|
Ông Tài dắt trâu đi cày thuê |
Một người nông dân 62 tuổi nhưng đã có 46 năm làm nghề cày thuê và gầy dựng nên cả một cơ nghiệp từ nghề này. Những dáng nét rất chung của người nông dân Bình Định: chất phác, cần kiệm và yêu đến say mê đồng đất quê hương mình, ta đều có thể bắt gặp ở ông.
1. Đêm hãy còn sâu, đã thấy ông Tài trở dậy. Khom lưng bước nhanh vào nhà bếp, ông sờ soạng trong bóng tối, móc ra bộ quần áo đã cũ sờn, khoác vội lên người, rồi bước vội ngoài sân. Mùi đất ẩm ngai ngái xộc vào mũi. Ông Tài bước vội về phía chuồng trâu. Con trâu khục khịt mũi vài cái để đánh hơi thấy mùi mồ hôi muối quen thuộc. Ông đưa bàn tay vỗ nhẹ lên cái cổ vươn dài của con trâu, rồi lần sợi dây thừng. Con vật lững thững ra khỏi cửa chuồng, bốn móng vỗ lộp bộp trên nền đất vương đầy rơm rạ, trong dáng điệu như có chút lừng khừng, nửa như hãy còn ngái ngủ, nửa như tỏ ý phật lòng: sao hôm nào ông cũng lôi nó đi cày quá sớm.
Cái hình dáng một con người cao gầy, cùng với chú trâu cày lững thững trên những con đường đẫm sương, đã trở nên quá quen với người dân thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn từ 46 năm nay. Đấy cũng là chính là quãng thời gian ông gắn bó với một nghề đặc biệt: nghề cày thuê.
2. Ông Tài, ấy là người ta gọi theo cái tên của con trai ông, còn tên khai sinh của ông, chính ra là Nguyễn Văn Hương. Năm nay đã 62 tuổi, ông tâm sự là đã bắt đầu cái nghề cày thuê từ năm 16 tuổi, và vẫn còn miệt mài với những thửa ruộng ngày vỡ đất cho mãi đến giờ.
Nguyên cớ đầu tiên để ông bắt đầu vào nghề này cũng thật đặc biệt. Ông tâm sự: “Hồi đó, ông già tui đã làm nghề cày thuê kiếm sống, nuôi cả gia đình. Một đận, vì tham gia hoạt động, địch bắt giam ông. Gia cảnh lúc đó quá khó khăn, vậy là một buổi sáng, tui vác cái cày lên vai, bắt đầu vào nghề. Rồi lần lần cái nghề, cái nghiệp này như vận vào thân, cho mãi đến giờ, cũng chẳng dứt ra được. Ngay cả trong kháng chiến chống Mỹ, tui vừa tham gia dạy chữ vào ban đêm, ban ngày vừa tham gia hoạt động tuyên truyền, làm công tác thanh niên thôn, và vẫn tiếp tục làm nghề cày thuê”.
Đây là thời gian biểu một ngày làm việc của ông: thức dậy từ tờ mờ sáng, đánh được trâu ra đồng; 6 giờ ông bắt đầu làm việc, tận chớm ngọ mới được nghỉ. Và vội chén cơm, chợp mắt một lúc, quãng một rưỡi đã lại thấy ông cặm cụi trên đồng. Công việc cứ thế tiếp diễn cho mãi đến chập choạng tối, ông mới lững thững dắt trâu về. Tính ra, một ngày, không dưới 11 tiếng đồng hồ ông Tài theo sau lưng trâu.
“Cái số tui nó vậy. Đi làm khi chưa tỏ mặt người, về đến nhà thì trời đã sâm sẩm"- ông nói, rồi bổ sung thêm: “Cày vậy là ít, chứ thời trai trẻ, tui làm không dưới 15 tiếng một ngày, vậy mà cứ khỏe như vâm, tịnh chẳng bao giờ đau vặt”. Cày một sào, ông Tài được trả 11 kg lúa, với thời giá hiện nay, tương đương khoảng hai chục ngàn đồng. Tính ra, trung bình mỗi ngày, ông cũng kiếm được chừng năm, sáu chục, còn vào ngày cao điểm mùa làm đất, có thể kiếm đến cả trăm, khá hơn nhiều so với nghề làm ruộng.
“Nếu khách hàng yêu cầu cày thêm giờ, ông còn cày được không?” - tôi hỏi. “Được chứ!” - ông quả quyết - “Chỉ có điều thương con trâu quá. Tính ra, tui có làm chi đâu, chỉ lạch bạch theo sau lưng trâu. Bao nhiêu khó nhọc dành phần nó. Chỉ nó mới làm thực sự!”, vừa vỗ vỗ lên lưng con trâu cày đang phì phò gặm đụn rơm sau một ngày vất vả, ông Tài vừa nói vậy. Rồi ông nhẩm tính với tôi, trong cả đời 46 năm cày thuê của mình, đã qua sáu, bảy đời trâu. Con nào lúc mới mua cũng khỏe, vậy mà chỉ sau vài năm là đã bã sức lắm.
