* Từ khiếu nại của HTX Bến xe khách Quy Nhơn
Trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, hàng loạt xe ô tô chở khách chạy tuyến nội tỉnh của các HTX vận tải các huyện như Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ… chạy về TP Quy Nhơn bị lực lượng CSGT (có sự phối hợp của lực lượng Thanh tra giao thông) chận phạt đồng loạt, với mức phạt 400.000đồng/xe, đều với lý do “Vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có sổ nhật trình chạy xe”, vi phạm Điểm k, khoản 4, Điều 28 Nghị định 15/CP ngày 19-2-2003 của Chính phủ. Sau khi bị phạt, các chủ xe đã buộc phải đến Sở GTVT Bình Định xin cấp sổ nhật trình chạy xe. Theo đơn khiếu nại của HTX Bến xe khách Quy Nhơn và phản ảnh của nhiều chủ xe, tại Sở GTVT họ bị buộc phải đưa xe vào bến đến là Bến xe Trung tâm của Công ty cổ phần bến xe Bình Định chứ không được đưa xe vào bến của HTX Bến xe khách Quy Nhơn. Các chủ xe cho rằng họ bị phạt oan, bởi vì tuyến đường họ chạy xe lâu nay không phải là tuyến vận tải cố định và không cần đến sổ nhật trình chạy xe. Còn HTX Bến xe khách Quy Nhơn cho rằng, việc Sở GTVT buộc các chủ xe không được đưa xe vào bến của HTX là Sở đã lợi dụng quyền quản lý Nhà nước để chèn ép, gây khó khăn đối với việc kinh doanh của HTX Bến xe khách Quy Nhơn.
* Giải thích của lãnh đạo Sở GTVT
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Hà Văn Phạn, Phó giám đốc Sở GTVT, cho rằng khiếu nại của HTX Bến xe khách Quy Nhơn và phản ảnh nói trên của nhiều chủ xe là không đúng sự thật. Việc CSGT phạt như thế nào là quyền của họ, nhưng ông Phạn khẳng định các tuyến vận tải nội tỉnh hiện nay như tuyến An Lão - Quy Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn… là tuyến vận tải khách cố định, do đó các chủ xe khi vận chuyển phải có sổ nhật trình chạy xe theo quy định của Nghị định 15/CP. Việc xác định các tuyến đường trên có phải là tuyến vận tải khách cố định hay không, theo ông Phạn là căn cứ vào Điều 5, Quyết định số 4127/2001 của Bộ trưởng Bộ GTVT về “Ban hành quy định tuyến vận tải và quản lý, khai thác tuyến vận tải khách bằng xe ô tô”. Còn về việc Sở GTVT cấp sổ nhật trình chạy xe cho tất cả các xe của các HTX vận tải huyện chạy về TP Quy Nhơn, ghi bến đến là Bến xe Trung tâm thuộc Công ty cổ phần bến xe Bình Định là có thật. Nhưng - theo ông Phạn, đây là việc hoàn toàn “tự giác, tự nguyện” của các HTX vận tải, của các chủ xe. Ông Phạn nói rằng, từ trước đến nay Sở chưa có một văn bản nào có tính chất ép buộc các HTX vận tải địa phương và các chủ xe phải đưa xe vào bến đến là Bến xe Trung tâm và không được đưa xe vào bến của HTX Bến xe khách Quy Nhơn.
* Ai đúng, ai sai?
Theo Điều 5, Quyết định số 4127/2001 của Bộ trưởng Bộ GTVT, có 3 chỉ tiêu xác định tuyến vận tải khách cố định bằng xe ô tô. 1: Có hệ thống đường bộ bảo đảm an toàn, thông suốt cho xe vận chuyển khách thực hiện hành trình và lịch trình; 2: Có nhu cầu đi lại của khách, với tuyến có cự ly đến 300 km nhu cầu khách đi lại trên tuyến tối đa mỗi ngày có một chuyến xe đi và một chuyến xe về, với tuyến có cự ly trên 300km nhu cầu khách đi lại tối thiểu trong 2 ngày có 1 chuyến đi và 1 chuyến về; 3: Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Nhưng, theo Điều 13, Quyết định số 730/1999 và Điều 8, “Quy định về Bến xe ô tô khách” ban hành kèm theo QĐ số 4128/2001 của Bộ trưởng Bộ GTVT về điều kiện chuyên môn nghiệp vụ và cơ sở vật chất kỹ thuật của bến xe khách, thì tất cả các bến xe của các huyện trong tỉnh Bình Định hiện nay đều không đủ điều kiện bến đi để xác định các tuyến vận tải khách nội tỉnh là tuyến vận tải cố định. Kể cả Bến xe Trung tâm hiện nay do đang xây dựng dở dang cũng không đủ điều kiện vật chất kỹ thuật để xác định là bến đến của tuyến vận tải cố định. Vậy thì tại sao Sở GTVT lại xác định đây là những tuyến vận tải cố định? Ông Hà Văn Phạn có giải thích rằng do các bến xe An Lão, Hoài Ân... (là những bến xe hết sức ọp ẹp) đã ký hợp đồng làm “vệ tinh” cho Bến xe Trung tâm, là “trạm” của Bến xe Trung tâm nên chúng đương nhiên là bến đi của tuyến vận tải cố định. Theo chúng tôi, giải thích này nghe ra rất khiên cưỡng, và cách làm như thế là không đúng với các Quyết định của Bộ trưởng Bộ GT-VT.
Còn việc Sở GTVT khi cấp sổ nhật trình chạy xe và việc có hay không chuyện ép buộc các chủ xe phải đưa xe vào Bến xe Trung tâm; mặc dù ông Hà Văn Phạn nói rằng đó là sự “tự nguyện, tự giác” của các HTX vận tải huyện và của các chủ xe - nhưng trong tay chúng tôi có đầy đủ chứng cớ để chứng minh rằng hầu hết các chủ xe đã có sổ nhật trình chạy xe ghi bến đến là Bến xe Trung tâm đều có nguyện vọng được đưa xe vào bến đến là bến của HTX xe khách Quy Nhơn, họ hoàn toàn không “tự nguyện, tự giác” đưa xe vào Bến xe Trung tâm như ông Phạn nói. Về việc này, một cán bộ có trách nhiệm khác của Sở GTVT có cách giải thích khác với ông Phạn, là do HTX Bến xe khách Quy Nhơn đã mua cổ phần ở Công ty cổ phần Bến xe khách Bình Định nên các chủ xe phải đưa xe vào bến của Công ty cổ phần Bến xe khách Bình Định (Bến xe Trung tâm) và không được đưa xe vào bến của HTX Bến xe khách Quy Nhơn. Cách giải thích này cũng không đúng với thực tế, bởi HTX Bến xe khách Quy Nhơn chưa mua cổ phần ở Công ty Cổ phần Bến xe khách Bình Định, chưa sáp nhập vào Công ty này và đang hoạt động độc lập với đầy đủ tư cách pháp nhân. Có chăng, chỉ có một vài cá nhân thuộc HTX Bến xe khách Quy Nhơn mua cổ phần ở Công ty này mà thôi.
Việc làm nói trên của Sở GTVT Bình Định theo chúng tôi là có dấu hiệu Sở đã lợi dụng quyền quản lý Nhà nước để chèn ép, gây khó khăn đối với việc kinh doanh của HTX Bến xe khách Quy Nhơn như khiếu nại của đơn vị này. Việc làm này cũng không đúng với các Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT, không đúng với sự chỉ đạo từ lâu nay của UBND tỉnh Bình Định là phải đảm bảo tính bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bến xe.
. Cao Năm
|