Làng gánh cá
16:31', 28/5/ 2003 (GMT+7)

Chị Ngô Thị Nga đang gánh cá

Quê tôi ở nông thôn, nên từ nhỏ đã quen với hình ảnh những mẹ, những chị tôi ngày ngày phải còng lưng với chiếc đòn gánh để gánh lúa, gánh nước, gánh gạo… Cuộc sống ngày càng phát triển và đổi thay, các chị, các mẹ tôi bây giờ đã thoát ra được khỏi cuộc sống kẽo kẹt đòn gánh trên vai. Chính vì thế mà khi nghe nói có một vùng quê xưa nay người phụ nữ chuyên sống bằng nghề gánh thuê tôi vội tìm đến…

* Chân dung làng gánh

Làng gánh cá thuê mà tôi nói nằm sát bến cá Xuân Thạnh, giữa 2 thôn Xuân Thạnh và Xuân Thạnh Nam của xã Mỹ An (Phù Mỹ). Nơi đây có 784 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản. Thế nhưng lực lượng tàu thuyền ít và công suất nhỏ nên phần lớn họ phải làm thuê. Người chồng đi bạn cho những người có tàu. Xưa nay, nghề đi bạn là một nghề vất vả và hiểm nguy nhưng thu nhập rất thấp và bấp bênh.

Bởi cuộc sống đi bạn của người chồng vất vả và thu nhập thấp nên những người vợ ở nhà phải lo kiếm việc làm để cùng lo trang trải cho cuộc sống gia đình. Điều kiện sống ở đây, trước mặt là biển, dưới chân là cát, không có nghề truyền thống nào nên phụ nữ xưa nay chẳng biết việc gì làm ngoại trừ những lúc tàu về đi gánh cá thuê. Bến cá Xuân Thạnh này mỗi ngày có hàng chục tàu đánh cá trong xã và các địa phương khác cập bến, hàng trăm tấn cá được vận chuyển từ đây đi khắp các nơi. Để vận chuyển cá lên xe, không có một phương tiện vận chuyển nào khác hơn là gánh. Chính vì thế, dân cư gốc nơi đây xưa nay dù đã có nhiều người bỏ nghề gánh cá thuê đi theo một số nghề khác nhưng vẫn còn nhiều người sống bằng nghề gánh cá thuê truyền đời. Hiện ở đây có không dưới 150 người chuyên sống bằng nghề này. Ngoài ra, còn có cả trăm người làm không chuyên, những lúc cá nhiều đã sẵn sàng bước vào nghề.

* Nghề truyền đời của người nghèo

Đây là câu nói chân thành của chị Ngô Thị Nga, một người gánh cá thuê mấy chục năm nay ở đây. Chị cho biết: “Xưa nay người phụ nữ nghèo như tôi ở đây đều lấy nghề gánh cá thuê để làm kế mưu sinh. Bởi nghề gánh cá thuê này không cần phải học và lo vốn liếng mà chỉ cần có sức khỏe và chịu khó là đủ”.

Bà Trần Thị Mùi, năm nay 50 tuổi, gắn bó với nghề hơn 30 năm nay. Những người con, cháu của bà hiện cũng đang theo nghề mẹ, bà, sớm tối cùng đôi quang gánh rảo bước trên bãi cát này. Bà nói: “Hàng chục năm nay người phụ nữ làng này sống bằng nghề gánh cá mướn. Chỉ khoảng 5 năm nay, nhờ tụi nhỏ có học hành, đi đây đi đó ra khỏi làng học được một vài nghề khác còn lại phần đông vẫn theo nghề này như xưa”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chẳng những gia đình bà mà ở đây còn nhiều gia đình như thế. Cuộc sống lâu nay nghèo khổ, nhiều lúc họ cũng có những ước vọng đổi đời nhưng “lực bất tòng tâm” nên đành chấp nhận. Bởi để chuyển nghề khác cần phải có tiền và trình độ, những cái mà hiện nay họ đang thiếu, nên nhiều người đành chọn nghề của mẹ để mưu sinh.

