Hành nghề y - dược tư nhân ở Tuy Phước sẽ đi vào nề nếp
16:44', 29/5/ 2003 (GMT+7)

Thuốc Tây bán ở chợ

Những năm qua, song hành với các cơ sở y tế Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, mạng lưới y - dược tư nhân (YDTN) trên địa bàn huyện Tuy Phước phát triển rộng khắp. Đến nay, cả huyện có 192 cơ sở hành nghề YDTN, mỗi năm khám, chữa bệnh tới 21 nghìn lượt người, đạt tỉ lệ 10% so với kết quả hoạt động khám, chữa bệnh của toàn ngành y tế huyện. Kết quả này đã góp phần giảm bớt tình trạng quá tải ở các phòng khám khu vực và bệnh viện huyện. Tuy nhiên bên cạnh đó, hoạt động của các cơ sở hành nghề YDTN vẫn diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở né tránh sự quản lý của ngành chức năng, số cơ sở không được cấp phép chiếm tỉ lệ khá cao (141/192 cơ sở). Trong đó có 9/14 xã, thị trấn có từ 10 đến 15 cơ sở hành nghề không có giấy phép.

Bà Võ Thị Liên Phòng, Trưởng trạm y tế xã Phước Hòa, nơi có đông người hành nghề YDTN không có giấy phép cho biết: “Cả xã có tới 16 người hành nghề y tá chưa qua một khóa đào tạo nào của Nhà nước. Ở chợ Gò Bồi thường xuyên có 2 người từ địa phương khác đến và 4 cửa hàng tạp hóa kiêm luôn nghề bán thuốc tây. Vì chưa có sự phân cấp nên thời gian qua, Trạm chỉ nhắc nhở, báo cấp trên mà chưa có biện pháp nào cấm đoán họ hoạt động”. Điều đáng quan tâm, những người hành nghề không phép này (đa số không có bằng cấp) hành nghề vừa lén lút, vừa công khai; tai hại hơn, có trường hợp gây tai biến trong điều trị.

Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện cho hay: “Cuối tháng 3-2003, Đoàn kiểm tra hành nghề YDTN của tỉnh đột xuất kiểm tra tại nhà bà Danh ở thôn Lục Chánh (xã Phước Hiệp), phát hiện bà Trần Thị Tuyết Sương, không bằng cấp, hành nghề hộ sinh bất hợp pháp, đang đỡ đẻ cho một sản phụ với các dụng cụ y tế không bảo đảm vệ sinh, bàn đỡ đẻ làm bằng gỗ, chung quanh nơi sinh là chuồng heo. Đoàn thu giữ dụng cụ y tế, lập biên bản xử phạt hành chính. Cơ sở này hoạt động lén lút, khó phát hiện, đã có 1 ca sau khi sinh bị bệnh uốn ván”. Đây chỉ là một trường hợp được phát hiện cụ thể, còn nhiều trường hợp tai biến dẫn đến chết người, hoặc bị di chứng suốt đời đều có sự thỏa thuận ngầm với nhau giữa người hành nghề và gia đình nạn nhân nên không ai biết.

Mặc dù ngành y tế của huyện nắm tương đối chắc các đối tượng hành nghề YDTN, tạo điều kiện cho họ lập thủ tục đăng ký cấp phép hoạt động, và phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn quán triệt Pháp lệnh hành nghề YDTN, Nghị định 46/CP của Chính phủ, nhưng số đối tượng hành nghề tham gia chỉ đạt 74%. Công tác kiểm tra có duy trì thường xuyên, như năm 2002 đã tổ chức kiểm tra 2 đợt (100 lượt), nhưng lại chủ yếu kiểm tra các cơ sở YDTN được cấp giấy phép, còn đối tượng không có giấy phép, không bằng cấp rất khó kiểm tra, vì họ có nhiều cách đối phó rất tinh vi. Bằng chứng là ở các chợ quê, xa trung tâm huyện, các mẹt thuốc tây bán lưu động ngày càng nhiều. Người mua chỉ cần nói chứng bệnh thì người bán đưa thuốc hoặc tiêm thuốc tại chỗ rồi tính tiền. Người mua thậm chí không cần biết thuốc gì, có tác dụng không, còn hạn sử dụng không. Nhiều trường hợp tiền mất mà tật vẫn mang.

Để khắc phục những bất cập trên, bác sĩ Mai Văn Ngọc, Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, cho biết: “Trong năm 2003 này, Trung tâm y tế huyện quyết tâm đưa hoạt động YDTN vào nề nếp, đúng pháp luật, góp phần cùng với các cơ sở y tế công phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trước mắt, Trung tâm đang tham mưu UBND huyện phân cấp quản lý hành nghề YDTN, dành quyền cho cơ sở nhiều hơn. Ngay trong tháng 5 này, Trung tâm đã triển khai sâu rộng kế hoạch quản lý đối với từng xã, thị trấn; có trách nhiệm hướng dẫn các đối tượng hành nghề đúng pháp luật. Mặt khác, mỗi trạm sẽ có một chuyên trách theo dõi, quan sát, kiểm tra thường xuyên các cơ sở có giấy phép và kiên quyết xử lý đối với các đối tượng hành nghề không giấy phép, kịp thời báo cáo với lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng để xử lý”.

Hy vọng với quyết tâm như vậy, hoạt động hành nghề YDTN ở Tuy Phước thời gian tới sẽ đi vào nề nếp, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trong huyện.

. Xuân Thức

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng gánh cá  (28/05/2003)
Những người bóc vỏ cây  (27/05/2003)
Nhìn từ một khu phố  (26/05/2003)
Phổ cập giáo dục THCS- Đích đến không còn xa  (26/05/2003)
Sở Giao thông Vận tải có chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động của HTX Bến xe khách Quy Nhơn?  (25/05/2003)
An cư cho hộ nghèo  (25/05/2003)
Rồi sẽ không còn người cơ nhỡ, xin ăn  (23/05/2003)
Kết thúc điều tra chuyên án vụ trộm máy vi tính  (22/05/2003)
Một dự án nhân đạo cho người nghèo bị cụt chi   (22/05/2003)
Có nên thu tiền học trái tuyến ?  (22/05/2003)
Mái ấm của người già   (20/05/2003)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh!   (19/05/2003)
Nồng ấm Bác Hồ giữa lòng Bình Định  (19/05/2003)
Bác An khuyến học  (16/05/2003)
Tòa án và Địa chính cùng làm trái pháp luật!  (15/05/2003)