Chuyện người đàn bà xóm Núi
16:32', 18/6/ 2003 (GMT+7)

Ngày qua ngày, mấy bận đi về xóm Núi có một người đàn bà dáng hao gầy, mặt bịt kín một chiếc khăn lớn, nên ít ai biết được người ấy bao nhiêu tuổi. Ban ngày, chị đi bán vé số. Đêm đêm, chị là một thành viên tích cực của Hội đồng đẳng, một công việc không phải ai cũng làm được.

Khó ai có thể tin được người phụ nữ ấy từng là một giáo viên dạy giỏi bậc trung học cơ sở, một thời hương sắc, là nỗi ước mơ của nhiều chàng trai. Nhưng có phải vì "hồng nhan bạc phận", mà người phụ nữ ấy qua một lần bị thất bại trong tình yêu, rồi đã phải đánh đổi cả tương lai của mình cho những suy nghĩ nông cạn.

Mây, ngày xưa là hoa khôi của một trường phổ thông trung học ở thành phố biển Quy Nhơn. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Mây về phố núi Plây-ku dạy học. Xinh tươi, yêu nghề, Mây tự tin bước vào đời. Năm thứ hai trong nghề, Mây đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện (thị xã), lại tham gia công tác Đoàn sôi nổi nên được học sinh, nhiều đồng nghiệp nam ngưỡng mộ.

Khi yêu, người ta thường hay đặt tình cảm lên trên lý trí. Mây đã yêu một người rất điển trai, là người Đà Nẵng thường lên Plây-ku buôn bán hàng. Suốt hai năm yêu nhau, Mây đã trao gởi tất cả cho người mình yêu, mà không hề nghi ngại điều gì, không cần biết điều gì có thể và sẽ xảy ra. Thậm chí, Mây còn chưa biết quan hệ gia đình, nhà cửa và quá khứ của người yêu ra sao. Ai ngờ, đó lại là một Sở Khanh. Mặc dù Mây đã chủ động giải quyết hậu quả nhưng thật tai ác, gã đã để lại bệnh giang mai cho Mây.

Mây không mặt mũi nào để giảng dạy và sinh hoạt ở trường mình nữa. Quá suy sụp về tinh thần lẫn thể xác, Mây như con chim non bị gãy cánh giữa dông gió cuộc đời. Bế giảng năm học, Ban giám hiệu nhà trường hết sức ngỡ ngàng khi nhận đơn xin nghỉ việc của Mây. Đồng nghiệp, bạn bè thân thiết của Mây đã hết lời khuyên can nhưng không có kết quả.

Nhiều năm sau, một vài người quen thoáng thấy được Mây với hình hài diêm dúa, mặt nặng phấn son, lai vãng ở những tụ điểm mà người đứng đắn không dám đến. Sau 2 lần vào Trung tâm phục hồi với diện 05 (mại dâm), Mây ngày nào bây giờ ít ai nhận ra. Nhờ sự cảm hóa, lòng bao dung và trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ quản giáo của Trung tâm, Mây đã quyết tâm làm lại cuộc đời mình. Trong thời gian học tập ở Trung tâm, Mây đã yêu Trường, một học viên thuộc diện 06 (ma túy), đã nhiễm HIV. Khi sắp được trở về với cuộc sống bình thường, hai người đã báo việc kết hôn với nhau cho Trung tâm. Ban đầu nhiều người khuyên can, vì ái ngại cho Mây, nhưng thấy Mây rất quyết tâm và trình bày cách phòng chống lây nhiễm hợp lý, nên mọi người đều chúc cho hai người hạnh phúc trong thời gian còn lại của cuộc đời.