3. Hầu như, ba tháng vào mùa trong một năm, không ngày nào ông Tài vắng khách. Mà không chỉ ông Tài, có 7 người cày thuê khác như ông trong cái xã Tam Quan Nam này cũng không lo vắng khách vào những ngày mùa. Giữa thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp như hiện nay, chuyện một người đánh trâu đi cày thuê, lại rất được tín nhiệm như ông Tài có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi cũng chừng ấy tiền, không tốn kém gì hơn, người ta có thể thuê những chiếc máy cày, vừa nhanh hơn, lại không phải kích rích lo chuyện ăn, chuyện uống. Ông Tài giải thích: “Cày trâu, tất nhiên là không nhanh bằng cày máy, nhưng người dân vẫn thích, bởi mình làm, trước phải lo giữ tín nhiệm với khách hàng, cày kỹ. Hơn nữa, cày trâu thì đất mới được lật mặt lên, có thể cày được những chỗ đầu thừa, đuôi thẹo, cày máy không làm được”. Ngoài ra, những người cày thuê là những người tiếp xúc nhiều nên nắm được những kinh nghiệm, hướng dẫn trở lại cho các chủ ruộng về kỹ thuật, cách thức chăm bón…
4. Ngồi trước mặt tôi lúc này, ông Tài nom rắn rỏi như một sợi dây thừng được bện bởi thời gian và mưa nắng. Thời gian mấy mươi năm của kiếp nhân sinh, chỉ như cơn gió thoảng qua, chỉ đủ để hằn trên gương mặt ông vài ba nếp nhăn, và để cho dáng vẻ ông thêm phần rắn rỏi. Nom ông đã mãn nguyện lắm khi tiếp chuyện với tôi trong cái cơ ngơi của mình. Quả thật, nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi sẽ không dám tin rằng, đây là cơ ngơi được gầy dựng từ bàn tay một người cày thuê. Ông phấn khởi: “Ngôi nhà này tôi cất năm 2000. Lúc cất, chỉ đơn giản nghĩ là mình đã vất vả, ky cóp cả đời rồi, nay trước khi không làm được việc gì nữa, cũng phải còn lại gì để cho con. Vậy là vắt tất cả số tiền dành dụm được, đổ ra xây ngôi nhà hai tầng này, đâu chừng 170 triệu đồng. Xây xong được ngôi nhà, vậy là tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm”.
Nhưng đâu chỉ một ngôi nhà hai tầng khang trang, để lo cho con có việc làm, năm 1991, ông Tài gom góp mua được chiếc ghe để làm phương tiện kiếm sống. Sau 6 năm làm lụng, ghe thứ nhất đẻ ra được ghe thứ hai. Tính ra, với hai chiếc ghe này, cả đại gia đình nhà ông Tài đã bỏ vào đấy chừng 700 triệu. Với nhiều người, số tiền có thể không lớn, nhưng với một nông dân chân đất như ông Tài, đó là một tài sản lớn. 5 người con trai của ông Tài, nay đều sống bằng nghề đi biển. 6 người con đã lập gia đình, ra ở riêng, đều được ông giúp vốn dựng nhà, lập nghiệp. Vậy mà, người Tăng Long vẫn thấy ông Tài miệt mài cày thuê. Ông tâm sự: “Trước, cứ nghĩ là đến lúc gầy dựng xong cho mấy đứa con rồi mình nghỉ, nhưng rồi lại thấy chúng nó nhà cửa vẫn còn thô sơ, cả đứa út chưa lập gia đình, cũng phải lo chút gì để lo cho nó. Vậy là sáng sáng tui lại đánh trâu lên đường!”.
Ông nói là nói vậy, nhưng chúng tôi hiểu, ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền, cái nguyên cớ thúc giục ông lên đường hành nghề, còn bởi cái sự thích thú mà ông đã dành cho cái nghề đặc biệt này. Chính ông Tài đã tâm sự: “Nhiều người cứ quan niệm cày thuê, cuốc mướn là cực. Cực thì có cực, nhưng tôi lại thấy thích thú với cái nghề này lắm. Đời tui cũng trải qua nhiều nghề, vậy mà cũng chỉ gắn bó được với nghề này đến tận bây giờ cũng bởi cái sự gắn bó ấy. Trước hết, bởi nó giải quyết chuyện kinh tế. Sau nữa, đi cày thuê như vầy được bà con quý lắm”. Có nghe ông nói, sôi nổi và mê say, khi kể chuyện về những bờ ruộng, cánh đồng, hay mùa lúa, vụ khoai, mới cảm nhận hết cái tình yêu ông đã dành cho nghề này, và cho đồng đất quê hương mình.
Ngoài nghề cày thuê, ngày không gặp vụ, ông Tài tranh thủ đi đắp hồ tôm, đi thu thủy lợi phí. Vậy mà ông còn khoe với chúng tôi, rằng ngoài việc lui cui kiếm sống, ông còn “kiêm nhiệm” một lô, một lốc những chức vụ khác, này nhé: Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn, rồi lại được các chủ thuyền bầu làm vạn trưởng, chuyên lo việc cúng tế những ngày lễ của ngư dân và giải quyết xích mích của vạn thuyền.
5. Đất đã lật một bên thành từng hàng như sóng. Trời Tam Quan vào những ngày mùa hạ, nắng tát mặt. Vẫn một vóc dáng lênh khênh, như một cây dại tự nhiên mọc trên mặt đất, miệt mài trên những luống cày vỡ dần ra theo mỗi bước chân đi. Tiếp xúc với ông Tài, rồi nhìn dáng ông lui cui trên đám ruộng đang vào vụ, chúng tôi như cảm nhận thấy những dáng nét rất chung của người nông dân Bình Định: chất phác, cần kiệm, gắn bó với đồng ruộng trọn một cuộc đời.
Chân chất như củ khoai, hạt lúa, nhưng chính họ đang góp sức làm nên sức sống cho mảnh đất này.
. Lê Viết Thọ
|