|
Đại diện Công an tỉnh thăm một hộ tiêu biểu trong phòng trào bảo vệ an ninh tổ quốc tại Vĩnh An (Tây Sơn) |
Vừa qua, liên ngành: Công an, Kiểm sát, Hải quan, Biên phòng, Quân sự và Kiểm lâm Bình Định đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm (1992 - 2002) thực hiện Thông tư liên ngành số 03/LN ngày 15-5-1992 về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm. Kết quả hoạt động cho thấy công tác phòng, chống tội phạm ở Bình Định đã có những dấu hiệu đáng mừng.
Là một tỉnh duyên hải Nam - Trung bộ với địa hình khá phức tạp vì những đầu mối giao thông quan trọng như đường sắt xuyên Việt, Quốc lộ 1 A, Quốc lộ 19, cảng biển Quy Nhơn… nên Bình Định được coi là địa phương có tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra khá cao. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, mỗi năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trên 1.500 vụ phạm pháp hình sự. Sau khi Thông tư 03/LN được ban hành, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết về những nội dung trong Thông tư, coi đây là cơ sở pháp lý để phân định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo và tố giác tội phạm. Để việc thực hiện Thông tư có kết quả, định kỳ hàng năm các ngành liên quan đã tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá kịp thời việc phối hợp thực hiện Thông tư, từ đó rút ra những kết quả đạt được và những thiếu sót cần khắc phục, rút kinh nghiệm cho hoạt động năm sau.
Bên cạnh đó, hàng năm các cơ quan còn thành lập tổ kiểm tra để thanh - kiểm tra các đơn vị trực thuộc và cấp huyện, thành phố trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác về tội phạm. Việc tiếp nhận cũng như xử lý những tin báo được các cơ quan hoàn thành nhanh chóng; hàng tuần đều cung cấp tin cho Viện Kiểm sát; nhiều tin báo đã được điều tra xử lý kịp thời, đảm bảo đúng người, đúng tội. Qua đó nhiều vụ trọng án được tập trung lực lượng điều tra, truy tố, xét xử nhanh, đáp ứng được yêu cầu của công luận và tình hình chính trị địa phương…
Điển hình là vụ án vận chuyển, buôn bán hàng cấm xảy ra vào ngày 10-6-1999 tại Trạm Kiểm soát giao thông đèo Cù Mông thuộc phường Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn). Tại đây lực lượng Quản lý thị trường cùng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh đã phối hợp kiểm tra và phát hiện xe ôtô 79H-3687 chở 9.998 gói thuốc lá ngoại. Ngay sau đó, vụ án đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra tập trung lực lượng điều tra và sau 2 tháng kết thúc, chuyển Viện Kiểm sát truy tố, đến tháng 10-1999 vụ án được đưa ra xét xử. Hoặc vụ cướp tài sản, hiếp dâm xảy ra vào lúc 21 giờ 30 ngày 19-11-2000 do các tên Trần Hữu Quang, Lê Tạo, Bùi Thanh Toàn thực hiện. Sau khi uống rượu, bọn chúng bàn nhau đi cướp tài sản và đã đến khu đất trống D3 thuộc phường Nguyễn Văn Cừ (Quy Nhơn), dùng mảnh chai để khống chế anh N.V.U và chị L.T.D để chiếm đoạt tiền, vàng rồi sau đó thay nhau hãm hiếp. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát điều tra Công an tỉnh và TP. Quy Nhơn đã truy bắt tên Quang và đồng bọn. Chỉ sau 2 tháng, vụ việc đã được đưa ra ánh sáng…
Kết quả trong những năm qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 29.398 tin báo, tố giác về tội phạm, qua đó đã khởi tố hình sự 5.942 vụ. Trong đó, Công an tiếp nhận hơn 13.200 tin, Kiểm lâm tiếp nhận 11.200 tin, Bộ đội Biên phòng tiếp nhận 2.585 tin. Đại tá Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Có được kết quả trên, trước hết là do lãnh đạo liên ngành đã nhận thức đúng và thường xuyên chỉ đạo công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Giữa các cơ quan chức năng có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Thông tư 03/LN. Bên cạnh đó, trình độ dân trí và sự hiểu biết về pháp luật của công dân cũng đã được nâng cao. Và sự phối hợp cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường…".
Kết quả đó cũng là "bàn đạp" cho công tác phòng, chống tội phạm ở Bình Định trong thời gian tới mang lại hiệu quả cao hơn.
. Anh Tú
|