Ở ngoại ô thành phố, trên triền núi cao, là một xóm nghèo có một số hộ định cư không hợp pháp ở đây, trong đó ngôi nhà nhỏ (chưa đến 10 m2, bằng vật liệu tận dụng) của vợ chồng Trường - Mây. Không ai biết nguồn gốc của vợ chồng Mây, bởi ai cũng lo lam lũ đánh vật với miếng cơm manh áo. Họ chỉ biết đôi vợ chồng ấy cũng nghèo như mình, mới đến xóm Núi này sinh sống. Ban ngày, Mây bán vé số, tối đến chị bí mật đi vào các hang ổ mãi dâm để thực hiện công việc của một hội viên Hội đồng đẳng (phát dụng cụ chống lây nhiễm qua đường tình dục). Còn Trường thuê xe xích- lô đạp để góp thêm khoản thu nhập nhỏ bé cho gia đình. Họ ước mơ sẽ dành dụm dựng lại ngôi nhà cho đỡ rách nát hơn, mua sắm một vài vật dụng phục vụ sinh hoạt cho tiện hơn, nhất là mua được một chiếc xích- lô, để ngày ngày Trường được làm chủ nó trong kế sinh nhai.

Nhìn thấy những đứa trẻ trong xóm ít được học hành, Mây ngậm ngùi nhớ trường, nhớ một thời dạy học mà nước mắt chảy ròng. Mây cũng muốn có một đứa con nhưng nghĩ đến đó nước mắt Mây lại ứa ra. Mây đã mở lớp dạy kèm và xóa mù cho trẻ em nghèo trong xóm, miễn học phí cho những em gia đình đặc biệt khó khăn, số còn lại tùy lòng hảo tâm và khả năng của phụ huynh; cuộc sống của Mây nhờ đó mà có ý nghĩa dần lên, xuân sắc dần được cải thiện.

Nhưng sức khỏe của Trường thì ngày một giảm dần, những cuốc xe trong ngày đã vắt kiệt sức lực. Thương Trường quá, Mây khuyên Trường thôi không đạp xe nữa, nghỉ dưỡng sức, để một mình Mây xoay sở. Không có việc làm, lại thường trực thần chết trong người, không biết sự tồn tại của mình còn đến bao giờ, cảm thấy cuộc sống ngày một thừa thãi và nặng nợ cho Mây, Trường ngày một khó tính, than đời. Thương chồng, một lần Mây đã nảy sinh ý định "chết người", khi gần gũi với chồng chị không sử dụng bao cao su để chống lây nhiễm! Mây có ý định cùng chia sẻ với Trường, cùng Trường đối mặt với thần chết, động viên Trường yêu đời để kéo dài cuộc sống. Biết được tình cảnh khó khăn của vợ chồng Mây, có người bạn tốt đã mua tặng Trường một chiếc xích- lô cũ, nhưng Trường chưa kịp sử dụng thì đã đột ngột ra đi.

Mấy năm trôi qua, mộ của người chết đã yên, bên hiên một ngôi nhà nhỏ trên xóm Núi vẫn còn một chiếc xích-lô cũ kỹ. Một người đàn bà vẫn âm thầm sống, vẫn sáng-tối hai lần đi về xóm Núi.

Người đàn bà ấy vẫn chưa đến cơ sở y tế một lần nào từ khi chồng chết.

. Ngọc Diên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đem Luật Hôn nhân và Gia đình về làng K8   (17/06/2003)
Đã nâng cao được nhận thức, hành động trong phụ nữ về tài nguyên và môi trường  (16/06/2003)
Nhìn lại một mùa thi  (15/06/2003)
Những kết quả bước đầu trong công tác xây dựng chi bộ quân sự xã, thị trấn ở An Nhơn  (13/06/2003)
Các cơ quan chức năng nói gì về "sự cố 8 tấn cá nóc" ?  (12/06/2003)
Đến với khu nhà rầm Quy Nhơn  (11/06/2003)
Nghề đãi sạn ở xóm chài Hòa Lạc  (10/06/2003)
Xử lý chất thải rắn y tế: Đã an toàn hơn  (10/06/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc  (09/06/2003)
Sở Giao thông Vận tải Bình Định vừa đá bóng, vừa thổi còi   (08/06/2003)
Những kết quả bước đầu  (06/06/2003)
Nghề bắt cua trên đầm Thị Nại  (05/06/2003)
Cần sớm làm sáng tỏ vụ việc  (04/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự nghiệp thống nhất đất nước  (03/06/2003)
Kinh nghiệm phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở Quy Nhơn  (02/06/2003)