Đến với khu nhà rầm Quy Nhơn
16:20', 11/6/ 2003 (GMT+7)

Một góc khu nhà rầm ở phường Hải Cảng

Người dân ở đây quen gọi những ngôi nhà trên cọc là nhà rầm. Đó là ngôi nhà cất trên mặt nước, có sàn bằng gỗ, khi đi trên đó có tiếng kêu "rầm, rầm…". Cũng có cách giải thích khác, sàn loại nhà này như rầm nhà (trần nhà bằng gỗ), nên gọi nhà rầm.

* Lịch sử… nhà rầm

Ở Quy Nhơn hầu như chỉ có phường Hải Cảng là còn nhà rầm. Hiện trên địa bàn phường có gần 400 căn, chủ yếu tập trung ở các khu vực (KV): 2, 3, 5, 7, 8 và 10. Ông Võ Ngọc Phách, cán bộ địa chính phường, cho biết: "Vậy là giảm 1/3 rồi đó, trước có đến gần 600 ngôi nhà. Sau vụ cháy nhà rầm (KV7) năm 1998, có trên 120 hộ bị thiêu rụi. Thành phố, tỉnh không cho cất lại mà tạo điều kiện để họ tái định cư ở nam sông Hà Thanh (phường Đống Đa). Cũng từ đó thành phố không cho những người tách hộ cất nhà rầm lấn ra biển nữa". Ông Phách cho biết thêm: Giai đoạn 2, dự án đường Xuân Diệu mới khởi công, đoạn đi qua địa bàn phường khoảng trên 1km (từ Đinh Bộ Lĩnh đến mũi Tấn) có khoảng 150 hộ nhà rầm (chủ yếu ở 2 KV 7 và 8) trong tổng số hơn 500 hộ của phường phải giải tỏa, di dời.

Dân nhà rầm sống ở đây khá lâu, từ trước năm 1975. Để tránh bom đạn, chiến tranh, một bộ phận dân ngoại thành di cư về đây. Không có đất họ cất tạm nhà sàn trên bãi cát, trên mặt nước đầm, nước biển sống tạm. Dần dần hình thành khu nhà rầm. Sau giải phóng, một số người về quê, số còn lại quen với nghề biển, mua gánh bán bưng sống đến nay. Hầu hết dân nhà rầm sống ở mức nghèo. Nghề của họ chủ yếu đi ghe, đi bạn, làm chồ, rớ, đón đáy, khai thác hải sản ven bờ. Có người làm thuê, vác mướn, sống gắn với chợ cá của phường.

Từ đường Trần Hưng Đạo, muốn xuống khu nhà rầm KV 7, 8 ven biển phải luồn lách qua khá nhiều con hẻm hẹp, ngoằn ngoèo chỉ vừa chiếc xe máy. Đây là bãi cát ven biển được con người xây cất nhà trên đó và dần dần trở thành khu dân cư. Đến khu mé nước thấy toàn cọc là cọc. Những chiếc cọc gỗ to nhỏ khác nhau được cắm sâu vào lòng đất. Trên đó là những ngôi nhà sàn đủ kiểu, đủ dáng. Nhà lát sàn ván; vách bằng cót ép, tôn rách chắp nối, hay bằng các tông… Có nhà bên trên lợp ngói, nhưng đa số lợp tôn cũ tạm bợ. Nhà này liền vách nhà kia và nối với nhau bởi những con đường cũng bằng những tấm ván gập ghềnh. Muốn vào sâu trong xóm nhà rầm, phải len lỏi, lách mình qua những con đường như vậy.

Ông Phan Duy Chất (KV7) cho biết: Để làm một ngôi nhà rầm "ở được" cũng phải mất 4 cây vàng. Chủ yếu là tiền mua gỗ. Trụ cọc phải chọn gỗ có tẩm dầu rái, gỗ Màng lin hay Sao xanh để lâu mục. Muốn đóng trụ phải chờ nước ròng, rồi thuê ghe dùng bơm áp suất lớn, thổi cát đến đâu, cho cọc xuống tới đó. Nhà ông làm trụ bằng gỗ Màng lin, chắc chắn là vậy mà con hà biển bám lâu ngày cũng hỏng. Hầu như năm nào cũng phải tu bổ. Nhà ông Chất ngoài cùng mé nước, mùa này biển lặng mà ngôi nhà cũng rung rinh theo từng con sóng. Được cái là gió nồm mang theo hơi nước vào nhà xua tan cái oi nồng mùa nắng nóng.

