Quy Nhơn - Nóng cùng mùa thi
19:48', 2/7/ 2003 (GMT+7)

. Ghi chép của Trần Đăng

Ga Quy Nhơn lúc 5 giờ sáng ngày 2-7

Quy Nhơn đang nóng lên từng ngày. Không chỉ vì thời tiết ở đây có lúc lên đến 38 độ C, không chỉ vì tại thành phố biển này đang diễn ra vòng chung kết Cúp bóng đá quốc gia mà vì, lần đầu tiên Quy Nhơn đón một lượng khách khổng lồ: Trên 8 vạn học sinh dự thi vào đại học năm học 2003-2004.

Nếu tính cứ 4 học sinh đi thi, có một phụ huynh đi kèm thì Quy Nhơn không chỉ có thêm 8 vạn người trong những ngày này. Dân số Quy Nhơn có gần 30 vạn, lại thêm trên 10 vạn khách "đặc biệt" nữa, quả là quá tải. Ấy vậy mà, chưa thấy một thí sinh nào phải lang thang cơ nhỡ, chưa thấy một sĩ tử nào phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi đặt chân đến thành phố biển này.

Ông bạn tôi là dân Quảng Ngãi, thời đi lính, từng đóng quân ở Quy Nhơn, giờ dẫn con đi thi đại học. Trước khi hai bố con lên đường, nhiệm vụ của anh là lục lại trong bộ nhớ của mình từ 23 năm trước, xem thử có người bạn nào có nhà ở Quy Nhơn để bố con tá túc mấy ngày. Thấy anh nhăn mày nhíu trán, loay hoay với các địa chỉ đã khuất lấp mấy mươi năm, chị vợ "xì" ra một bọc tiền: "Thôi, tôi khoán cho bố con ông 2 triệu, vô thuê khách sạn mà ở, đừng làm phiền người ta". Rồi chị chi li: "Mỗi ngày hai bố con tiêu 500.000đ. Nhớ cho là, tiêu pha gì cũng để lại 100.000đ, mua 2 vé tàu về quê!". Cầm bọc tiền vợ đưa, ông bố nhìn thằng con, nháy mắt một cái, xăm xúi ra ga lên tàu. Anh chắc mẫm thế nào cũng xà xẻo vào bọc-tiền-hào-hiệp kia của vợ một ít. Đến Quy Nhơn, quần nhau cả buổi để tìm chỗ nghỉ, hai bố con mới tá hỏa tam tinh, vì các khách sạn không còn một chỗ trống!

* Nhà giàu mới khổ!

Thanh niên tình nguyện đang hướng dẫn cho các sĩ tử

Ông bạn tôi chưa phải là giàu, song hai bố con mà xài mỗi ngày 500 ngàn thì cũng được xếp vào hạng trung lưu. Giá thuê phòng ở các khách sạn tại Quy Nhơn chỉ cần trăm rưỡi bạc một ngày đã là hạng sang rồi. Đó là giá cả cách đây dăm bảy bữa, giờ có thuê giá gấp 3 lần, các nhân viên khách sạn cũng lắc đầu: "Anh thông cảm, khách sạn chúng tôi nhận khách đặt thuê phòng cách đây đã một tháng". Quy Nhơn hiện có 25 khách sạn với 650 phòng, giá vẫn "mềm" như trước khi có cuộc đổ bộ 10 vạn người vào thành phố, song khó mà tìm một chỗ nghỉ trong những ngày này. Tôi không đi thi, cũng không "nhà giàu", chủ quan là nhà báo nên không đặt trước chỗ nghỉ. Vừa thoát khỏi cảnh nêm cối của xe đò là thuê xe ôm chạy thẳng về Khách sạn Du lịch công đoàn-nơi vẫn thường ưu tiên cho "người trong ngành". Thấy mặt tôi, chưa kịp hỏi han gì, cô nhân viên lễ tân đã lắc đầu cái rẹt: "Hết phòng rồi nhà báo ơi!". Cứ dăm phút, lại có một chiếc tắcxi đổ xịch trong sân khách sạn. Lại hỏi thuê phòng, lại nhận những cái lắc đầu đầy thất vọng. Anh Nguyễn Lễ ở Pleiku, tôi đoán là "đại gia", đi xe con bóng lộn, chở theo 3 sĩ tử, chạy khắp thành phố Quy Nhơn để tìm khách sạn, cuối cùng đành dừng lại ở Nhà nghỉ Công đoàn-nơi mà chắc chắn rằng, những chuyến chu du về Quy Nhơn trước đây, anh ta chẳng thèm để ý đến bao giờ. Anh Lễ cũng nhận những cái lắc đầu tương tự và kèm theo câu này: "Nhà nghỉ chúng tôi chỉ nhận con em của cán bộ công đoàn các tỉnh thôi!". Ai đó nói: "Có tiền mua tiên cũng được" là sai bét, ít nhất cũng sai trong những ngày này ở Quy Nhơn, dù là mua một chỗ nghỉ giá 200 ngàn/ngày cũng không được, nói gì mua tiên.

