Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2003):
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc
15:48', 9/6/ 2003 (GMT+7)

Quảng trường Hồ Chí Minh tại TP Vinh (Nghệ An)

Sau chiến thắng Việt Bắc, Thu - Đông 1947, trước yêu cầu đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện đi đến thắng lợi hoàn toàn, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chính thức phát động cuộc vận động Thi đua ái quốc.

Mở đầu Lời kêu gọi, Bác viết:

Mục đích thi đua ái quốc là gì?

Diệt giặc đói khổ

Diệt giặc dốt nát,

Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là

Dựa vào

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân

Để gây

Hạnh phúc cho dân…

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác Hồ xuất phát từ chiều sâu truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc thấm đượm lòng yêu nước, chí quật cường của con người Việt Nam. Tinh thần quật cường là lực lượng vô tận của nhân dân và quân đội ta giàu lòng yêu nước, thương nòi là nền tảng, là cội rễ của Thi đua ái quốc. Từ cội rễ đó, sẽ đâm cành, nảy lộc, đơm hoa, kết trái "Kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công", "Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc…".

Bác Hồ cho rằng muốn nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân thì phải đưa họ vào các phong trào hành động cách mạng, phải làm cho "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến…". Bổn phận của mọi người dân Việt Nam, từ các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào công thương, đồng bào nông dân, đồng bào trí thức và chuyên môn đến nhân viên chính phủ, bộ đội và dân quân "ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc". Thi đua mang tính toàn dân, toàn diện, cả nước thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Thi đua làm cho tốt, làm cho mau, làm cho nhiều, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Xuất phát từ lực lượng của dân, tinh thần của dân. Thi đua ái quốc nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân "Toàn dân đủ ăn, đủ mặc (diệt giặc đói). Toàn dân biết đọc, biết viết (diệt giặc dốt). Toàn bộ đội đủ lương thực, đủ khí giới để diệt giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn".

Thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải thiết thực, liên tục, bền bỉ, sôi nổi, "phải ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt, mọi tầng lớp nhân dân". Thi đua không thể làm một cách hời hợt, chạy theo bề nổi, bề ngoài, mang tính hình thức mà phải đi vào chiều sâu, mang chở cả bề dày truyền thống yêu nước, quật khởi của dân tộc, vượt qua không gian, thời gian với một niềm lạc quan, tin tưởng "sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng".

*

Ngày nay, nhân dân ta đang bước vào thế kỷ 21, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm xưa của Bác Hồ "Hỡi toàn thể đồng bào! Hỡi toàn thể chiến sĩ! Tiến lên!" vẫn là Lời kêu gọi chúng ta hôm nay.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: "Tổ chức các phong trào nhân dân thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, gắn liền với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng địa phương và địa bàn dân cư".

Trên khắp mọi miền đất nước, từ đô thị đến nông thôn, miền núi, trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức chính trị - xã hội đang dấy lên sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp các phong trào thi đua lao động sáng tạo; môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng đời sống văn hóa; thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ xung kích; học sinh, sinh viên rèn đức, luyện tài; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền… Qua các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến… trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

. Hoài Nam

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sở Giao thông Vận tải Bình Định vừa đá bóng, vừa thổi còi   (08/06/2003)
Những kết quả bước đầu  (06/06/2003)
Nghề bắt cua trên đầm Thị Nại  (05/06/2003)
Cần sớm làm sáng tỏ vụ việc  (04/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự nghiệp thống nhất đất nước  (03/06/2003)
Kinh nghiệm phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở Quy Nhơn  (02/06/2003)
Nỗi niềm Trà Ổ   (01/06/2003)
Vài nét về Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6  (30/05/2003)
Hành nghề y - dược tư nhân ở Tuy Phước sẽ đi vào nề nếp  (29/05/2003)
Làng gánh cá  (28/05/2003)
Những người bóc vỏ cây  (27/05/2003)
Nhìn từ một khu phố  (26/05/2003)
Phổ cập giáo dục THCS- Đích đến không còn xa  (26/05/2003)
Sở Giao thông Vận tải có chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động của HTX Bến xe khách Quy Nhơn?  (25/05/2003)
An cư cho hộ nghèo  (25/05/2003)