Cái chữ ở làng Hà Văn Trên
18:7', 23/4/ 2003 (GMT+7)

Thiếu nữ Bana ở làng Hà Văn Trên (Đào Tiến Đạt)

Hà Văn Trên là một làng vùng cao thuộc xã Canh Thuận, huyện Vân Canh. Nơi đây tập trung chủ yếu người Ba Na và người Chăm sinh sống. Ngày mới thành lập, làng chỉ có 7 hộ gia đình nhưng đến nay, Hà Văn Trên đã có 60 hộ dân với tổng số 281 nhân khẩu. Đa phần người dân ở làng Hà Văn Trên sinh sống bằng nghề trồng mía và chăn nuôi. Làng không có hộ đói, chỉ còn 22 hộ nghèo.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong việc xóa đói giảm nghèo, một điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên và bất ngờ là sự nhận thức của người dân làng Hà Văn Trên về công tác giáo dục. 100% trẻ em đến độ tuổi đi học ở Hà Văn Trên đều được đến lớp học cái chữ. Theo trưởng làng Nguyễn Bum, thì Hà Văn Trên rất chú ý đến việc đưa cái chữ phổ cập vào từng người dân. Trước đây, những già làng có uy tín của làng đã đưa ra một cái lệ: đối với các gia đình có trẻ đến độ tuổi đi học mà không cho học thì bị phạt 10.000 đồng, hoặc nhà nào có trẻ đang đi học nhưng đến mùa trốn đi rẫy cũng bị phạt 10.000 đồng. Vì thế, vụ mùa vừa rồi, hầu hết trẻ đều đến lớp học, số trẻ bỏ học chỉ còn chiếm 5%, ít hơn nhiều so với những năm trước.

Nhưng đó là chuyện của những năm trước. Còn bây giờ, các gia đình đưa con em đi học không còn vì lo sợ bị phạt tiền hay bị trưởng làng chỉ trích trước dân làng, mà họ đã nhận thức được đó là việc cần thiết. Người làng hồ hởi cho con đến lớp, trẻ em thích thú khi đọc được quyển sách, viết được cái chữ. Ngay bản thân già Bum cũng từng là một người mù chữ nhưng nhờ lòng quyết tâm, đến nay, ở vào cái tuổi cần sự nghỉ ngơi, già vẫn có thể tự mình đọc và viết, vẫn tích cực trong công tác vận động bà con đưa con em mình đến trường, đến lớp. Với các con của mình, ông cũng đưa đến trường ngay khi vừa đúng tuổi. Với những thành tích trong công cuộc vận động đồng bào Ba Na xây dựng cuộc sống mới và đạt nhiều thành tích trong các hoạt động cộng đồng giai đoạn 1998 - 2000, mới đây già làng Nguyễn Bum đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Mặc dù việc tiếp thu cái chữ đối với đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó khăn, nhưng với làng Hà Văn Trên, khó khăn này đã từng bước được khắc phục do quyết tâm của cả dân làng. Hiện nay Hà Văn Trên đã có trường học với 6 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 5. Điều này cho thấy sự chuyển biến rất đáng kể trong nhận thức của dân làng Hà Văn Trên về giáo dục, cụ thể là học chữ. Họ đang dần từng bước đổi mới tư duy, đổi mới cách nhìn, cách nghĩ của mình đối với việc đem cái chữ về làng. Bây giờ người dân trong làng đã hiểu tầm quan trọng của cái chữ. Người nào có cái chữ thì được dân làng tôn trọng và tín nhiệm. Với trẻ em, nếu học giỏi sẽ được gởi về huyện hoặc về tỉnh học, rồi lại về làm cán bộ trong làng hay ít ra cũng thông hiểu và tiếp cận được những chính sách của Nhà nước.

Từ khi có cái chữ, làng Hà Văn Trên đã tạo ra nhiều sự chuyển biến tích cực khác. Đến nay, làng không còn tồn tại các hủ tục mê tín dị đoan, cúng bái trừ ma, vấn đề an ninh được đảm bảo, không còn tệ thanh niên của làng uống rượu say sưa gây rối trật tự. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân đã được cải thiện.

Hình ảnh những chiếc xe máy chạy trên con đường đổ bê tông của làng, những cô cậu học trò cắp sách đến trường với nụ cười trong trẻo luôn đập vào mắt chúng tôi trên suốt chặng đường về như minh chứng cho sự thay da đổi thịt của làng Hà Văn Trên. Mong sao có nhiều ngôi làng vùng cao khác ở Bình Định cũng có được nếp nghĩ về cái chữ như Hà Văn Trên.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mưu sinh nơi đất khách  (21/04/2003)
Mãi mãi sáng ngời những di sản tư tưởng vĩ đại của Lê-nin  (21/04/2003)
Số vụ tai nạn giao thông vẫn không giảm  (20/04/2003)
Mười năm thắp sáng những ước mơ  (20/04/2003)
Nhìn vào thị trường bảo hiểm xe máy  (18/04/2003)
Bún cá Quy Nhơn trên đất Sài Gòn  (17/04/2003)
Sẽ được quy hoạch đồng bộ  (16/04/2003)
5 năm, một chặng đường phát triển  (15/04/2003)
Những giọt máu “hồi sinh”  (15/04/2003)
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)
Xơ Hằng tham gia xóa đói giảm nghèo  (08/04/2003)
Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/04/2003)