Truyền thống gia đình xưa và nay
16:11', 26/6/ 2003 (GMT+7)

Trong ngôi nhà người Bình Định xưa. (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Tập quán dân tộc Việt Nam từ xưa đã luôn lấy tiêu chí đạo lý làm đầu. Mục tiêu phấn đấu của người đàn ông trong thời phong kiến nước ta coi "tề gia" là điều kiện tiên quyết để "an cư", sau đó mới có thể tham gia vào công việc xã hội và đất nước. Vì vậy, trước hết vẫn phải xây dựng cho mình một gia đình trong ấm ngoài êm, kính trên nhường dưới, vợ chồng hòa thuận. Nói cách khác, người thanh niên phải tự tạo dựng cho bản thân một vị trí trong gia đình, sau đó mới tính đến chuyện công danh xã hội. Người Việt Nam thường quan niệm rằng, giàu sang phú quý nhưng gia đình thiếu hòa thuận, kỷ cương, anh em bất hòa là gia đình đáng khinh, bị người đời cười chê. Vì thế, những gia đình nào đó đang bị "tai tiếng", dư luận xóm làng chê trách, khinh ghét thì dù có giàu sang, chức tước vẫn không được tôn trọng. Thậm chí có khi tình trạng trên kéo dài hàng vài ba thế hệ con cháu mới xóa dần những thành kiến. Tục ngữ dân tộc ta có câu: "Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" là một thực tiễn đáng suy ngẫm ở mọi thời đại. "Bia miệng" có một ảnh hưởng vô cùng lâu dài, nó đã góp phần khống chế, ngăn ngừa thói vô đạo đức của con người, đồng thời duy trì thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và từng gia đình Việt Nam nói riêng.

Hầu hết các bậc cha mẹ ngày trước đều răn dạy con cái phải biết sống đạo đức, "đói cho sạch, rách cho thơm", "giấy rách cũng phải giữ lấy lề".

Vợ chồng được người xưa coi là "đạo phu thê" - đây là một trong những quy phạm đạo đức vô cùng đặc biệt trong đời sống tình cảm con người. Vợ chồng phải sống gắn bó, thủy chung đến "đầu bạc răng long". Cuộc sống của vợ chồng ngày xưa thường suốt đời lo gánh vác, vun xới hạnh phúc cho gia đình và nuôi dạy con cái thành người. Những bậc cha mẹ ở vùng nông thôn nước ta xưa nay đều có tâm lý chung là chấp nhận cuộc sống vất vả, khó nhọc, sẵn sàng hy sinh đời mình để lo cho con cái từ lúc ấu thơ đến khi dựng vợ gả chồng. Đây cũng chính là thước đo chủ yếu của các bậc cha mẹ trong gia đình Việt Nam. Các bậc cha mẹ thời phong kiến thường nhường lại quyền hành cai quản gia đình cho người con trưởng khi tuổi mình đã xế chiều. Quyền trưởng nam là một nguyên tắc có từ ngàn đời nay, nó tồn tại phổ biến đến mức đã trở thành một trong những điều trọng yếu của gia đình truyền thống. Có thể nói, việc dạy con trong gia đình ngày xưa phần lớn theo phương pháp mệnh lệnh, gia trưởng. Điều đó ngày nay hoàn toàn không còn được xã hội chấp nhận bởi vì trong thực tế những gia đình hòa thuận, con cái lớn khôn, thành đạt thường là các gia đình có lối sống tự giác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những gia đình này rất ít sử dụng phương pháp mệnh lệnh, gia trưởng lấn át tình cảm giữa các thành viên với nhau.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng mô hình gia đình văn hóa do Đảng đề xướng, mỗi gia đình Việt Nam đang có những đổi thay về cơ bản so với gia đình truyền thống trước đây. Trong mỗi gia đình thời hiện đại, vợ chồng được bình đẳng với nhau. Cha mẹ và con cái có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trên cơ sở ràng buộc của luật pháp Nhà nước. Không còn tồn tại cơ chế gia trưởng, phương pháp bạo lực trong gia đình. Con cái phải tôn trọng cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng không được làm nhục con cái. Pháp luật không thừa nhận quyền trưởng nam, mà mọi người con trong gia đình đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau đối với gia đình và xã hội.

Yếu tố cơ bản của gia đình phương Đông nói chung và gia đình Việt Nam nói riêng kể cả xưa và nay đều rất tôn trọng tình ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc. Tinh thần truyền thống đó chính là cơ sở để duy trì và phát huy các mối quan hệ cư xử tốt đẹp trong đời sống hiện đại ngày nay. Đó cũng là cái gốc rễ để chúng ta xây dựng thành công mô hình gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.

. Tú Ân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân  (25/06/2003)
Xóm "Lò Heo" đã bình yên  (24/06/2003)
Để đi vào chiều sâu  (23/06/2003)
Gắn việc lãnh đạo phát triển kinh tế với xây dựng Đảng  (23/06/2003)
Hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tội phạm  (22/06/2003)
Góp phần đổi mới diện mạo thành phố  (20/06/2003)
Để báo Bình Định ngày thêm hấp dẫn bạn đọc  (19/06/2003)
Chuyện người đàn bà xóm Núi  (18/06/2003)
Đem Luật Hôn nhân và Gia đình về làng K8   (18/06/2003)
Đã nâng cao được nhận thức, hành động trong phụ nữ về tài nguyên và môi trường  (16/06/2003)
Nhìn lại một mùa thi  (15/06/2003)
Những kết quả bước đầu trong công tác xây dựng chi bộ quân sự xã, thị trấn ở An Nhơn  (13/06/2003)
Các cơ quan chức năng nói gì về "sự cố 8 tấn cá nóc" ?  (12/06/2003)
Đến với khu nhà rầm Quy Nhơn  (11/06/2003)
Nghề đãi sạn ở xóm chài Hòa Lạc  (10/06/2003)