niu những mảnh đời bất hạnh, nâng niu cho những ước mơ của người khuyết tật - là công việc đang được một cơ sở dạy nghề tư nhân ở TP Quy Nhơn tiến hành một cách bền bỉ, thầm lặng từ mười năm nay. Đó là Cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật Nguyễn Nga (100 Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn).
* Những tiếng nói khai tâm
Có một bận, tình cờ đi ngang qua ngôi nhà số 30 đường Nguyễn Văn Bé, TP Quy Nhơn, cơ sở 2 của Cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật Nguyễn Nga, tôi tình cờ nghe thấy những thanh âm thật lạ. Cũng là những bài tập đọc nhưng được phát âm bằng tất cả sự cố gắng. Thanh âm như cánh chim non, chấp chới, có lúc nghẹn đứng trong vòm họng, có lúc phát ra như một cánh chim đang chấp chới trên nền trời. Nó vừa nghẹn ngào, vừa xa xót, lại vừa ẩn chút gì nghe như háo hức, hy vọng.
Tôi đã đứng thật yên, để tâm lắng tai nghe. Và khi vào trong khuôn viên cơ sở, trước mắt tôi là một hình ảnh thật cảm động. Một cô giáo thật trẻ vừa viết lên tấm bảng những con chữ tròn trịa và đẹp đẽ. Cô đang đọc mẫu để các cô cậu trò nhỏ, vốn là những trẻ khiếm thính, đọc theo. Những thanh âm đánh dấu bước khai tâm đầu tiên của những cuộc đời. Những thanh âm mà sau rất nhiều năm từ khi chào đời, đến giờ, các em mới có thể cất lên. Thi thoảng, các em đọc không đúng, cô giáo lại dừng lại, phát âm lại thật rõ ràng, không chỉ bằng lời mà chủ yếu là bằng cách thể hiện hình dáng của vòm miệng và vị trí lưỡi, rồi cô chỉ dẫn thêm cho các em bằng ngôn ngữ của đôi tay mình.
Anh Vương Anh, một phụ huynh, vừa từ huyện Kbang (Gia Lai) xuống thăm con, cũng đang lặng lẽ lắng nghe như vậy. Rồi như không kìm nổi xúc động, anh quay sang tôi, chia sẻ: “Mừng quá! Hy vọng rồi đời cháu có chút học hành sẽ đỡ vất vả”. Qua câu chuyện của anh Anh ngay sau đó, tôi được biết rằng anh từng đưa bé Ngọc Dung, con gái của anh, đi khắp trong Nam, ngoài Bắc chữa bệnh mà không khỏi. Đến khi nghe nói có cơ sở dạy chữ cho những trẻ khiếm thính ngay tại TP Quy Nhơn, anh vội thu xếp xuống xin nhập học. Anh kể: “Sau một năm theo học, tết cháu về nhà, cả làng đến xem. Ai cũng bảo, con bé trông khác quá, biết nhận mặt chữ, rồi còn biết viết. Thật lạ. Tưởng như đang mơ. Ra tết, cháu ốm. Tính gọi vào xin cô giáo cho nghỉ thêm vài hôm. Vậy mà đến hôm xem lịch, thấy đã đến ngày nhập học, con bé nhất định đòi vào để học cùng các bạn”.
Đào Thị Mộng Hằng, cô giáo trẻ đang đứng lớp, tâm sự, rằng Hằng nguyên là một kỹ thuật viên nghề may tại Cơ sở Nguyễn Nga, những ước mơ của người khuyết tật mà Hằng gặp gỡ hằng ngày, cộng với sự đồng cảm cùng hoàn cảnh của họ, thôi thúc Hằng đảm nhận việc dạy chữ cho những đứa trẻ câm điếc này. Hằng đã được theo học một khoá đào tạo kỹ năng dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An - Bình Dương. Nay, Hằng đã trở thành một trong những giáo viên tận tâm và nhiệt tình với những đàn em bất hạnh này. Không chỉ Hằng mà những giáo viên còn lại, hầu hết đều còn rất trẻ, đều là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, có người từng là giáo viên phổ thông về “đầu quân” cho chị Nga.
Tại một lớp học khác, đập vào mắt chúng tôi là một nhóm các em đang loay hoạy bên từng con chữ. “Đây là lớp vỡ lòng. Các em đang học nhận diện mặt chữ” - thấy tôi chăm chú quan sát các em, cô Nguyễn Thị Sáu, giáo viên đứng lớp, giải thích. “Khó nhất là thời gian đầu, phải dạy cho các em nhận ra hình miệng để biết mình đang nói cái gì. Thời gian này, chúng tôi phải vừa nói, vừa thể hiện bằng tay, rồi dạy các em nhận miệng, dạy viết và đọc chữ, dạy cả những khái niệm với người bình thường là đơn giản nhưng với các em, từ trước đến nay, còn xa lạ” - cô cho biết thêm.
Theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một học sinh câm điếc phải hoàn thành 3 năm học dự bị, thêm 1 năm mẫu giáo mới có thể bước vào chương trình tiểu học. Bởi thế, người bình thường vất vả một, thì các em vất vả hai, ba. Và giáo viên dạy trẻ khiếm thính thì vất vả gấp bốn, gấp năm, vì ngoài dạy chữ, ngoài giờ học, họ còn tranh thủ đến, lo cho các em chỗ ăn, chỗ ngủ, và dõi theo những bước tiến của mỗi em từng ngày. “Khổ nhất là những khi đổi giáo viên do các cô phải thay nhau đi học. Giáo viên mới, cho ít điểm, các em chê cô giáo “dổm”, không chịu học. Thế là cô năn nỉ trò mệt nghỉ luôn. Nhưng bù lại, thấy thương các em nhiều, các em cũng thấy gắn bó nhiều với lớp học” - một cô giáo tâm sự.
* Thắp sáng những ước mơ
Dạy chữ cho trẻ khiếm thính là hoạt động được tổ chức từ bắt đầu từ năm 2001 của cơ sở Nguyễn Nga. Hiện nay, tại cơ sở đang có 76 em theo học tại 7 lớp với 11 giáo viên đứng lớp. Ngoài dạy chữ cho trẻ khiếm thính, cơ sở còn dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, một công việc đã tiến hành trong 10 năm, kể từ ngày thành lập cơ sở đến nay.
Năm 1986, Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ Cơ sở Nguyễn Nga hôm nay, vừa tốt nghiệp trung học, từ quê nhà khăn gói lên Pleiku học nghề đan len. Cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, học nghề xong, chị đã gầy dựng một lớp dạy nghề và thêu ren miễn phí cho người khuyết tật tại Quy Nhơn. Lớp học với 12 học viên, khai giảng tháng 7/1993. Chị tâm sự: “Một căn phòng rộng mấy mét vuông, mượn của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, chen chúc hơn chục con người. Nhưng cô - trò cứ vậy, nương vào nhau mà sống. Nhưng cái khó đó cũng chưa bằng cái khổ tìm thị trường. Hàng của các em là sản phẩm học nghề, đâu dễ bán. Nằm mà thót cả gan ruột vì lo đầu ra. Nhưng rồi cũng tìm được lối ra: thiết kế mẫu mã để sản xuất hàng thổ cẩm”. Thổ cẩm Nguyễn Nga ra đời từ đấy. Đến nay, đã có 73 mẫu mã vật dụng, 25 loại trang phục bằng chất liệu thổ cẩm do chị “tay ngang” thiết kế. Thổ cẩm Nguyễn Nga đã tham gia các hội chợ trong nước, được xuất sang Mỹ, bán cho khách nước ngoài. Nhưng điều chị vui nhất là những sản phẩm này đã tạo việc làm cho người khuyết tật; đồng thời, đã góp phần khôi phục nghề dệt truyền thống cho làng dệt Phương Danh (thị trấn Đập Đá - An Nhơn), quê chị.
Bây giờ, sau mười năm thành lập, cơ sở đã dạy cho khoảng 250 người khuyết tật có nghề, có thể tự lập trong cuộc sống. “Xưa, chỉ lo cho sự tồn tại đã khó lắm rồi; hiện nay khi ổn định hơn đôi chút, thì tìm cách lo cho các em được học thêm thứ này, thứ khác, được chăm sóc trong sinh hoạt văn hoá, tinh thần” - chị tâm sự. Những lớp học nhạc, múa, vẽ và bút nhóm Hoa xương rồng dành cho các bạn khuyết tật yêu văn chương đang làm tại cơ sở đã được tổ chức. Năm 2001, cơ sở lại đứng ra tổ chức đám cưới tập thể cho 4 cặp vợ chồng là người khuyết tật.
* Những day dứt hôm nay
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Nga dường như vẫn chưa thỏa mãn với những việc mà chị và cơ sở đã làm được trong 10 năm qua. Chị vẫn băn khoăn khi dự định tổ chức những lớp học dành cho trẻ bị thiểu năng trí tuệ (DAO) và khiếm thị, đến nay chưa thành. 43 em bị bệnh DAO, 2 em khiếm thị đã đăng ký và đợi ngày mở lớp. 20 giáo viên, nguyên là sinh viên các trường sư phạm trong tỉnh, đã được cơ sở cho đi học thêm một năm về chuyên môn này, nay đành đi làm nghề gỗ, bán café kiếm sống để chờ… mở lớp. Ngay với cơ sở hiện tại, dù đã cải tạo nhiều, nhưng vẫn chật hẹp, chưa có một sân chơi, khu nội trú đàng hoàng, để có thể tiếp nhận thêm các em khuyết tật.
Những băn khoăn vẫn thường trực trong chị dù những ngày kỷ niệm 10 năm thành lập cơ sở đang đến rất gần. Rồi chị kể với tôi, thật say mê về dự định tổ chức một ngày hội thật sự cho trẻ khuyết tật nhân kỷ niệm 10 năm thành lập cơ sở, hơn là một lễ kỷ niệm chung chung. “Nhìn lại 10 năm, vẫn thấy cần phải cố gắng nhiều, nhiều công việc đang ấp ủ”- chị nói.
. Lê Viết Thọ |