Nghề đãi sạn ở xóm chài Hòa Lạc
16:15', 10/6/ 2003 (GMT+7)

Ở thôn Hòa Lạc xã Bình Tường (Tây Sơn), có một xóm nhỏ nằm ven sông Đồng Hưu. Từ lâu lắm, nhân dân trong xóm đã làm nghề chài lưới nên ở đây có tên gọi là xóm Chài. Từ khi nguồn tôm cá trên sông cạn kiệt (khoảng những năm 1980), dân trong vùng mới chuyển sang làm nghề đãi sạn vật liệu xây dựng.

Anh Thái, người đầu tiên ở xóm Chài làm nghề đãi sạn từ năm 1983, cho biết: "Nghề đãi sạn không phân biệt trai hay gái, miễn có sức là làm được". Vợ chồng Thái đều bám lấy cái nghề này làm kế sinh nhai. Ngày ngày, mỗi người một chiếc ghe và một cái rổ sảo chia nhau đi làm. Mùa cạn là lúc rộ nhất của nghề đãi sạn. Tuy lắm vất vả, phải luôn dầm mình trong nước dưới trời nắng nóng, nhưng sau mỗi buổi làm, hai vợ chồng cũng kiếm được gần cả khối đá, bán được 60-70 nghìn đồng. Thái cho hay: "Gia đình có làm mấy đám ruộng, nuôi mấy con heo nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Mình sửa nhà rồi mua xe máy gần 30 triệu đồng, cũng từ đãi sạn mà có".

Thái có một đứa cháu trai tên là Dũng – con người anh ruột. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng khác, Dũng phải sống với bà nội, lớn lên lấy vợ, Dũng nối nghiệp chú mình làm nghề đãi sạn. Ở tuổi sức dài vai rộng, một ngày hai vợ chồng bươn chải trên sông đãi cũng được trên hai khối đá, bán trên trăm nghìn đồng. Mỗi năm, từ công việc này, Dũng kiếm được mười mấy triệu đồng.

Tôi được biết, ở xóm Chài này có 13 hộ làm nghề đãi sạn. Hộ đông người sắm 3-4 chiếc ghe để làm. Những chiếc ghe đan bằng nan tre trước đây giờ đã được đóng bằng tôn để kéo dài thời gian sử dụng. Những người "thâm niên" trong nghề này ở đây, ngoài Thái có thể kể đến các anh Lộc, anh Ba Tàu, anh Năm Cường. Anh Năm Cường vốn là dân xóm Đồng, do hoàn cảnh gia đình phía vợ đơn chiếc, nên về đây sinh sống bằng nghề đãi sạn. Từ nghề này, vợ chồng anh có điều kiện xây dựng lại nhà cửa, nuôi con ăn học, mua sắm phương tiện đi lại.

Trong vài năm gần đây, nhu cầu xây dựng ngày một tăng, những người làm nghề đãi sạn ở xóm Chài không chỉ đem đá sỏi về chất đống bên sông rồi chờ người tới mua, mà họ còn có "đơn đặt hàng". Để đáp ứng kịp thời và tiết kiệm trong khâu vận chuyển, họ đến nơi khúc sông gần khách hàng nhất để đãi sạn. Trừ những tháng mưa, những người ở xóm Chài luôn quanh năm lặn lội trên sông nước để đãi cát tìm sạn… Cứ thế, hơn 20 năm qua, nghề đãi sạn trên sông là nghề thứ 2, sau làm ruộng, lo cơm áo cho cuộc sống hàng ngày của cư dân xóm Chài.

. Khánh Linh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xử lý chất thải rắn y tế: Đã an toàn hơn  (10/06/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc  (09/06/2003)
Sở Giao thông Vận tải Bình Định vừa đá bóng, vừa thổi còi   (08/06/2003)
Những kết quả bước đầu  (06/06/2003)
Nghề bắt cua trên đầm Thị Nại  (05/06/2003)
Cần sớm làm sáng tỏ vụ việc  (04/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự nghiệp thống nhất đất nước  (03/06/2003)
Kinh nghiệm phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở Quy Nhơn  (02/06/2003)
Nỗi niềm Trà Ổ   (01/06/2003)
Vài nét về Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6  (30/05/2003)
Hành nghề y - dược tư nhân ở Tuy Phước sẽ đi vào nề nếp  (29/05/2003)
Làng gánh cá  (28/05/2003)
Những người bóc vỏ cây  (27/05/2003)
Nhìn từ một khu phố  (26/05/2003)
Phổ cập giáo dục THCS- Đích đến không còn xa  (26/05/2003)