An cư cho hộ nghèo
18:46', 25/5/ 2003 (GMT+7)

Trần Văn Năng đang xếp gạch xây nhà mới

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện vẫn còn hơn 34.000 hộ nghèo, trong đó, khoảng 50% chưa có nhà ở kiên cố. Xóa nhà tạm cho hộ nghèo là mục tiêu mà cuộc vận động xây dựng Quỹ “Ngày vì người nghèo” hướng tới. Và, những mái nhà tình thương xuất hiện ngày càng nhiều ở Bình Định, chính là những khẳng định thuyết phục nhất về hiệu quả của cuộc vận động.

* Những mái nhà của ước mơ

Đối với Trần Văn Năng, mới qua tuổi 16, người thôn Chánh Hậu, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, việc có một mái nhà kiên cố tưởng như mãi chỉ là một giấc mơ đẹp. Cha mẹ mất từ ngày Năng mười tuổi, Năng sống một mình trong căn nhà tranh dột nát và gắng học đến hết lớp 11. Năm 2001, cảm thông với hoàn cảnh của Năng, bà con trong thôn đã đề nghị để Năng được nhận tiền hỗ trợ nhà tình thương từ Quỹ “Ngày vì người nghèo”. Nhưng với 3 triệu đồng được hỗ trợ, trong nhà lại không có một khoản tiền nào để thêm vào, Năng không dám nhận ngay. Rồi Năng khăn gói vào TP Hồ Chí Minh học nghề may. Sau ba tháng học nghề không lương, Năng ra nghề và được nhận vào làm tại một cơ sở may ở đây, sau khi trừ tiền ăn ở, mỗi tháng còn dư chừng 700.000 đồng. Sau hai năm bươn chải, Năng gom góp được một ít, thêm vào số tiền 3 triệu đồng được hỗ trợ, để xây nhà mới. Ngày chúng tôi đến, Năng đang miệt mài xếp dỡ từng viên gạch, bốc từng miếng tôn lên cho thợ xây. Vất vả dưới nắng tháng năm, nhưng nhìn ánh mắt Năng vẫn rất tươi. Năng bảo: “Xây được căn nhà, với em cứ như một giấc mơ. Mà không, trong mơ cũng chẳng nghĩ được như vầy!”. Nói rồi Năng dẫn chúng tôi xem căn nhà đang nên hình, khá khang trang và rộng rãi với khoảng 50 m2. Tổng kinh phí xây dựng căn nhà vào khoảng 22 triệu đồng. Năng cho biết: “Có vay mượn thêm chút ít, rồi cũng nhờ bà con sang phụ một số công đoạn”. Hỏi: “Vay mượn rồi sau này lấy gì để trả?”. Năng trả lời: “Cất xong nhà em lại vào TP Hồ Chí Minh, lại đi làm nghề, kiếm tiền trả bà con”.

Câu chuyện của Năng chỉ là một trong vô vàn số phận có được mái nhà xây kiên cố của mình từ sự hỗ trợ của Quỹ “Ngày vì người nghèo”. Ông Hoàng Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban vận động Quỹ “Ngày vì người nghèo” tỉnh, khẳng định: “Người nghèo thì có nhiều nỗi lo toan, nhiều mơ ước; nhưng có lẽ cái ước mơ lớn nhất vẫn là một mái nhà để an cư. “An cư lạc nghiệp”, cha ông ta chẳng đã từng nói vậy. Bởi vậy, việc đầu tiên của chúng tôi là lo “an cư” cho những hộ nghèo”. Đến nay, từ kết quả hai năm 2001 và 2002, các tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ hơn 2,2 tỉ đồng, cùng hàng vạn ngày công; Ban vận động quỹ “Ngày vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng được hơn 460 ngôi nhà tình thương cho hộ nghèo và trợ giúp họ về vốn để phát triển sản xuất.

* 3 triệu và rất nhiều tấm lòng

Điều đáng nói là số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ ấy, chính là được tích cóp từ sự ủng hộ của những tấm lòng thơm thảo giúp đỡ người nghèo của mỗi người dân với tâm niệm “lá lành đùm lá rách”. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là “chất xúc tác” ban đầu để bà con, xóm giềng, địa phương cùng góp công, góp của hỗ trợ thêm cho hộ nghèo. Bởi vậy, tuy định mức hỗ trợ khá khiêm tốn, nhưng không căn nhà tình thương nào thời gian qua xây dựng với số tiền dưới 5 triệu đồng. Thậm chí, không hiếm những ngôi nhà tình thương được xây dựng với số tiền 12-15 triệu đồng.

Mỗi địa phương có một cách làm để vận động xây dựng Quỹ. Có huyện như Phù Mỹ, UBND huyện có công văn đôn đốc các địa phương, đơn vị tham gia ủng hộ Quỹ. Còn tại một số địa phương, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã mạnh dạn đứng ra đảm nhận thi công nhà tình thương, vừa tạo việc làm cho những thanh niên có sẵn nghề xây dựng, vừa huy động được lực lượng thanh niên vào cuộc, giúp hộ nghèo bằng những ngày công thanh niên. Bà con cũng vun vào, giúp đỡ ít nhiều, rồi giúp thêm những ngày công. Tình làng nghĩa xóm nhờ vậy ngày càng thêm gắn bó.

