Rồi sẽ không còn người cơ nhỡ, xin ăn
16:6', 23/5/ 2003 (GMT+7)

Một đối tượng lang thang xin ăn

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh, Bình Định hiện có trên dưới 100 đối tượng lang thang, cơ nhỡ xin ăn. Mỗi đối tượng có một số phận, hoàn cảnh. Làm thế nào để từ năm 2004 trở đi, không còn tình trạng người lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn tỉnh?

* “Cái bang” thời nay

Mỗi người lang thang, cơ nhỡ xin ăn đều có một lý do khác nhau. Chị H. mà tôi gặp tại một quán café trên đường Phạm Hùng (Quy Nhơn) là một trong số đó. Nghe chị kể về số phận mình rất đỗi thương tâm, rằng chị là người Quảng Ngãi. Ở nhà quê không có việc làm, phải vào Quy Nhơn để gánh cá dưới chợ cá. Từ hơn tuần nay, chị bị ngã, đau tay nhưng không có tiền về quê, đành phải đi xin để dành dụm tiền, làm cuốc xe đò về quê.

Tuy nhiên, không phải người đi xin nào cũng gặp hoàn cảnh khó khăn thật sự. Tại một quán café khác ở Quy Nhơn, chúng tôi gặp một người đàn ông đi xin khác, dáng người khá khỏe mạnh, nhưng vẫn đi xin. Thấy khách không muốn cho tiền, anh ta xin điếu thuốc, trút luôn cả ly đường mà khách dùng để uống café vào túi, rồi ngoe ngoảy bỏ đi. Lại có những em bé mới chừng năm tuổi, hai, ba tờ vé số trên tay, vào các quán nhậu nài khách mua. Bán hết, ra ngoài cửa lấy vào bán tiếp. Một dạo, trên địa bàn Quy Nhơn xuất hiện những người đàn ông nằm trên tấm ván có xe lăn, do một em bé lấy dây kéo đi, xin ăn.

Những hình ảnh trên chúng ta dễ bắt gặp tại bất cứ quán ăn, uống nào trong TP. Quy Nhơn và một số thị trấn trong tỉnh. Tuy không đông về số lượng như các địa phương khác trong cả nước, nhưng hiện trên địa bàn Bình Định vẫn có trên dưới 100 đối tượng lang thang, cơ nhỡ xin ăn. Ngoài lang thang xin ăn, những đối tượng này còn ngủ ở các vỉa hè, tắm rửa, xả rác thải ngay trên đường phố mất mỹ quan và vệ sinh đô thị.

Lý do dẫn đến tình trạng phải “tay bị tay gậy” của các “cái bang” thời nay này thật muôn hình, muôn vẻ. Ngoài những đối tượng như: trẻ em lang thang, người tàn tật, người già, người tâm thần, người trốn các trại xã hội hoặc các bệnh viện chuyên khoa bỏ đi lang thang trên đường phố vẫn còn những đối tượng có sức lao động, có vợ hoặc chồng, có con nhưng không có nhà cửa, phải tá túc ở các vỉa hè dưới các tấm bạt tự che vào ban đêm, cá biệt vẫn có những trường hợp lạm dụng trẻ em đi xin ăn. Lại có một số người già tuy có gia đình, con cái nhưng vẫn đi xin ăn như một cái “nghiệp”.

* Trẻ lang thang: Đối tượng cần đặc biệt quan tâm

Trẻ em lang thang là một đối tượng đặc biệt và cũng là những người cần sự giúp đỡ nhiều nhất từ phía cộng đồng. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng (năm 2002) cho thấy: trong 44 em lang thang có 18 em lang thang một mình, 19 em lang thang cùng gia đình; 7 em lang thang ban ngày, đêm về với gia đình. Nguyên nhân trẻ đi lang thang: 16% do mồ côi, không nơi nương tựa; 75% do đói nghèo; 9% do bắt buộc và do gia đình bất hòa. Phần lớn trẻ lang thang đến từ các địa phương trong tỉnh, chỉ có 12 trẻ quê ở các tỉnh khác đến lang thang tại Quy Nhơn. 6 trẻ lang thang không còn người thân thích ruột thịt, còn lại tuy có người thân thích nhưng không đủ khả năng nuôi dưỡng. 27 em có nơi ở ổn định, 17 em lang thang đầu đường xó chợ, không có nơi ở ổn định.

* Tìm những biện pháp khả thi

Mục tiêu này được đưa ra trong chỉ thị “Về việc tăng cường công tác quản lý các đối tượng lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn tỉnh” đã được UBND tỉnh ban hành.

Trong chỉ thị này, UBND tỉnh yêu cầu các UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê, lên danh sách và phân loại những người đang lang thang xin ăn ở địa phương mình và có biện pháp kêu gọi họ trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Những trường hợp không tự giác thì tổ chức thu gom đưa về các điểm nuôi dưỡng tập trung. Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đề án giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn. Gắn việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. UBND các cấp có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những người có hành vi tổ chức, xúi giục hoặc thúc ép người khác đi xin ăn về nuôi sống bản thân họ. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sử dụng Quỹ “Ngày vì người nghèo” giúp những hộ không có nhà ở đi lang thang, kiếm sống và xin ăn cả gia đình có chỗ ở, ổn định cuộc sống và chỉ đạo các hội, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân không cho tiền hoặc vật dụng khác đối với người ăn xin. Những người có lòng hảo tâm nên tạo điều kiện giúp đỡ những người lang thang, cơ nhỡ xin ăn có công việc làm, ổn định cuộc sống tại quê nhà hoặc ủng hộ vào các quỹ chung của tỉnh để điều phối chung cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện tốt chỉ thị này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã hoàn thành dự thảo Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn tỉnh đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo dự thảo này, nhiều biện pháp đồng bộ sẽ được thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng người lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng người lang thang cơ nhỡ xin ăn, một kinh nghiệm đáng học tập của thành phố Đà Nẵng là động viên người dân phối hợp với tổ thường trực. Người dân nếu phát hiện ăn mày, báo cho bộ phận thường trực, sẽ được trả 200.000 đồng. Nhờ vậy mà Đà Nẵng tốn chưa đầy một triệu đồng đường phố đã sạch bóng người ăn xin.

Thực tế cho thấy, những năm trước đây, Bình Định cũng tổ chức thu gom các đối tượng lang thang, cơ nhỡ nhưng do xử lý không dứt điểm nên mới thu gom hôm trước, hôm sau lại thấy họ xuất hiện trở lại. Hy vọng rằng, với những biện pháp mạnh, triệt để và đồng bộ trên đây, từ năm 2004 trở đi, sẽ không còn người lang thang cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kết thúc điều tra chuyên án vụ trộm máy vi tính  (22/05/2003)
Một dự án nhân đạo cho người nghèo bị cụt chi   (22/05/2003)
Có nên thu tiền học trái tuyến ?  (22/05/2003)
Mái ấm của người già   (20/05/2003)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh!   (19/05/2003)
Nồng ấm Bác Hồ giữa lòng Bình Định  (19/05/2003)
Bác An khuyến học  (16/05/2003)
Tòa án và Địa chính cùng làm trái pháp luật!  (15/05/2003)
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Định: Lớn lên cùng đất nước  (14/05/2003)
Chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vĩnh Thạnh  (13/05/2003)
Thư viện tuyến cơ sở: nỗi niềm ai tỏ  (12/05/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập của cán bộ, đảng viên  (12/05/2003)
An Lão - sốt nấm “linh chi”  (11/05/2003)
Người hết lòng vì sự nghiệp khuyến học  (09/05/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà  (08/05/2003)