Công việc của họ chủ yếu là gánh cá từ bến cá Xuân Thạnh lên bến xe và vào các khu chế biến hải sản khô trong xã, với đoạn đường khoảng 1.000 mét. Một gánh cá nặng 35 kg, họ chỉ nhận được 3 ngàn đồng khi cá ít và tăng lên 4.000 đồng khi cá nhiều. Người siêng năng và khỏe mạnh thì mỗi ngày có thể gánh 20 - 25 gánh, thu nhập 60 - 70 ngàn đồng. Người làm biếng hoặc ốm yếu thì 10 - 15 gánh mỗi ngày, cũng đủ ăn. Với mức thu nhập như vậy, đủ cho họ chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Có nhiều người chịu khó và có sức khỏe, từ nghề gánh cá thuê này đã xây được nhà, mua được xe máy, ti vi…

* Những tâm sự

Sống bằng nghề gánh cá thuê, nên họ chẳng bao giờ quản ngại nắng mưa, trưa chiều, sớm tối và khó nhọc. Bởi không đơn giản như gánh thuê những thứ khác, công việc của họ phụ thuộc vào tàu cá cập bến lúc nào.

Giữa trưa nắng chang chang, tôi đi dọc bãi biển Mỹ An khu vực bến cá Xuân Thạnh, bắt gặp hàng chục con người trên vai đôi quang gánh đầy ắp cá nặng trĩu nối đuôi nhau đi về hướng bến xe. Với bộ đồ đi làm màu xanh đã bạc, mồ hôi ướt đẫm, nhiều chỗ tạo nên một vệt trắng do nước biển và mồ hôi bị nắng khô đóng lại, trông chị Nguyễn Thị Chút vất vả làm sao. Chị bộc bạch: “Gánh cá dưới nắng là vất vả nhất. Bởi bên dưới là cát nóng, còn bên trên thì nắng như đổ lửa. Nhưng làm nghề này thì phải chấp nhận thôi, bởi cá vào lúc nào thì phải gánh lúc đó”. Chị Nguyễn Thị Thắm xen vào cắt lời bạn: “Nói vậy chứ lúc nào cũng vất vả cả. Nếu tàu cá vào ban đêm thì cũng phải thức để gánh.” Nói xong, các chị vội vã gánh cá đi thật nhanh như để chạy trốn cái nắng và để được gánh nhiều hơn.

Đêm ấy tôi ở lại với làng gánh để có dịp theo chân các mẹ, các chị đi gánh cá thuê trong đêm. Cả đêm tôi không ngủ được vì tiếng gió biển cứ gầm rú bên tai. 3 giờ sáng, tôi vừa mới thiếp đi một chút thì có tiếng bước chân đi thình thịch, tiếng người nói ồn ào bên tai. Anh Ba Minh, người cho tôi ngủ nhờ nhà, gọi tôi dậy, nói: “Cá vào và họ đang đi gánh đấy!”. Tôi vội ra đường đi theo các mẹ, các chị xuống bến cá. Trời còn tối om, nhưng đông đúc người chờ chực những chiếc tàu đang rẽ sóng vào bờ. Những chiếc tàu đầu tiên chở cá vào bờ, lập tức đám đông phụ nữ này đổ xô đến. Tôi nghe những giọng nói cất lên: Gánh lên nhà cô Viên hay bến xe? Đêm khuya tăng giá lên nghen…

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người bóc vỏ cây  (27/05/2003)
Nhìn từ một khu phố  (26/05/2003)
Phổ cập giáo dục THCS- Đích đến không còn xa  (26/05/2003)
Sở Giao thông Vận tải có chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động của HTX Bến xe khách Quy Nhơn?  (25/05/2003)
An cư cho hộ nghèo  (25/05/2003)
Rồi sẽ không còn người cơ nhỡ, xin ăn  (23/05/2003)
Kết thúc điều tra chuyên án vụ trộm máy vi tính  (22/05/2003)
Một dự án nhân đạo cho người nghèo bị cụt chi   (22/05/2003)
Có nên thu tiền học trái tuyến ?  (22/05/2003)
Mái ấm của người già   (20/05/2003)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh!   (19/05/2003)
Nồng ấm Bác Hồ giữa lòng Bình Định  (19/05/2003)
Bác An khuyến học  (16/05/2003)
Tòa án và Địa chính cùng làm trái pháp luật!  (15/05/2003)
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Định: Lớn lên cùng đất nước  (14/05/2003)