* Nhà nghèo, khổ theo kiểu khác

Tiến sĩ Trần Tín Kiệt, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn thông báo một tin khá nóng: "Đến giờ này, chúng tôi đã nhận hồ sơ dự thi của 84.246 thí sinh thuộc 49 tỉnh, thành trong cả nước đăng ký dự thi vào Đại học Sư phạm Quy Nhơn và hơn 50 trường đại học, cao đẳng khác được tổ chức tại cụm thi Quy Nhơn. Thế nhưng, trường cũng chỉ có thể bố trí được 3.500 chỗ ở". Vậy, 8-9 vạn người nữa, ngủ nghỉ chỗ nào? Ông Thái Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn giải đáp: "Chúng tôi đã triển khai đến từng cụm dân cư trong thành phố về công tác chuẩn bị đón thí sinh dự thi năm nay. Theo đó, khu vực dân cư nào ở gần các điểm thi đều "mở rộng cửa" để đón các em. Toàn thành phố hiện có 1.500 nhà dân tổ chức đón thí sinh với giá 7-10.000đ/em/ngày. Ngoài ra còn có hàng ngàn chỗ ở khác được tận dụng từ những ký túc xá của các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong thành phố". Ở cái thành phố mà nhiệt độ lúc nào cũng 37-38 độ như Quy Nhơn, lại thuê với giá 7-10.000đ thì không cần "cận cảnh" cũng đủ biết những sĩ tử nhà nghèo phải vật lộn với giấc ngủ như thế nào mỗi đêm.

Tôi luồn vào một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc phường Nguyễn Văn Cừ - nơi có số học sinh đi thi, có lẽ là đông nhất Quy Nhơn. Đúng như ông Bích nói, nhà người dân nào ở khu vực này cũng mở toang cửa để đón các em. Mỗi phòng rộng chừng 12-15 mét vuông nhưng phải "cưu mang" đến 4-5 sĩ tử. Em Nguyễn Kim Phúc, quê huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, dù ngồi bên chiếc quạt máy vẫn không rời tay chiếc quạt nan: "Trên Tây Nguyên đang mát mẻ, giờ xuống "lò hỏa thiêu" này, nóng không chịu nổi. Ba cháu chỉ cho có 400.000đ, lại phải ở trong 10 ngày nên không còn con đường nào khác". Nghe các em ca cẩm nóng bức, chị Bé chủ nhà chỉ cười: "Chúng nó để quạt chạy vù vù cả ngày lẫn đêm, lại tắm giặt 2-3 lần một ngày, lấy 7 ngàn là để bù vào tiền điện, nước chứ lời lãi gì. Phường đã quán triệt tinh thần là san sẻ khó khăn cho các cháu nên chẳng ai nỡ lấy tiền lời với con nhà nghèo".

Quan sát phòng trọ của các em thì thấy chẳng có chiếc mùng nào. Đa số là ngủ vật vờ trên sàn nhà. Thế nhưng em nào cũng cảm thấy an tâm và đầy lòng biết ơn khi nói về các chủ nhà trọ: "Chúng cháu cứ tưởng là phải ngủ vỉa hè chứ đâu nghĩ là được ở như thế này. Có hôm bà chủ còn "miễn phí" cho một gô đá lạnh nữa". Nhà nghèo, dĩ nhiên là khổ rồi nhưng các em đã được các dì, các cô ở Quy Nhơn vừa rộng cửa lại vừa rộng lòng ra đón. Cái nghèo mà được sẻ chia như thế còn "khỏe" hơn là giàu mà tìm không ra chỗ nghỉ ở các khách sạn.

