Phổ cập giáo dục THCS- Đích đến không còn xa
17:31', 26/5/ 2003 (GMT+7)

Tính tới thời điểm này, toàn tỉnh đã có 4/11 huyện, thành phố và 125/155 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Mục tiêu mà Ban chỉ đạo phổ cập của tỉnh đề ra là đến tháng 8-2003 các huyện đồng bằng phải đạt chuẩn và đến cuối 2003 các huyện miền núi phải đạt chuẩn phổ cập THCS. Song điều này không có nghĩa là các địa phương đã hoàn thành công tác phổ cập có thể ung dung và hài lòng mà phải củng cố và nâng cao chất lượng để bắt tay vào “cuộc chiến” mới – “cuộc chiến” phổ cập bậc trung học.

Nhìn lại những năm đầu của công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, quả là không ít khó khăn; có địa phương, cấp ủy, chính quyền coi việc xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học là nhiệm vụ riêng của ngành Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT); có trưởng ban điều hành phổ cập không nắm được các tiêu chuẩn và tình hình phổ cập ở địa phương mình và giao phó cho hiệu trưởng các trường tiểu học. Bước vào “cuộc chiến” phổ cập giáo dục THCS, những cái nhìn phiến diện, coi công tác phổ cập là “việc riêng” của ngành GD-ĐT hầu như không còn nữa, mà các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cùng “xắn tay” vào cuộc. Trong các Nghị quyết của các cấp ủy Đảng đều có chương trình phổ cập giáo dục THCS; các cấp chính quyền đều gắn công tác phổ cập với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình; các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… đã phối hợp với các trường, tham gia vận động các em trong độ tuổi đến lớp phổ cập. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, các cấp quản lý giáo dục đã tích cực tham mưu, đề xuất những giải pháp với cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện. Sở GD-ĐT đã kịp thời hướng dẫn các phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục tiến hành các hoạt động phổ cập theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; đồng thời chỉ đạo các trường tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhằm đạt kết quả đúng với tiến độ phổ cập mà Ban chỉ đạo phổ cập THCS của tỉnh đề ra hàng năm.

Với những nỗ lực ấy, sau hơn 5 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 125/155 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS, chiếm 80,7%. Ngoài thành phố Quy Nhơn - đơn vị đầu tiên đã được công nhận đạt chuẩn vào tháng 5-2002 - đã có thêm 3 huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Có thể nói, những kết quả trên là rất đáng khích lệ. Song, công tác phổ cập giáo dục THCS ở Bình Định vẫn còn nhiều chuyện phải làm. Trong các xã còn lại chưa đạt chuẩn, phần lớn là những xã có điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức của người dân đối với công tác phổ cập chưa cao, nên việc vận động các em đến lớp không phải là dễ. Một số xã chưa có trường THCS, tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học ở các xã vùng sâu, vùng xa còn cao. Ở các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn, tuy các chuẩn đều đạt, nhưng vẫn còn một số xã tỷ lệ đạt chuẩn chưa cao, có xã mới đạt sát “ngưỡng” quy định của Bộ GD-ĐT; như vậy nếu chúng ta lỡ một thời gian “buông tay” trong công tác này thì nguy cơ phải làm lại là hoàn toàn có thể. Đây chính là những “rào cản” của công tác phổ cập giáo dục THCS ở Bình Định trong giai đoạn nước rút này.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, có những biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; lấy kết quả phổ cập làm tiêu chí để xem xét tư cách đảng viên, công nhận đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, gia đình văn hóa, làng văn hóa; khẩn trương xây dựng, bổ sung kế hoạch phổ cập, trong đó cần phân công trách nhiệm và giao chỉ tiêu cho từng ngành, đoàn thể… Ban chỉ đạo phổ cập THCS các cấp phải đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra tiến độ phổ cập ở địa phương mình để có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Các tổ chức đoàn thể cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với ngành GD-ĐT để vận động các em đến lớp phổ cập.

Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục THCS của tỉnh đã đề ra mục tiêu: đến tháng 8-2003 các huyện đồng bằng phải đạt chuẩn và cuối năm 2003, các huyện miền núi phải đạt chuẩn phổ cập THCS. Mục tiêu này so với kết quả 80,7% số xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn hiện nay thì chúng ta có thể thực hiện được. Song, điều này không có nghĩa là các địa phương đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS có thể ung dung và hài lòng với kết quả đạt được mà cần phải tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập để bắt tay vào cuộc chiến mới - “cuộc chiến” phổ cập giáo dục bậc trung học. Đây cũng chính là yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

. Hồ Xuân Ánh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sở Giao thông Vận tải có chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động của HTX Bến xe khách Quy Nhơn?  (25/05/2003)
An cư cho hộ nghèo  (25/05/2003)
Rồi sẽ không còn người cơ nhỡ, xin ăn  (23/05/2003)
Kết thúc điều tra chuyên án vụ trộm máy vi tính  (22/05/2003)
Một dự án nhân đạo cho người nghèo bị cụt chi   (22/05/2003)
Có nên thu tiền học trái tuyến ?  (22/05/2003)
Mái ấm của người già   (20/05/2003)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh!   (19/05/2003)
Nồng ấm Bác Hồ giữa lòng Bình Định  (19/05/2003)
Bác An khuyến học  (16/05/2003)
Tòa án và Địa chính cùng làm trái pháp luật!  (15/05/2003)
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Định: Lớn lên cùng đất nước  (14/05/2003)
Chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vĩnh Thạnh  (13/05/2003)
Thư viện tuyến cơ sở: nỗi niềm ai tỏ  (12/05/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập của cán bộ, đảng viên  (12/05/2003)