Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương
16:15', 30/6/ 2003 (GMT+7)

Ngày 15-5-2003, Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 15-CT/TW (ngày 28-8-2002) của Ban Bí thư Trung ương về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam". Hội nghị cũng đã tổng kết Chỉ thị 20-CT/TU (ngày 20-4-1977) của Tỉnh ủy Nghĩa Bình về "Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lịch sử Đảng phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt".

Qua 26 năm triển khai Chỉ thị 20-CT/TU, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Từ tháng 4-1977 đến tháng 5-2003, toàn tỉnh có 72 ấn phẩm lịch sử đã được phát hành. Trong đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản 5 ấn phẩm, Đảng bộ huyện, thành phố xuất bản 11 ấn phẩm, các ngành 28 ấn phẩm. Ngoài ra còn có 28 ấn phẩm viết về truyền thống cách mạng xã, phường, thị trấn.

Ở cấp tỉnh, từ Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng lúc đầu có 2 cán bộ, sau đó củng cố được 10 cán bộ. Sau khi tách tỉnh đến cuối năm 1991, Tỉnh ủy đã thành lập Tiểu ban Nghiên cứu lịch sử Đảng gồm 3 cán bộ chuyên trách. Sau đó, nhập Tiểu ban Nghiên cứu lịch sử Đảng vào Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thành lập Phòng nghiên cứu lịch sử Đảng và đã xuất bản 5 ấn phẩm lịch sử là: Lịch sử Đảng bộ tập 1 (1930-1945), tập 2 (1945-1954), tập 3 (1954-1975); Sự kiện lịch sử Đảng bộ Bình Định (1928- 1945), Nguyễn Tất Thành ở Bình Định.

Ở cấp huyện, thành phố, một số huyện như: An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Nhơn có phân công cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng bộ; đến nay đã có 11/11 huyện, thành phố hoàn thành việc biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930-1975, đạt 100%. Các ngành Giao thông Vận tải, Bưu điện, Y tế, Công an, Quân sự… và một số hội, đoàn thể: Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Liên đoàn lao động tỉnh cũng đã tích cực biên soạn và xuất bản 28 ấn phẩm lịch sử của ngành, hội mình.

Một số cấp ủy xã, thị trấn thành lập tổ sưu tầm tư liệu viết truyền thống cách mạng, do một đồng chí trong cấp ủy phụ trách, tổ tập hợp đa số là cán bộ đã nghỉ hưu, có hiểu biết về tình hình phong trào địa phương. Đến nay, trong toàn tỉnh đã có 36 xã đã xuất bản và phát hành truyền thống cách mạng địa phương, chiếm 23,2%; 58 xã đang trong quá trình triển khai chiếm 37,4%.

Một số tác phẩm lịch sử Đảng được phát hành rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từng bước đưa nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh vào giảng dạy ở các lớp trung cấp chính trị (Trường Chính trị tỉnh) và một số trường phổ thông trong tỉnh (các khối lớp 6, 7, 8, 9 và 11). Nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh cũng được đưa lồng ghép vào các nội dung thi tìm hiểu về Đảng, về lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc và của nhân dân Bình Định. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương đã góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhất là giáo dục thế hệ trẻ tự hào về những trang sử vẻ vang của Đảng bộ quân và dân trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương còn tồn tại những khuyết nhược điểm. Chất lượng một vài công trình còn hạn chế; phương pháp luận chưa khoa học, từ ngữ đôi chỗ chưa chuẩn xác, việc phân kỳ lịch sử, các chương mục chưa thật logic. Một số tác phẩm truyền thống đấu tranh cách mạng xã, phường, thị trấn chỉ dừng lại ở góc độ tìm hiểu, ghi lại những tư liệu, sự kiện của một số nhân chứng, của các đồng chí lão thành cách mạng nhưng thiếu đối chiếu, kiểm tra, nên chưa có sự thống nhất cao. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, truyền thống đấu tranh cách mạng địa phương, không tạo được tính kế thừa và liên tục.

Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 15-CT/TW, Tỉnh ủy Bình Định đã cụ thể hóa Thông tri 05-TT/TU (ngày 8-5-2003 của Tỉnh ủy về việc "Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử ngành và truyền thống đấu tranh cách mạng xã, phường, thị trấn". Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2005 có 80% huyện, thành ủy và các ngành, 90% xã, phường thị trấn biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và truyền thống cách mạng đến năm 2000; tiếp tục duy trì công tác lưu trữ có tính hệ thống các tư liệu, tài liệu những năm sau để phục vụ cho công tác nghiên cứu lâu dài. Đây là mục tiêu đặt ra tương đối cao. Tuy nhiên nếu các cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp có liên quan cùng phối hợp thực hiện, có các giải pháp hữu hiệu thì khả năng hoàn thành không phải là chuyện xa vời.

. Phan Thanh Nhất

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Họ Quách khuyến học  (29/06/2003)
Chuyện một đời cày thuê  (27/06/2003)
Một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa  (26/06/2003)
Truyền thống gia đình xưa và nay  (26/06/2003)
Chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân  (25/06/2003)
Xóm "Lò Heo" đã bình yên  (24/06/2003)
Để đi vào chiều sâu  (23/06/2003)
Gắn việc lãnh đạo phát triển kinh tế với xây dựng Đảng  (23/06/2003)
Hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tội phạm  (22/06/2003)
Góp phần đổi mới diện mạo thành phố  (20/06/2003)
Để báo Bình Định ngày thêm hấp dẫn bạn đọc  (19/06/2003)
Chuyện người đàn bà xóm Núi  (18/06/2003)
Đem Luật Hôn nhân và Gia đình về làng K8   (18/06/2003)
Đã nâng cao được nhận thức, hành động trong phụ nữ về tài nguyên và môi trường  (16/06/2003)
Nhìn lại một mùa thi  (15/06/2003)