* Đúng như tên gọi "Thanh niên tình nguyện"

Để có được sự an tâm cần thiết cho các thí sinh, để có được sự chia sẻ khó khăn từ những người dân như thế, ngoài những cố gắng của Trường ĐHSP Quy Nhơn và của các cấp chính quyền thành phố còn phải kể đến sự đóng góp không hề nhỏ của đội quân mặc áo xanh: Thanh niên tình nguyện. Trên 500 đoàn viên thanh niên ở Quy Nhơn hầu như phải đánh vật suốt ngày đêm với công việc của mình. Tất cả các điểm giao thông chính, các bến xe, ga tàu đều có mặt của họ. Lần đầu tiên họ bắt tay vào thực hiện công việc mới mẻ này, song không thấy có một sơ suất nào. 4 giờ 30 sáng ngày 2-7, tôi ra ga Quy Nhơn đón chuyến tàu từ Đồng Hới vào để ghi vài kiểu ảnh thì đã thấy đội quân áo xanh này có mặt từ bao giờ rồi. Anh Nguyễn Hùng, một cán bộ Đoàn nói: "Hầu như anh em chúng tôi không ngủ từ mấy ngày nay. Chúng tôi đã hứa với lãnh đạo thành phố và cũng tự hứa với lòng mình là không để bất cứ một thí sinh nào phải cơ nhỡ khi đặt chân đến Quy Nhơn". Chỉ trong vòng một giờ, hàng ngàn thí sinh bị dồn ứ tại ga Quy Nhơn đã được nhóm thanh niên tình nguyện này "giải phóng".

Nếu như ở bến tàu thì còn biết giờ tàu đến để mà chợp mắt một tí, số thanh niên tình nguyện được phân công trực ở các bến xe gần như phải trắng mắt vì không thể biết giờ nào thì xe đến bến. Anh Nguyễn Chí Hiếu, Đoàn phường Ngô Mây ra vẻ thạo việc: "Anh em trong nhóm phân công "đặc cách" một đoàn viên chuyên làm nhiệm vụ như một anh xe ôm để chở thí sinh đến tận nơi mà họ cần. Nếu nơi nào có tuyến xe buýt thì chúng tôi hướng dẫn để họ đi theo tuyến, chỉ mất 1 ngàn. Chúng tôi phải làm như vậy vì ngoài công việc thực thi nhiệm vụ còn có một việc lớn lao hơn. Đó là làm sao để các thí sinh lần đầu tiên đặt chân đến Quy Nhơn cảm thấy như ở nhà mình. Chúng tôi muốn nói với các bạn ấy rằng, thành phố biển này luôn dang rộng tay đón khách. Đây là nơi hội tụ của những tấm lòng nghĩa hiệp".

Quy Nhơn đang nóng lên với thời tiết, với bóng đá và với mùa thi. Quy Nhơn cũng chợt dịu đi trước những tấm lòng như thế.

. T.Đ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn đón chào sĩ tử  (02/07/2003)
Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương  (30/06/2003)
Họ Quách khuyến học  (29/06/2003)
Chuyện một đời cày thuê  (27/06/2003)
Một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa  (26/06/2003)
Truyền thống gia đình xưa và nay  (26/06/2003)
Chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân  (25/06/2003)
Xóm "Lò Heo" đã bình yên  (24/06/2003)
Để đi vào chiều sâu  (23/06/2003)
Gắn việc lãnh đạo phát triển kinh tế với xây dựng Đảng  (23/06/2003)
Hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tội phạm  (22/06/2003)
Góp phần đổi mới diện mạo thành phố  (20/06/2003)
Để báo Bình Định ngày thêm hấp dẫn bạn đọc  (19/06/2003)
Chuyện người đàn bà xóm Núi  (18/06/2003)
Đem Luật Hôn nhân và Gia đình về làng K8   (18/06/2003)