Sở Giao thông Vận tải Bình Định vừa đá bóng, vừa thổi còi
17:35', 8/6/ 2003 (GMT+7)

Trong số Báo Bình Định cập nhật ngày 5-6, chúng tôi đã đăng 2 công văn: Một, của Sở GTVT Bình Định và một của Liên minh HTX Bình Định, với 2 quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau xung quanh khiếu nại của HTX Bến xe khách Quy Nhơn, rằng Sở GTVT đã lợi dụng quyền quản lý Nhà nước để chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động của HTX Bến xe khách Quy Nhơn. Sở GTVT thì cho rằng HTX Bến xe khách Quy Nhơn vu cáo Sở. Còn Liên minh HTX Bình Định qua xác minh của mình thì khẳng định Sở GTVT đã ưu ái, tạo thế và lực cho Công ty cổ phần Bến xe khách Bình Định được độc quyền kinh doanh, bóp chết các doanh nghiệp khác, mà trực tiếp là HTX Bến xe khách Quy Nhơn. Vậy sự thật ở đâu?

* “Quả bóng” của Sở GTVT

Xin được bắt đầu từ cái gọi là Sổ nhật trình chạy xe. Sổ này, theo các Quyết định 4127/2001 và 4128/2001 của Bộ trưởng Bộ GTVT, chỉ cấp cho các xe ô tô khách chạy tuyến vận tải cố định. Bao lâu nay các xe khách chạy tuyến nội tỉnh ở Bình Định không được xác định là tuyến vận tải cố định nên không cần đến Sổ nhật trình chạy xe. Không phải là tuyến vận tải cố định bởi nó không đáp ứng các chỉ tiêu đã quy định tại Điều 5 Quyết định 4127/2001, thế nhưng Sở GTVT lại cho rằng đó là các tuyến vận tải cố định, để từ đó buộc các chủ xe phải có Sổ nhật trình chạy xe, và chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với Cảnh sát Giao thông để phạt nếu chủ xe không có sổ.

Việc buộc các chủ xe phải có Sổ nhật trình đã không đúng, việc cấp sổ lại càng sai so với các Quyết định 4127 và 4128 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Theo Điều 18 Quyết định 4127 và Điều 4 Quyết định 4128, Sở GTVT chỉ có trách nhiệm in và phát hành Sổ nhật trình chạy xe, còn việc cấp sổ là do chủ xe cấp. Chủ xe, theo Điều 4, Quyết định 4128 là tổ chức, cá nhân đứng tên quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng xe. Thế nhưng, Sở GTVT đã dài tay đến mức tự mình cấp Sổ nhật trình chạy xe. Theo phản ánh của tất cả các chủ xe đã được cấp Sổ nhật trình, họ phải đến văn phòng Sở, và tại đây đích thân ông trưởng phòng vận tải của Sở viết và trao sổ cho họ. Đúng là Sở GTVT không có một văn bản nào buộc các chủ xe phải đưa xe vào bến này hay bến khác, nhưng dưới áp lực này của Sở, nhiều chủ xe cho biết họ đành phải để cho ông trưởng phòng vận tải ghi vào sổ bến đến là bến của Công ty cổ phần Bến xe khách Bình Định, mặc dù họ không muốn và chỉ muốn đưa xe vào bến của HTX Bến xe khách Quy Nhơn. Lý do, theo họ là bến của HTX Bến xe khách Quy Nhơn có cơ sở kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, còn bến của Công ty Cổ phần đang xây dựng, hiện chỉ là một bãi đất trống, nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội. Lãnh đạo Sở GTVT nói rằng, việc các chủ xe đưa xe vào bến của Công ty cổ phần như đã ghi trong Sổ nhật trình là do họ “tự nguyện”, nhưng trong tay chúng tôi hiện có văn bản kiến nghị có đầy đủ chữ ký của gần 60 chủ xe thuộc các HTX vận tải Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân… xin cho họ được đưa xe vào Bến của HTX bến xe khách Quy Nhơn theo như hợp đồng họ đã ký với HTX này!

* Và Sở GTVT thổi còi

Sau khi sút “quả bóng” Sổ nhật trình chạy xe để buộc tất cả các chủ xe vào sân của Công ty cổ phần bến xe Bình Định, Sở GTVT liền lập tức thổi luôn còi! Cái còi ở đây là công văn số 685/CV-GTVT ngày 29-4-2003 do Phó giám đốc sở Hà Văn Phạn ký, nội dung ủy quyền cho Công ty cổ phần bến xe Bình Định kiêm luôn công tác quản lý Nhà nước, thay thế Ban quản lý bến xe.

Chưa đề cập đến nội dung, về nguyên tắc, đây là một sự ủy quyền trái pháp luật. Thứ nhất, Sở GTVT có quyền chỉ đạo doanh nghiệp trực thuộc, nhưng không có quyền ủy quyền cho một doanh nghiệp thay mình làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Thứ hai, chỉ có giám đốc Sở mới có quyền ủy quyền (bằng văn bản) cho cấp dưới để thực hiện một nhiệm vụ gì đó, còn phó giám đốc Sở không có quyền này, mà ở đây phó giám đốc sở lại ủy quyền cho một doanh nghiệp thay mình làm công tác quản lý Nhà nước lại càng sai!

