Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo:
Những kết quả bước đầu
16:32', 6/6/ 2003 (GMT+7)

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng cao ngày càng được nâng lên

Bình Định có 155 xã, trong đó có 28 xã đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 của Trung ương. Nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2002 là 7,7%, thu nhập bình quân đầu người 3,752 triệu đồng/người/năm. Vậy, chúng ta đã làm cách nào để xóa hộ đói và giảm hộ nghèo còn 10,4% trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn.

Trước hết là tỉnh đã quán triệt và xác định công tác xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) là một chủ trương lớn nên trong chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác XĐGN. HĐND tỉnh cũng đã có Nghị quyết về XĐGN giai đoạn 2001-2005. Tỉnh đã tiến hành kiện toàn các Ban chỉ đạo XĐGN từ tỉnh xuống cơ sở, phân công các đồng chí trong UBND tỉnh và lãnh đạo 17 sở, ngành của tỉnh phụ trách 9 huyện có số xã đặc biệt khó khăn và cử 27 cán bộ tăng cường cho xã. Vận động các doanh nghiệp nhà nước tham gia chương trình XĐGN, từ năm 1999 đến cuối năm 2002 có 51 doanh nghiệp trợ giúp 31 xã nghèo, với kinh phí trên 1,8 tỉ đồng. Có một số doanh nghiệp trợ giúp từ 2-4 lần như: Lâm trường Sông Kôn, Công ty Xăng dầu Nghĩa Bình, Xí nghiệp Đường sắt, Công ty Xây dựng 47, Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp, Thủy điện Vĩnh Sơn.

Tổng nguồn kinh phí huy động được đến cuối năm 2002 là 97,8 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách 44 tỉ, còn lại là vốn tín dụng ưu đãi, vốn huy động cộng đồng, vốn lồng ghép các chương trình. Riêng trong năm 2002 toàn tỉnh đã có 8.600 lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng XĐGN với tổng số tiền 19,6 tỉ đồng, nâng số hộ vay vốn để làm ăn XĐGN lên 26.500 hộ, tổng số dư nợ vốn vay đến cuối năm 2002 là 49,7 tỉ đồng. Ngoài ra còn có vốn “Phụ nữ nghèo”, “Nông dân nghèo” giải quyết cho hàng vạn hội viên vay phát triển sản xuất hàng chục tỉ đồng.

Để đồng vốn sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, năm 2002 các cơ quan chức năng đã mở 28 lớp tập huấn hướng dẫn cách làm ăn cho 1.400 lượt người nghèo, xây dựng 16 mô hình trình diễn sản xuất, trong đó có 8 mô hình sản xuất thâm canh lúa nước, 5 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Tỉnh cũng đã phân công 28 khuyến nông viên về 28 xã đặc biệt khó khăn, giúp bà con nông dân cách làm ăn. Ngoài ra tỉnh đã thực hiện định canh, định cư cho 28.000 hộ đồng bào dân tộc ít người ở các xã miền núi; đầu tư 38 tỉ đồng xây dựng 98 công trình hạ tầng cơ sở cho 31 xã nghèo nên đã có hàng chục ngàn hộ được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi. Mặt khác, trong năm qua tỉnh đã miễn giảm thuế cho 20.976 hộ nghèo với 2,2 tỉ đồng. Bằng nguồn ngân sách tỉnh và quỹ “Ngày vì người nghèo” đã hỗ trợ cho 918 hộ nghèo, mỗi hộ 3 triệu đồng để cải thiện nhà ở, cấp 59 ngàn thẻ BHYT. Miễn giảm học phí và các khoản đóng góp học đường cho 139.728 học sinh với 6,4 tỉ đồng; hỗ trợ dụng cụ học tập cho 7.110 học sinh bằng 353 triệu đồng; cấp 93 triệu đồng học bổng cho trên 1.000 học sinh các cấp.

Từ những cố gắng của các cấp, các ngành và của cộng đồng, đến cuối năm 2002 toàn tỉnh còn 34.073 hộ nghèo, chiếm 10,42%, giảm 2,02% so với năm 2001, trong đó hộ nghèo tuyệt đối là 4.651 hộ, hộ nghèo tương đối 29.761 hộ. Một tỉnh không có nhiều thuận lợi, thường xuyên bị thiên tai bão lụt, số xã nghèo còn khá nhiều, vậy mà đã giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới mức bình quân của cả nước đã là cố gắng đáng mừng. Tuy nhiên, theo nhận xét của UBND tỉnh, công tác XĐGN của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chương trình XĐGN triển khai còn thiếu đồng bộ; một số doanh nghiệp tham gia chưa tích cực, thậm chí còn đứng ngoài cuộc; mặt bằng tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương còn chênh lệch quá cao; hiệu quả sử dụng đồng vốn chưa cao và có một số hộ nghèo còn khát vốn làm ăn.

Năm 2003, Bình Định đề ra mục tiêu giảm 2% hộ nghèo, tương ứng với 6.658 hộ, tức là còn 8,42%. Đặc biệt là phấn đấu không còn hộ chính sách nghèo, đảm bảo các hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở địa phương; tiếp tục hỗ trợ cho 1.000 hộ nghèo đang ở nhà đơn sơ xây dựng lại nhà ở. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ huy động nguồn lực của cả cộng đồng phục vụ cho XĐGN với tổng mức huy động 141,9 tỉ đồng, tăng 44 tỉ so với năm 2001; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi; giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản; chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; chính sách thuế; chính sách giáo dục- đào tạo, dạy nghề; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo…

. Trần Duy Đức

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề bắt cua trên đầm Thị Nại  (05/06/2003)
Cần sớm làm sáng tỏ vụ việc  (04/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự nghiệp thống nhất đất nước  (03/06/2003)
Kinh nghiệm phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở Quy Nhơn  (02/06/2003)
Nỗi niềm Trà Ổ   (01/06/2003)
Vài nét về Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6  (30/05/2003)
Hành nghề y - dược tư nhân ở Tuy Phước sẽ đi vào nề nếp  (29/05/2003)
Làng gánh cá  (28/05/2003)
Những người bóc vỏ cây  (27/05/2003)
Nhìn từ một khu phố  (26/05/2003)
Phổ cập giáo dục THCS- Đích đến không còn xa  (26/05/2003)
Sở Giao thông Vận tải có chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động của HTX Bến xe khách Quy Nhơn?  (25/05/2003)
An cư cho hộ nghèo  (25/05/2003)
Rồi sẽ không còn người cơ nhỡ, xin ăn  (23/05/2003)
Kết thúc điều tra chuyên án vụ trộm máy vi tính  (22/05/2003)