Kỷ niệm lần thứ 133 Ngày sinh V.I. Lê-nin (22-4-1870 – 22-4-2003):
Mãi mãi sáng ngời những di sản tư tưởng vĩ đại của Lê-nin
17:44', 21/4/ 2003 (GMT+7)

Lê-nin là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà hoạt động thực tiễn lỗi lạc, một lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản Nga và thế giới. Từ ngày Lê-nin vĩnh biệt chúng ta, nhiều quan điểm trong học thuyết của Người vẫn còn có giá trị hiện thực. Tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Người có sức sống mãnh liệt.

Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Lê-nin chính là ở chỗ phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác phù hợp với hoàn cảnh khách quan không ngừng thay đổi, vừa phát triển, vừa bảo vệ những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác. Lê-nin đã nghiên cứu chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, chỉ ra khả năng hiện thực để tiến hành thắng lợi cách mạng XHCN.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã ảnh hưởng to lớn đến phong trào giải phóng dân tộc trong hơn tám thập kỷ qua và những thành tựu không thể bác bỏ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ CNXH ở một số nước đã chứng minh rằng, CNXH là một hiện thực, giai cấp công nhân và nhân dân lao động các dân tộc bị áp bức hoàn toàn có thể tự giải phóng mình bằng con đường cách mạng XHCN. Chủ nghĩa Lê-nin còn nguyên sức sống chừng nào còn tồn tại giai cấp và áp bức dân tộc.

Giá trị chân chính của chủ nghĩa Lê-nin là ở hệ thống phương pháp luận khoa học giúp chúng ta nghiên cứu chủ nghĩa tư bản ở ngưỡng cửa của nền văn minh mới, nhận rõ bản chất và những mâu thuẫn không thể giải quyết của nó, để kiên trì mục tiêu XHCN và xác định những bước đi phù hợp với tình hình chung và hoàn cảnh cụ thể của đất nước mình.

Lê-nin còn để lại cho chúng ta những bài học, những kinh nghiệm và gợi ý vô giá về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH. Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh hợp thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của chúng ta, phương pháp cách mạng khoa học của nhân dân ta. Trước hết, đó là những phương pháp cách mạng về quá trình đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền mà Đảng ta đã vận dụng sáng tạo và thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây.

Sau Cách mạng Tháng Mười, trong thời gian ngắn ngủi, và phải bảo vệ chính quyền xô viết, vừa tiến hành xây dựng chế độ mới, Lê-nin chưa vạch ra được những phác họa hoàn chỉnh về xã hội XHCN. Những bước chuyển biến từ Chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới không những đã khẳng định khả năng đổi mới to lớn của tư duy về CNXH, mà còn trực tiếp tạo ra những tiền đề lý luận – thực tiễn cho thời kỳ quá độ lên CNXH nói chung và cho các cuộc cải cách, đổi mới sau này, như công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Chính sách kinh tế mới thừa nhận các hình thức sở hữu khác nhau (tiểu tư hữu, tư nhân, tư bản nhà nước, hợp tác xã, quốc doanh…) nhằm phát triển lực lượng sản xuất, tăng dần các nhân tố XHCN, sử dụng quy luật giá trị và quan hệ hàng hóa tiền tệ…, chuyển cơ chế quản lý từ mệnh lệnh hành chính và vận động nhiệt tình sang các biện pháp kinh tế. Lê-nin, bằng lý luận và thực tiễn, đã chứng minh khả năng thống nhất giữa tính chất sản xuất hàng hóa và tính chất kế hoạch trong cùng một cơ chế kinh tế, khả năng và sự cần thiết phải có một nhà nước XHCN đủ mạnh để điều tiết các thành phần kinh tế, hướng vào mục tiêu xây dựng CNXH.

Mô hình CNXH mà Lê-nin tìm kiếm, xây dựng thực chất là một sự khai phá đầy sáng tạo. Lê-nin viết: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm. Trái lại, chúng ta tin rằng, lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người XHCN cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu cuộc sống”. Người còn nói: “Chúng ta không biết CNXH trọn vẹn sẽ như thế nào vì chưa có dữ liệu để nhận định về nó”.

Lê-nin là người thiết kế và thi công CNXH; từ những luận điểm lý thuyết, mô hình CNXH của Lê-nin đã biểu hiện trong thực tế, tỏ rõ sự vận dụng tài tình những tư tưởng của Mác vào điều kiện cụ thể của nước Nga lúc đó. Lê-nin tìm mọi biện pháp để phát triển lực lượng sản xuất, chủ trương phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước bên trong nhà nước chuyên chính vô sản… Sau khi Lê-nin qua đời, tiếc thay, mô hình CNXH do Người phác họa những nét ban đầu không được thừa kế đúng đắn và phát triển sáng tạo.

Những quan điểm của Lê-nin về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và những yêu cầu đối với Đảng Cộng sản – Đảng cầm quyền trong giai đoạn xây dựng CNXH là một di sản hết sức quý báu của Lê-nin để lại cho chúng ta. Lê-nin cảnh cáo nguy cơ lớn nhất đối với Đảng là sai lầm về đường lối, và sự xa rời quần chúng.

Sức cuốn hút kỳ diệu của Lê-nin toát lên từ chiều sâu của di sản tư tưởng, tầm vóc sự nghiệp của Người và từ những phẩm chất tuyệt vời của một con người vĩ đại, nhưng vô cùng khiêm tốn và giản dị.

. Nguyễn Xuyến

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Số vụ tai nạn giao thông vẫn không giảm  (20/04/2003)
Mười năm thắp sáng những ước mơ  (20/04/2003)
Nhìn vào thị trường bảo hiểm xe máy  (18/04/2003)
Bún cá Quy Nhơn trên đất Sài Gòn  (17/04/2003)
Sẽ được quy hoạch đồng bộ  (16/04/2003)
5 năm, một chặng đường phát triển  (15/04/2003)
Những giọt máu “hồi sinh”  (15/04/2003)
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)
Những viên gạch nền móng đầu tiên  (06/04/2003)