* Nguy cơ nhà rầm

Mùa mưa bão, ông Chất phải thường xuyên nghe đài, phải ngóng theo từng tiếng sóng gầm của biển, từng hơi oi nồng, đụn mây trên bầu trời… để chuẩn bị đối phó với thiên tai. Và khi có bão, ông chỉ mang theo đồ đạc gọn nhẹ vào ở nhờ nhà quen trong phố cho an toàn. Nhà thì ông đóng cửa, giao cho "hà bá". Năm 2000 bão đánh sập một góc nhà, ông phải sửa lại gần chục triệu đồng. Không riêng gì gia đình ông Chất, mà tất cả hộ nhà rầm đều làm như vậy cả. Mùa mưa bão họ sống trong lo âu, nơm nớp. Ông Huỳnh Ngọc Á (KV trưởng KV8) cho biết: Đến mùa mưa bão, chúng tôi phải túc trực ngày đêm, kịp thời vận động bà con di tản khi báo bão. Nhờ vậy trận bão năm 2000 di tản kịp nên không ai bị gì".

Hỏa hoạn cũng là nỗi lo thường trực của dân nhà rầm. Cũng theo ông Á và một số người lớn tuổi cho biết: Khu nhà rầm này đã từng bị hỏa hoạn 2 lần vào năm 1973 và 1993 làm cho nhiều người mất hết nhà cửa, tài sản. Một số người bỏ đi nhưng do quen với nghề biển nên về lại. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy nhà rầm kinh hoàng năm 1998 (ở KV7, phía bến cá Hàm Tử) làm cho trên 120 hộ mất hết nhà cửa, tài sản. Sau vụ này TP Quy Nhơn kiên quyết không cho cất nhà rầm lại mà dời họ đến nam sông Hà Thanh để ở.

* Còn đó những khó khăn

Phường Hải Cảng còn gần 400 hộ nhà rầm. Tuy vất vả nhưng họ quen sống gắn bó với nghề cũ, nên không dễ chấp nhận đến nơi ở mới. Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch phường, cho biết: "Bà con ai cũng biết di dời để làm cho thành phố sạch, đẹp, nhưng họ lo đến nơi ở mới không có việc làm phù hợp. Phường phải vận động giải thích để bà con hiểu. Đang phát tờ khai, đo đạc, chuẩn bị áp giá đền bù". Bà Lê Thị Lem (KV8) người chuyên mua bán chế biến cá, mắm nói: "Ở đây, chúng tôi sống nhờ chợ cá nên đi nơi nào cũng phải có nghề này để sống…"

Sẽ đến một lúc nhà rầm không còn, nhường chỗ cho những bãi biển sạch đẹp, phục vụ cho nhu cầu vui chơi, tắm biển của mọi người và hơn hết là vì mỹ quan đô thị. Nhưng trước mắt, sự tồn tại của nó với bao khó khăn phức tạp là điều không thể không quan tâm.

. Hoàng Lân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề đãi sạn ở xóm chài Hòa Lạc  (10/06/2003)
Xử lý chất thải rắn y tế: Đã an toàn hơn  (10/06/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc  (09/06/2003)
Sở Giao thông Vận tải Bình Định vừa đá bóng, vừa thổi còi   (08/06/2003)
Những kết quả bước đầu  (06/06/2003)
Nghề bắt cua trên đầm Thị Nại  (05/06/2003)
Cần sớm làm sáng tỏ vụ việc  (04/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự nghiệp thống nhất đất nước  (03/06/2003)
Kinh nghiệm phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở Quy Nhơn  (02/06/2003)
Nỗi niềm Trà Ổ   (01/06/2003)
Vài nét về Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6  (30/05/2003)
Hành nghề y - dược tư nhân ở Tuy Phước sẽ đi vào nề nếp  (29/05/2003)
Làng gánh cá  (28/05/2003)
Những người bóc vỏ cây  (27/05/2003)
Nhìn từ một khu phố  (26/05/2003)