Phóng sự:
Mưu sinh nơi đất khách
17:25', 21/4/ 2003 (GMT+7)

Bán hàng rong trên đất Sài Gòn

Việc người lao động ở Bình Định đi vào các tỉnh phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh kiếm kế sinh nhai, đã là “chuyện thường ngày ở xóm”. Thực tế cho thấy ở các nơi này tùy điều kiện và năng lực của mỗi người họ đều tìm kiếm được công việc để làm và có nguồn thu nhập “nhỉnh” hơn so với công việc đồng áng ở quê nhà.

n Theo chân những gánh hàng rong

Mới sáng sớm tinh mơ, nhiều người mua bán hàng rong thuê nhà khu vực chợ Cầu Muối (quận 1 – TP. HCM) lỉnh kỉnh quang gánh tỏa ra các ngả đường. Hàng hoá họ bán chủ yếu là trái cây, rau xanh, các vật dụng lặt vặt trong gia đình… Mặc mưa, mặc nắng, họ vẫn cứ rong ruổi với lời rao và gánh hàng trên vai dạo khắp các ngõ hẻm trong thành phố. Hình ảnh đó lâu nay đã trở nên thân quen với nhiều người dân Sài Gòn.

Giữa trưa nắng chanh chang, tôi đi dọc con hẻm 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn quận Bình Thạnh, gặp chị Nguyễn Thị Thảo quê ở Nhơn Thành (An Nhơn) đang lúi húi chọn cam cho khách. Chị vào đây mua bán trái cây đã 3 năm nay. Do đường xe cộ đông nên chị không dám chở xe đạp mà chỉ gánh bộ. Địa điểm bán hàng của chị là các con hẻm và khu vực Nhà văn hoá Thanh Niên (quận 1), Nhà văn hoá Lao Động (quận 3), có khi ế hàng chị còn đến công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên. Tính ra mỗi ngày chị cuốc bộ từ 20 - 30 km với gánh hàng 30 kg trên vai. Chị nói như giải thích: “Đi riết thành quen. Nhưng không quen sao được, mình phải đi nhiều mới bán được hàng chứ ế thì lỗ chết. Hàng tươi sống mà”.

Một người khác là anh Bình, nông dân ở Nhơn Hạnh (An Nhơn), cũng vào đây bán trái cây 2 năm nay. Với chiếc xe đạp cũ kỹ, bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi, anh tâm sự: “Vất vả lắm anh à. Phải thức khuya, dậy sớm và rong ruổi suốt ngày trên đường, có ngày phải đi 30 - 40 cây số. Thường thì hơn 9 giờ đêm mới quay trở về phòng trọ và 4 giờ sáng đã phải thức dậy đi mua hàng”. Hàng rau quả ở đây được các lái buôn chở về rất sớm, nên họ phải dậy sớm để mua được hàng tươi ngon và rẻ, nếu không thì khó mong bán được lời nhiều. Khi tôi hỏi thăm về số lượng người Bình Định đang mua bán như anh ở đây, anh lắc đầu: “Không biết chính xác là bao nhiêu, chỉ biết khu chợ Cầu Muối tôi đang trọ có khá đông người quê mình”. Như anh nói, khu vực chợ Cầu Muối có 30 - 40 nhà trọ, hầu như nhà nào cũng có 3 - 4 người Bình Định ở. Đó là chưa kể nhiều người ở nhà người quen hay ở lẻ tẻ những chỗ khác. Đội ngũ những người Bình Định đang mưu sinh ở đây có nam, có nữ, già, trẻ, có người thâm niên dày dạn kinh nghiệm, cũng có người mới theo vào làm. Tùy theo khả năng và sức khoẻ mà họ chọn một cách mua bán thích hợp. Có người chở hàng trên xe đạp đi đến các con hẻm trong thành phố như anh Bình, nhưng cũng có người bằng đôi quang gánh dạo các công viên và khu vui chơi như chị Thảo…

