|
Lò đốt rác thải y tế tại bệnh viện chuyên khoa Lao Bình Định |
Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế ở Bình Định đã đi vào hoạt động có nề nếp và đạt được những thành công đáng kể. Qua kiểm tra, Bộ Y tế đã đánh giá cao và công nhận là tỉnh đã đạt được "ba nhất" so với 25 cụm bệnh viện trong cả nước. Đó là: quy mô và địa bàn rộng nhất, khối lượng rác y tế được xử lý nhiều nhất, hiệu quả hoạt động cao nhất.
Chất thải rắn y tế thường phát sinh từ hoạt động khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, nghiên cứu, xét nghiệm. Đó là các loại bơm - kim tiêm, lọ đựng thuốc, túi đựng máu, bệnh phẩm, băng gạc thấm máu của người bệnh, xác gia súc qua thí nghiệm và các bộ phận cơ thể người bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Chất thải nhiễm khuẩn có chứa khoảng trên 1.000 loại vi khuẩn, 200 loại virút, khi xâm nhập vào cơ thể do ăn phải (không rửa tay trước khi ăn), hít phải, hoặc qua niêm mạc mắt, qua các vết da bị nứt nẻ, vết thương, vết xuyên thủng da do vật sắc nhọn sẽ gây nhiễm khuẩn mắt, nhiễm khuẩn hô hấp, đường tiêu hóa và có nguy cơ lây nhiễm virut HIV, viêm gan siêu vi, uốn ván, bại liệt…
Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế và Công ty Tư vấn BURGEAP (Cộng hòa Pháp) được tiến hành tại 14/17 bệnh viện trong tỉnh vào tháng 6-2002 cho thấy: lượng rác thải y tế trung bình trên toàn tỉnh ước khoảng 175kg/ngày, trong đó 9 cơ sở y tế tuyến huyện là 90kg và 85 kg ở 5 cơ sở tuyến tỉnh. Do tình trạng quá tải bệnh nhân thường xảy ra ở các bệnh viện nên lượng rác thải ngày càng tăng.
Trước tình trạng chất thải rắn được giải quyết bằng phương pháp thủ công (thiêu đốt trong lò ở nhiệt độ thấp hoặc chôn lấp) không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh; được sự giúp đỡ của Bộ Y tế và các ban ngành có liên quan, Sở Y tế đã sử dụng vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Áo, lắp đặt lò đốt HOVAL-MZ4 tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao với tổng kinh phí ước khoảng 2,5 tỉ đồng. Lò hoạt động theo công nghệ đốt đa vùng (Thụy Sĩ) vận hành bằng điện, đốt bằng dầu DO được phun trong lò ở dạng sương mù ở nhiệt độ đạt gần 1.2000C, có thiết bị làm sạch khí thải và theo dõi phát xạ. Sau khi xử lý xong, bụi tro rất ít nên qua sàng lọc chuyển đến nơi cuối cùng không bay phát tán vào không khí. Với công suất 300kg/ngày, lò đốt phục vụ cho gần 2.200 giường bệnh (chiếm tỉ lệ 85,6% so với giường bệnh toàn tỉnh).
Tính từ cuối năm 2001 đến nay, lò đốt đã xử lý được 42.000kg rác thải của 18 cơ sở y tế, mức độ trung bình trong ngày từ 100 đến 120 kg. Nhằm nâng cao chất lượng quản lý đến từng cơ sở, ngành Y tế đã tiến hành thực hiện nhiều biện pháp như: mở rộng tuyến thu gom chất thải rắn y tế gần 100 km từ TP Quy Nhơn đến địa bàn huyện Hoài Nhơn, tiến hành triển khai công tác thu gom bằng xe gắn máy ở các Trạm y tế xã, phường, cơ sở hành nghề y tế tư nhân, y học cổ truyền; thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ thu gom, xử lý và đặc biệt chú trọng đến chế độ lao động cấp phát mũ nhựa, găng tay, mặt nạ phòng độc.
Quản lý và xử lý chất thải y tế đạt chất lượng và hiệu quả cao không chỉ là công việc ở bệnh viện mà phải có sự kết hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nhất là với Công ty Môi trường đô thị và có sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội. Làm tốt công tác xử lý chất thải rắn y tế là bảo vệ sức khỏe cho người thầy thuốc, bệnh nhân, nhân viên y tế, cộng đồng, đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường trong sạch và làm đẹp cảnh quan của bệnh viện.
. Minh Quân
|