|
Đầm Trà Ổ |
Lọt thỏm giữa một vùng đồng bằng thuộc các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), đầm Trà Ổ dịu dàng như một cô gái e lệ. Đây là một trong ba đầm lớn, vào hàng danh thắng của Bình Định, cũng là nơi có nhiều hải sản đặc sắc. Tiếc thay, những hành vi khai thác tận thu của con người đang dần làm cho nguồn lợi này cạn kiệt.
1. Mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu tiên, tôi đã có mặt ở đầm Trà Ổ (còn gọi là đầm Châu Trúc hay Bàu Bàng). Những tia nắng chưa làm tan đi chút khói sương lan tỏa trên mặt đầm, tạo cảm giác vừa bình yên, vừa huyễn hoặc, nhưng bóng những người đi bắt tôm, lưới cá trên mặt đầm cũng lác đác xuất hiện.
Băng qua con đường nhỏ, cắt ngang đầm, tôi vào Gò Lao (cù lao nhỏ nằm giữa đầm) để phóng tầm mắt ra bốn phía. Đầu con đường, những đám ruộng đã vào vụ gặt, trổ màu vàng ươm, trĩu hạt. Trên cù lao chu vi chưa tới 80m này, hiện có khoảng 15 hộ gia đình đang sinh sống. Những ngôi nhà nhỏ, xen giữa những đụn cây. Vườn tiếp vườn, không cần chút ranh giới nào. Chẳng tìm đâu chút không khí của Gò Lao xưa, như sách Đại Nam nhất thống chí đã miêu tả: “Cây cối um tùm, đền miếu nguy nga cũng là một nơi linh địa”.
Rẽ vào một ngôi nhà bên mép đường, một người phụ nữ đang soạn ra những dẹp bắt tôm. Bên cạnh là những đứa trẻ đang nướng mồi tôm gồm: cám trộn cá, cua, ửng trên than hồng, thơm lựng. Chị Đỗ Thị Thanh (tên người phụ nữ) cho biết, những hộ gia đình ở Gò Lao này đều có gốc gác ở xã Mỹ Châu (Phù Mỹ) ra đây từ năm 1987 trở lại, tất cả đều sống nhờ vào nguồn thủy sản Trà Ổ. Chị làm nghề thả dẹp bắt tôm, mỗi đêm chừng 800 - 900 cái. Mờ sáng thả, 9-10 giờ đã rong thuyền thu về 1-2 kg tôm, kiếm được vài chục ngàn đồng.
2. Gò Lao và đầm Trà Ổ như hai bộ phận của một sinh thể vẹn toàn. Xưa, đây chỉ là một vịnh nước mặn, thông với biển qua cửa Hà Ra, một thời thuyền bè qua lại tấp nập. Năm tháng qua đi, dấu cửa biển nay chỉ còn là lạch nước nhỏ. Mặt đầm, chu vi khoảng 20km, đã không còn chung nhịp thở thủy triều với biển, nước đầm theo đó cũng nhạt dần, tạo cho Trà Ổ những loại thủy sản mang hương vị đặc sắc. Đây chính là nguồn sống của một số không ít hộ dân các xã ven đầm, nhất là người Gò Lao. Ngay tại thôn Chánh Khoan Đông (xã Mỹ Lợi), chỉ có 258 hộ, thì trên 60 hộ đã sống bằng nghề khai thác thủy sản.
Ngoài các loại cá, tôm, giống tép Trà Ổ cũng rất nổi tiếng. Theo lời người dân Mỹ Lợi, vào mùa mưa, tép nhiều vô kể. Ngày thường, một đêm một người có thể bắt được 1,5- 2 tạ tép. Còn cữ tháng 9, tháng 10, một đêm có thể bắt được hơn cả tấn tép. Nhưng làm rạng danh Trà Ổ lại là giống chình mun và chình bông. Chình Trà Ổ thơm, ngon, đậm đà và rất bổ dưỡng. Hiện nay, chình bông có giá 170.000-180.000 đồng/kg; chình mun được giá hơn, khoảng 200.000 đồng/kg. Chình được người dân khai thác bằng nhiều cách: câu, đánh lưới và thậm chí dùng cả xung điện. Vào mùa lụt, riêng tại cơ sở nuôi chình ở phía nam Gò Lao, mỗi ngày thu mua được 30-40 kg, còn ngày bình thường thu mua chừng 15-20 kg. Chình được bán lại cho các thương lái rồi tỏa đi khắp nước, vào các quán đặc sản, thậm chí có lúc còn được xuất khẩu.
3. Chình Trà Ổ đang khan dần. Một người dân ven đầm tâm sự: “Trước được mười phần, nay chỉ còn năm, sáu. Chình lớn, chình bé đều được bắt đem bán ráo”. Cũng cần nói thêm, Trà Ổ là nơi cung cấp chình con bán cho các địa phương khác nuôi trong khi chình giống chưa sản xuất được. Các loại cá, tôm cũng đang bị đánh bắt tận thu bằng cả xung điện. Chúng tôi đang đứng ở Gò Lao, nhìn ra một góc đầm, đã thấy dăm bảy chiếc thuyền xung điện. Ông Huỳnh Trọng Tín, trưởng thôn Chánh Khoan Đông, cho biết: mỗi ngày có hàng chục thuyền xung điện trên mặt đầm. Chính quyền một số địa phương chưa thật kiên quyết xử lý.
Nguồn hải sản ở Trà Ổ đang cạn kiệt. Nếu như năm 2001 về trước, thu nhập các hộ làm nghề đánh bắt thủy sản ở Chánh Khoan Đông mỗi năm trên 10 triệu đồng thì hai năm trở lại đây, nguồn thu nhập không còn đạt tới con số này nữa. Ông Tín xác định: “Người Chánh Khoan Đông không làm nghề lưới điện. Nhưng “ngư tặc” các địa phương khác vẫn tung hoành trên đầm Trà Ổ. Chúng tôi biết, nhưng đành bất lực”.
4. Bên mép nước đầm Trà Ổ, chúng tôi gặp anh Nguyễn Quang Tiên, một người dân Mỹ Lợi có nhiều tâm huyết với tương lai của đầm Trà Ổ. Anh Tiên say sưa nói với chúng tôi ước mong về một tương lai, khi đầm Trà Ổ được khai thác một cách hợp lý. Nạn xung điện, xiếc máy được ngăn chặn; nguồn lợi thủy sản trong đầm được nuôi trồng và khai thác một cách cân đối, có quy hoạch…
Ước mong của anh Tiên, cũng là ước mong chính đáng của người dân quanh vùng.
. Lê Viết Thọ