|
Chị Nguyễn Thị Hạng đã chuẩn bị cho một ngày làm việc |
Có những người lấy nghề bóc vỏ cây ở Cảng Quy Nhơn làm kế mưu sinh, bất chấp nỗi vất vả cùng những ẩn họa đang rình rập. Dường như đối với họ, áp lực cuộc sống vẫn mạnh hơn mọi hiểm nguy đã được cảnh báo.
Đồng hồ chỉ bảy giờ kém, tôi có mặt tại đường Phan Chu Trinh (TP Quy Nhơn), đoạn gần cổng ra vào Cảng Quy Nhơn. Những bóng người đàn bà tất tả trên những chiếc xe đạp, lao vội, rồi rẽ vào một ngõ nhỏ. Tôi gặp họ ở mép nước. Họ chủ yếu là những người phụ nữ đứng tuổi, đầu đội nón kéo sụp tận mắt, mặt bịt kín. Quăng vội chiếc xe đạp sau bờ cây, họ quơ quàng bước ra mép nước. Một chiếc xuồng chèo đang đợi…
Lát sau, tại một bãi gỗ lớn trong Cảng Quy Nhơn, tôi lại thấy bóng những người này thấp thoáng. Họ đang cần mẫn giữa trưa nắng, bổ từng nhát xà beng mạnh mẽ xuống những cây gỗ lớn. Miệt mài làm việc, nhưng đôi mắt thỉnh thoảng lại đảo nhìn quanh. Chỉ thoáng bóng bảo vệ là họ biến mất. Bảo vệ đi khuất, họ lại tiếp tục.
* Mưu sinh
Họ chỉ có chín người, tất cả đều sạm đen và gầy khô vì nắng, nóng. Người từ Cầu Đôi, kẻ ở Bầu Sen, nhưng chủ yếu vẫn là người dân phường Hải Cảng. Có người mới làm hai, ba năm nay; nhưng có người đã bảy, tám năm, thậm chí từ những năm 80 đến giờ. Khi một người trong họ gặp điều bất trắc, những người khác đều biết, đến thăm và chia sẻ.
Cũng bởi nghèo mà người đi trước kéo người đi sau, bước vào nghề này. Chị Hồ Thị Bảy ở phường Hải Cảng, có chồng mất từ 5 năm nay, mình chị phải vất vả bươn chải nuôi bốn đứa con ăn, học. Chị tâm sự: “Nghề này vất vả lắm, sáng bươn đi, trưa trợt, khi bảo vệ nghỉ mới dám về; chiều 2, 3 giờ đã có mặt, xâm xẩm tối mới về đến nhà”.
Không chỉ chị Bảy mà hầu hết những người bóc vỏ cây để sống này đều có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hạng, người có “thâm niên” 10 năm trong nghề này, giải thích: “Có nghèo thì mới đi làm cái nghề này chứ chú. Cứ như đi ăn trộm, bảo vệ la đằng trước, chạy đằng sau. Nhưng biết làm sao, đói thì đầu gối phải bò thôi”.
Từ góc đường Phan Chu Trinh nhìn sang, bãi gỗ đã nằm ngay trước mặt. Gần mắt nhưng xa chân, họ phải thuê đò chở từng người một tập kết vào Cảng. Củi bóc xong, chờ vãn bóng người mới dám gom lại, chở về bằng đò, và được xếp thành từng đống ven mép nước. Khi củi đã thật khô, họ mới bó lại thành từng bó nhỏ, và bán với giá ba ngàn đồng/bó. Tính ra, thu nhập của những người bóc vỏ cây này cũng chỉ trên dưới mười ngàn đồng/ngày.
* Những ẩn họa được báo trước
Chiều 20-3-2003, bà Đinh Thị Nhẹ (56 tuổi, khu vực 4, phường Hải Cảng) vào bóc vỏ cây trong Cảng. Đang lui cui làm trên một đống gỗ cao thì bà Nhẹ bị ngã xuống, bà mất vì bị chấn thương sọ não. Ông Phạm Văn Thử, chồng bà Nhẹ kể, giọng nghẹn ngào: “Bà nhà tôi làm cái nghề này từ năm 1975. Cũng là vì nghèo, mình tôi chạy xích lô không đủ sống, lại nuôi bốn đứa con. Tai nạn xảy ra với tôi thật bất ngờ. Nhưng biết trách ai cho được, mình kiếm ăn bằng cái nghề nguy hiểm này thì mình phải chịu thôi”.
Cái chết của bà Nhẹ là lời cảnh báo với những người bóc vỏ cây về những hiểm nguy đang rình rập họ. Nhưng rồi họ vẫn tiếp tục bươn chải, phó mặc mọi hiểm nguy. “Mình phải tinh mắt chứ chú. Thấy gỗ rung rinh, không ổn là tránh ra xa ngay, còn cứ chủ quan, không cẩn thận, bị gỗ đè có ngày. Còn chuyện bị đứt tay, sứt chân, gãy chân, xây xát… với tụi tui là chuyện thường ngày rồi” - chị Hạng nói vậy.
Trước những nguy hiểm rình rập, nhân viên bảo vệ Cảng thường xuyên ngăn cấm, thậm chí tịch thu xà beng của những người bóc vỏ cây. Nhưng tịch thu hôm trước, hôm sau lại thấy họ sắm xà beng mới, tiếp tục hành nghề. Có lẽ, áp lực của cuộc sống vẫn mạnh hơn mọi hiểm nguy. Và, cũng có lẽ những biện pháp bảo vệ ở Cảng Quy Nhơn tại các bãi gỗ này còn chưa đủ mạnh chăng?
Dưới cái ánh nắng gắt gao của tiết trời vào hạ, một ngày làm việc của những người bóc vỏ cây vẫn tiếp diễn, bất chấp những cơ cực và hiểm nguy đang rình rập. Tôi thầm mong có sự trợ giúp nào đó để họ có được lưng vốn, tìm kiếm một việc làm khác ổn định và an toàn hơn.
. Lê Viết Thọ
|