Những cuộc hôn nhân chân trời - góc biển
17:20', 23/4/ 2003 (GMT+7)

Trung bình hàng năm ở Bình Định có khoảng 10 cặp vợ chồng sống xa nhau (người ở trong nước, kẻ ở nước ngoài) xin ly hôn. Đa phần những cặp vợ chồng này có hoàn cảnh giống nhau: vợ (hoặc chồng) ở nước ngoài và lẩn tránh luôn nghĩa vụ của hôn nhân.

* Chuyện thứ nhất

Lê Thị M. là một thôn nữ khá xinh đẹp ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ). Nhiều trai làng ngấp nghé lắm nhưng M. vẫn hồn nhiên chẳng chịu ai. Khoảng năm 1994 Nguyễn Quý N. là Việt kiều Úc về nước thăm gia đình và làm quen M. trong một dịp tình cờ. Chỉ sau một tháng, N. đã ngỏ lời cầu hôn và được M. đồng ý với điều kiện M. phải được bảo lãnh sang Úc sau ngày cưới. N. chấp nhận điều kiện của M. Tuần trăng mật kết thúc cũng là lúc N. về nước. Trước khi lên máy bay, N. hứa: “Anh qua đó sẽ làm thủ tục bảo lãnh em ngay!”. Nghe vậy, M. yên tâm chờ đợi. Một năm sau, N. thực hiện lời hứa của mình bằng xấp giấy tờ loằng ngoằng gởi về cho M., bảo rằng để làm thủ tục bảo lãnh. Khi thủ tục đến công đoạn phỏng vấn tại Lãnh sự quán Úc ở TP. Hồ Chí Minh thì M. mới được Lãnh sự Úc cho hay địa chỉ trên không có người nào tên Nguyễn Quý N. Chờ đợi 6 năm trời nhưng người mà M. chờ vẫn bặt vô âm tín. M. đành phải đệ đơn ra tòa xin ly hôn.

* Chuyện thứ hai

Chị Nguyễn Thị Xuân H. và anh Nguyễn Tấn T. cưới nhau vào năm 1981 khi cả hai còn đang sinh sống ở Quy Nhơn. Năm đầu tiên, mặc dù với hoàn cảnh khó khăn nhưng đôi vợ chồng trẻ này sống hạnh phúc và đã có một đứa con chung. Thế nhưng vì muốn được nhanh sung sướng (!), T. bàn với H. rằng mình sẽ vượt biên qua nước ngoài rồi bảo lãnh vợ con qua sau. Tháng 6-1982, T. vượt biên sang Tân Tây Lan. Thời gian đầu, xa vợ con, T. còn liên lạc với gia đình nhưng đến năm 1990, những cánh thư, những cuộc điện thoại thăm hỏi bắt đầu thưa dần và T. cắt đứt liên lạc hoàn toàn.

* Chuyện thứ ba

Anh Võ Ngọc Q. và chị Nguyễn Thị Thùy T. cùng trú tại Quy Nhơn tổ chức lễ cưới vào năm 1990. Sau 6 năm chung sống, T. đi lao động ở Hàn Quốc. Trước khi đi, T. nói với Q.: “Mình cố gắng thay em ở nhà nuôi con khôn lớn, chỉ 3 năm là mãn hạn hợp đồng thôi”. Thời gian đầu, mỗi tuần họ đều có thư thăm hỏi và động viên cho nhau. Rồi những lá thư cũng thưa dần. Tuy vậy, Q. vẫn chờ đợi đến ngày T. mãn hạn hợp đồng. Thế nhưng, thời hạn đã qua mà Q. chẳng hề nghe tin tức gì của vợ. Cảm thấy có điều gì đó bất ổn, Q. đành xin ly hôn… 

Với những trường hợp trên, Tòa án đều xử cho họ được ly hôn. Nhưng với những gì chứa đựng từ câu chuyện mong được làm một bài học cảnh giác cho những ai sắp sửa gửi hạnh phúc của mình phiêu du nơi xứ người.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề bán vé số  (23/04/2003)
Cái chữ ở làng Hà Văn Trên  (22/04/2003)
Mưu sinh nơi đất khách  (21/04/2003)
Mãi mãi sáng ngời những di sản tư tưởng vĩ đại của Lê-nin  (21/04/2003)
Số vụ tai nạn giao thông vẫn không giảm  (20/04/2003)
Mười năm thắp sáng những ước mơ  (20/04/2003)
Nhìn vào thị trường bảo hiểm xe máy  (18/04/2003)
Bún cá Quy Nhơn trên đất Sài Gòn  (17/04/2003)
Sẽ được quy hoạch đồng bộ  (16/04/2003)
5 năm, một chặng đường phát triển  (15/04/2003)
Những giọt máu “hồi sinh”  (15/04/2003)
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)
Khi thuốc trừ sâu vào chợ  (10/04/2003)
Câu cá thu trên biển Quy Nhơn  (09/04/2003)