n Đằng sau những gánh hàng rong

Vất vả là thế, nhưng khi họ trò chuyện với chúng tôi hầu như không ai than vãn về công việc nặng nhọc và vất vả của mình, dù ngày ngày vẫn lập đi lập lại cái điệp khúc ấy. Mưu sinh nơi đất khách, họ chẳng quản ngại khó nhọc nắng mưa, trưa chiều, mong sao có được kha khá để gởi về gia đình trang trải cuộc sống. Những đồng tiền họ làm ra không chỉ có mồ hôi mà còn có cả nước mắt. Chị Trần Thị Hồng Hạnh, ở Mỹ Châu (Phù Mỹ) vào bán hàng rong ở đây hơn 2 năm nay, bộc bạch: “Biết rằng cực khổ nhưng biết làm sao, chúng tôi tha phương cầu thực là bởi cơm áo gạo tiền. Ở quê chỉ bám vào hạt lúa. Đi mua bán như thế này tuy cực nhọc, nhưng lo được cho gia đình”. 2 năm nay, cuộc sống gia đình chị ở quê đã khá lên đôi chút, nhờ những đồng tiền mua bán của chị tích góp mang về. Theo tính toán của những người bán hàng rong ở đây, trung bình một ngày một người như vậy bán lãi khoảng 40 ngàn đồng, cá biệt thì 50 - 60 ngàn đồng. Tiền thuê nhà, tiền ăn tằn tiện hết 18 ngàn đồng, còn tích luỹ được 25 - 30 ngàn đồng. Đây là một số tiền khá lớn so với mức thu nhập như làm nông nghiệp ở quê.

Hơn 10 giờ khuya, đường phố Sài Gòn bắt đầu thưa người. Vậy mà, trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) vẫn còn một người với gánh bún cua kiên nhẫn chờ khách ăn khuya. Lân la làm quen, tôi được biết tên chị là Trần Thị Thắm, một nông dân ở Cát Tường (Phù Cát) vào đây bán bún cua 2 năm nay. Biết là đồng hương nên chị thổ lộ: “Để kiếm được đồng tiền nơi đây phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, ở quê còn nghèo túng gấp bội, không có công việc để làm nên đành phải chịu”. Tâm sự này không chỉ riêng chị mà hầu hết những người Bình Định vào đây buôn bán làm ăn đều như vậy. Tôi hỏi: “Khi nào chị về quê ở hẳn”. Chị cười: “Chưa biết được. Nhưng chắc là còn lâu”.

Việc làm đã thế, chuyện ở chuyện ăn của họ cũng gian nan không kém. Nơi trọ của họ là các xóm lao động nghèo cứ 3-4 người thuê chung một phòng cỡ 15-16 m2. Còn ăn uống thì ở các quán cơm bình dân, đôi ba ngàn một bữa. Chính vì vậy nên đa số đều hao mòn, hốc hác.

Giữa đất Sài Gòn, tôi còn gặp không ít người đồng hương như vậy, mỗi người một cảnh riêng, không ai giống ai. Tuy nhiên, họ có một đặc điểm rất giống nhau: Cố gắng làm việc và dành dụm để cuộc sống gia đình bớt khổ. Vâng! Đằng sau những gánh hàng rong ấy là cả một niềm hy vọng cho ngày mai tốt hơn. Bởi vậy, họ vẫn vui vẻ “thì vẫn sống đấy thôi” khi được hỏi về cuộc sống của mình.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mãi mãi sáng ngời những di sản tư tưởng vĩ đại của Lê-nin  (21/04/2003)
Số vụ tai nạn giao thông vẫn không giảm  (20/04/2003)
Mười năm thắp sáng những ước mơ  (20/04/2003)
Nhìn vào thị trường bảo hiểm xe máy  (18/04/2003)
Bún cá Quy Nhơn trên đất Sài Gòn  (17/04/2003)
Sẽ được quy hoạch đồng bộ  (16/04/2003)
5 năm, một chặng đường phát triển  (15/04/2003)
Những giọt máu “hồi sinh”  (15/04/2003)
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)
Cho cánh sóng bay xa  (07/04/2003)