|
Nhà điều dưỡng mới được xây dựng |
Trở lại Khu Dưỡng lão Quy Nhơn (thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh), chúng tôi rất ngạc nhiên trước những đổi thay nhanh chóng. Toàn Khu Dưỡng lão như mang một chiếc áo mới, với những ngôi nhà mới, những khu nhà hai tầng được xây dựng khá khang trang.
Còn nhớ, cách đây chỉ vài năm, khi chúng tôi đến Khu Dưỡng lão, nơi này hãy còn là những dãy nhà cấp bốn, khá cũ kỹ. Vậy mà nay, ngoài hai ngôi nhà hai tầng khang trang, trong đó, có một khu điều dưỡng vừa được xây mới, là những dãy nhà cũ đã được sửa chữa lại, sạch đẹp hơn.
Ông Phạm Ngọc Bửu, Giám đốc Khu Dưỡng lão Quy Nhơn, cho biết: Khu được sửa chữa, xây mới với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng. Trong đó, riêng khu điều dưỡng vừa đưa vào sử dụng có 10 phòng ở, mỗi phòng được trang bị khá đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cá nhân; có hội trường, nhà ăn khá hoàn thiện, có thể tiếp nhận đến 40 người/đợt. Ngoài ra, một khu dưỡng sinh cũng đã được xây dựng nhằm chăm sóc sức khỏe cho những người đến điều dưỡng và các cụ đang sống trong nhà dưỡng lão. Một số hạng mục khác vẫn đang tiếp tục được hoàn thành.
Khu Dưỡng lão Quy Nhơn mang diện mạo mới, đồng thời cũng là lúc tiếp nhận thêm chức năng mới: điều dưỡng cho thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công trong tỉnh. Chúng tôi có mặt vào những ngày đầu của đợt điều dưỡng đầu tiên. Đang điều dưỡng trong đợt này, mẹ Nguyễn Thị Nhi ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), năm nay đã 88 tuổi, tỏ ra rất phấn khởi. Mẹ kể: “Mẹ đã đi điều dưỡng ở nhiều nơi, cả trong và ngoài tỉnh; nhưng mẹ nhận thấy đội ngũ cán bộ, hộ lý ở đây phục vụ rất tốt, ân cần, chu đáo”. Còn chị Trần Thị Thanh Lịch, thương binh loại 1/4, hiện cư ngụ tại phường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn), thì luôn khen ngợi đội ngũ cán bộ, nhân viên Khu Dưỡng lão. Chị cho biết, khi có yêu cầu gì thì đều được phục vụ rất nhiệt tình, từ việc lau nhà đến xách nước, rửa ấm chén... không quản là cán bộ lãnh đạo hay nhân viên.
Mỗi đợt điều dưỡng như vậy thường kéo dài 10 ngày với đối tượng là thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, người có công trong tỉnh. Theo ông Phạm Ngọc Bửu, sẽ có 15 đợt, với hơn 500 người có công được điều dưỡng trong năm 2003. Mỗi đối tượng được điều dưỡng tại khu được Nhà nước cấp với tiêu chuẩn 500.000 đồng/người/đợt. Ngoài việc ăn uống, nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe, những đối tượng này còn được bố trí đi tham quan một số danh thắng và một số cơ sở kinh tế của tỉnh.
Vừa đảm nhận chức năng mới, cán bộ, nhân viên của Khu Dưỡng lão vẫn tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc những người già cô đơn đang sinh sống tại nhà dưỡng lão. Hiện nay, có 35 cụ, là những người hưu trí, người có công, người thuộc diện chính sách, người neo đơn… đến từ các địa phương trong tỉnh, đang sống tại đây.
Ngoài việc lo cho các cụ ăn uống hàng ngày, cán bộ nhân viên Khu Dưỡng lão còn chăm sóc sức khỏe cho các cụ những khi trái gió trở trời. Những khi các cụ đau phải nằm bệnh viện, có cán bộ nhân viên được cắt cử trực tiếp chăm sóc. Ngay tại thời điểm chúng tôi viết bài này, 3 cụ đang nằm bất động, trong đó, có cụ bất động từ 4-5 năm nay, được cán bộ nhân viên khu chăm sóc, tắm rửa hàng ngày. Nhờ sự quan tâm đó, cuộc sống của người già nơi đây như được vợi đi chút cô đơn trong những ngày cuối đời.
Hai vợ chồng cụ Nguyễn Lâm (Nhơn Hòa, An Nhơn) đã vào Khu Dưỡng lão từ 5 tháng nay. Cụ ông năm nay đã 83 tuổi, còn cụ bà đã 78 tuổi, đều là những người đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến. Cụ Lâm cho biết: “Ở quê, tôi cũng có nhà, nhưng không có người chăm sóc. Bởi vậy, hai chúng tôi bàn nhau xin vào đây và được bố trí hẳn một phòng. Nhìn chung, cán bộ nhân viên ở đây đối xử tốt, hòa nhã. Đặc biệt, các chị nuôi của nhà bếp nấu ăn khá ngon. Đời sống của vợ chồng tôi vậy là tạm ổn, không còn lo nghĩ”.
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Khu Dưỡng lão, không nói nhiều về những công việc đã làm được. Ông tỏ ra băn khoăn nhiều với đời sống của đội ngũ cán bộ nhân viên. Hiện nay, Khu Dưỡng lão chỉ mới có 8 cán bộ trong biên chế chính thức. Với chức năng mới, khu được nhận thêm 5 nhân viên, nhưng chỉ hợp đồng ngắn hạn, ăn lương theo công nhật: 25.000 đồng/ngày với chị nuôi, còn hộ lý 400.000 đồng/tháng. Ông Hồng khẳng định: “Lương thấp, lại không được đóng bảo hiểm xã hội, nên anh chị em không thể nào yên tâm công tác”. Trong khi đó, công việc của họ hoàn toàn không nhẹ nhàng. Các chị nuôi phải thường xuyên có mặt từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị cho các cụ ăn sáng, và chỉ có thể rời cơ quan sau khi bữa ăn tối kết thúc. Còn với các chị hộ lý, y tá ngoài việc khám sức khỏe, phát thuốc hàng ngày, còn phải thay nhau túc trực để kịp thời chăm sóc sức khỏe các cụ những khi trái gió, trở trời.
Bên cạnh đó, Khu Dưỡng lão dù đã được đầu tư xây mới nhiều hạng mục nhưng trang thiết bị vẫn thiếu, nhất là những phương tiện phục vụ cho sinh hoạt tập trung vẫn chưa được trang bị hoàn chỉnh.
“Trở thành mái ấm của những người già cô đơn; đồng thời, làm sao để người có công đến điều dưỡng có cảm giác như đang trở về nhà, đó là tâm niệm, là mục tiêu của cán bộ, nhân viên Khu Dưỡng lão” - ông Bửu đã khẳng định với chúng tôi như vậy.
. Lê Viết Thọ
|