Theo Điều 13, Quyết định 4128/2001 của Bộ trưởng Bộ GTVT, Ban quản lý bến xe là cơ quan quản lý Nhà nước; nhân sự, biên chế của Ban quản lý bến xe do Sở GTVT thỏa thuận với Ban tổ chức chính quyền tỉnh trình UBND tỉnh quyết định. Không hiểu từ bao lâu nay, tại sao Sở GTVT không tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các Ban quản lý bến xe để đến nỗi nay phải ủy quyền cho một doanh nghiệp?

Cái tai hại hơn là nội dung của công văn ủy quyền này. Theo đó, Công ty cổ phần bến xe Bình Định có các thẩm quyền: 1- Kiểm tra việc thực hiện hành chính, lịch trình của xe, xác nhận số lượng khách và ngày, giờ xe rời bến, đến bến vào Sổ nhật trình chạy xe. 2- Kiểm tra giấy tờ xe, lái xe trước khi vào vị trí xếp khách. 3- Kiểm tra chấp hành thể lệ vận tải tại bến xe. 4- Yêu cầu đơn vị vận tải bố trí xe chạy thay thế để bảo đảm lịch trình vận tải khi có yêu cầu đột xuất. 5- Chủ trì, phối hợp kiểm tra, lập biên bản vi phạm chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Phạm vi mà Công ty cổ phần bến xe Bình Định thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền bao gồm các bến xe, trạm xe khách thuộc công ty quản lý và các trạm, điểm đón - trả khách (thực tế là các bến xe) ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh.

Căn cứ vào công văn ủy quyền này, giám đốc Công ty cổ phần bến xe Bình Định, trong 2 ngày 5-5 và 15-5 đã liên tiếp ra 2 văn bản hướng dẫn với giọng điệu của một “sếp lớn”, ra lệnh cho tất cả các trưởng bến, trưởng trạm, chủ nhiệm HTX vận tải trong toàn tỉnh phải thế này, phải thế nọ, phải chịu trách nhiệm trước giám đốc Công ty cổ phần bến xe Bình Định… Chúng tôi không có điều kiện để đưa hết nội dung của 2 Văn bản hướng dẫn này của giám đốc Công ty cổ phần bến xe Bình Định, nhưng toàn bộ nội dung của nó, tóm lại, là tất cả các xe khách liên tỉnh, nội tỉnh chạy về thành phố Quy Nhơn từ nay chỉ có một cửa duy nhất là phải đưa xe vào bến của Công ty cổ phần bến xe khách Bình Định!

Như vậy là sau khi đá quả bóng vào sân của Công ty cổ phần bến xe Bình Định, Sở GTVT đã trao luôn chiếc còi cho giám đốc công ty này. Đúng như quan điểm của Liên minh HTX Bình Định, sự ưu ái này của Sở đã tạo thế và lực cho Công ty Cổ phần bến xe Bình Định được độc quyền kinh doanh và bóp chết các doanh nghiệp khác, mà trực tiếp là HTX Bến xe khách Quy Nhơn. Điều này hoàn toàn sai trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là các thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng trước pháp luật.

Còn vì sao Sở GTVT ưu ái tạo điều kiện cho Công ty cổ phần bến xe Bình Định được độc quyền kinh doanh trong khi bến xe của công ty này đang xây dựng dở dang, chưa được phép đưa vào sử dụng (theo quy định tại Điều 11 và Điều 25 của Quyết định 4128/2001/QĐ- BGTVT)? Câu hỏi này xin dành cho Sở GTVT trả lời.

. Cao Năm

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những kết quả bước đầu  (06/06/2003)
Nghề bắt cua trên đầm Thị Nại  (05/06/2003)
Cần sớm làm sáng tỏ vụ việc  (04/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự nghiệp thống nhất đất nước  (03/06/2003)
Kinh nghiệm phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở Quy Nhơn  (02/06/2003)
Nỗi niềm Trà Ổ   (01/06/2003)
Vài nét về Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6  (30/05/2003)
Hành nghề y - dược tư nhân ở Tuy Phước sẽ đi vào nề nếp  (29/05/2003)
Làng gánh cá  (28/05/2003)
Những người bóc vỏ cây  (27/05/2003)
Nhìn từ một khu phố  (26/05/2003)
Phổ cập giáo dục THCS- Đích đến không còn xa  (26/05/2003)
Sở Giao thông Vận tải có chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động của HTX Bến xe khách Quy Nhơn?  (25/05/2003)
An cư cho hộ nghèo  (25/05/2003)
Rồi sẽ không còn người cơ nhỡ, xin ăn  (23/05/2003)