Nói về nguyên tắc chọn đối tượng hỗ trợ, ông Trần Ngọc Đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cho biết thêm: “Đối tượng được nhận hỗ trợ do bình chọn từ khu dân cư đưa lên nên đảm bảo sự công bằng. Ngoài ra, việc cấp hỗ trợ còn được tiến hành theo nguyên tắc đối ứng, nghĩa là cấp tỉnh hỗ trợ xuống bao nhiêu hộ, thì cấp huyện cũng sẽ hỗ trợ số hộ tương ứng và tương tự như vậy với cấp xã. Bởi vậy, những người ủng hộ Quỹ “Ngày vì người nghèo” có thể yên tâm, rằng số tiền họ ủng hộ sẽ đến được với hộ nghèo, với những người đang cần sự giúp đỡ nhiều nhất”.

Đứng bên những ngôi nhà còn thơm mùi gạch mới, những người nghèo không còn biết dùng lời nào để bày tỏ với chúng tôi nỗi vui mừng của họ. Mé Đoàn Thị Rửa, người Chăm H’roi, thôn Suối Đá, xã Canh Hiệp (Vân Canh) tấm tắc mãi bên ngôi nhà mới của mình. Hỏi mé có mừng không, mé bảo: “Mừng lắm chứ. Nhờ Quỹ “Ngày vì người nghèo” chứ không thì cả đời mé cũng không mơ có ngôi nhà xây thế này”. Ngoài mé Rửa, thời gian qua, cả huyện Vân Canh còn có 16 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây nhà tình thương. Còn với bà Nguyễn Thị Tiên, người thôn Vĩnh Lý, xã Mỹ Tài (Phù Mỹ) mái nhà tình thương thật sự là những cứu cánh kịp thời với họ. Bà nói: “Nhà dột, trời mưa không biết trú vào đâu, vậy mà không có tiền sửa. Có lúc, đã tính đi dạo chợ, lang thang kiếm sống. Nhưng nghĩ đến đứa con gái, còn trù trừ. May quá, có tiền hỗ trợ xây nhà tình thương, cộng với sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, vậy là đủ tiền xây được căn nhà mới”.

* Sẽ hỗ trợ 500 nhà tình thương năm 2003

Năm 2003, mục tiêu được đặt ra là phải xóa nhà ở đơn sơ cho 1.500 hộ nghèo, trong đó, ngoài 1.000 hộ được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, 500 hộ được hỗ trợ từ kết quả của cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.

Để đạt mục tiêu này, ngoài công tác vận động được tổ chức thường xuyên trong năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh còn mở hai đợt cao điểm vận động xây dựng Quỹ “Ngày vì người nghèo”. Đợt một vào dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), và đợt hai nhân Ngày thế giới chống đói nghèo (17-10). Tuy vậy, đến thời điểm này, kết quả từ cuộc vận động vẫn khá khiêm tốn. Có huyện như Phù Mỹ vẫn chưa tổ chức vận động được; còn tại Vân Canh, mới chỉ vận động được hơn 1,2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cuộc vận động vẫn chỉ triển khai mạnh ở khu vực các cơ quan, DNNN, còn khu vực kinh tế dân doanh, kết quả huy động vẫn rất thấp. Số Công ty TNHH, DNTN tham gia ủng hộ Quỹ hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu những hạn chế này nhanh chóng được khắc phục, chắc chắn cuộc vận động sẽ có hiệu quả cao hơn và mục tiêu xóa nhà tạm cho hộ nghèo sẽ được thực hiện với tiến độ nhanh.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Rồi sẽ không còn người cơ nhỡ, xin ăn  (23/05/2003)
Kết thúc điều tra chuyên án vụ trộm máy vi tính  (22/05/2003)
Một dự án nhân đạo cho người nghèo bị cụt chi   (22/05/2003)
Có nên thu tiền học trái tuyến ?  (22/05/2003)
Mái ấm của người già   (20/05/2003)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh!   (19/05/2003)
Nồng ấm Bác Hồ giữa lòng Bình Định  (19/05/2003)
Bác An khuyến học  (16/05/2003)
Tòa án và Địa chính cùng làm trái pháp luật!  (15/05/2003)
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Định: Lớn lên cùng đất nước  (14/05/2003)
Chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vĩnh Thạnh  (13/05/2003)
Thư viện tuyến cơ sở: nỗi niềm ai tỏ  (12/05/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập của cán bộ, đảng viên  (12/05/2003)
An Lão - sốt nấm “linh chi”  (11/05/2003)
Người hết lòng vì sự nghiệp khuyến học  (09/05/2003)