Về thôn Chánh Khoan Đông (xã Mỹ Lợi- huyện Phù Mỹ) những ngày này, chúng tôi thật bất ngờ trước những con đường phong quang, sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang... Cuộc sống mới hiện rõ trên từng khuôn mặt vui tươi của người dân nơi đây.
Để kể về những khó khăn của Chánh Khoan Đông khi bước vào thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thì rất nhiều. Thôn có 258 hộ, 603 lao động nhưng lại chỉ có 42 ha diện tích ruộng lúa nước. Diện tích ít, nhưng vụ đông xuân nhờ nguồn nước thiên nhiên, còn hai vụ xuân hè và hè thu phải bơm nước từ đầm Trà Ổ. Có những năm như năm 2002 chỉ có thể làm được lúa hai vụ, do vậy, sản lượng lương thực giảm. Năm 2001 bình quân lương thực đạt 420kg/người, nhưng năm 2002 chỉ còn 400kg/người. Nhiều lao động trong thôn phải đi làm nghề tưới cà phê, thu hoạch nông sản ở Tây Nguyên hay vào thành phố Hồ Chí Minh làm thêm… Nỗi lo cơm áo khiến người dân thờ ơ với các phong trào của địa phương.
Ông Bùi Văn Tự, Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng ban vận động xây dựng làng văn hóa, cho biết cách làm của Chánh Khoan Đông trước những khó khăn, đó là "Cán bộ gương mẫu đi đầu thực hiện, vừa làm vừa giải thích, rồi thông qua các đoàn thể quần chúng, vận động rộng ra". Hàng tháng, hàng quí, Ban vận động đều xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định những mục tiêu rất cụ thể. Bên cạnh đó, quy ước của thôn với 3 chương 20 điều cũng được nhanh chóng xây dựng và đưa ra cho nhân dân đóng góp, hoàn thiện, lấy đây làm cơ sở điều chỉnh những hành vi và mối quan hệ xóm làng. Bản quy ước này luôn được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình từng thời điểm và được phổ biến, nhắc nhở thường xuyên thông qua các cuộc họp dân, họp các đoàn thể quần chúng và qua hai loa truyền tin của thôn.
Nhờ những biện pháp đồng bộ, năm 2000 và 2001, thôn Chánh Khoan Đông được UBND huyện Phù Mỹ công nhận danh hiệu làng văn hóa. Và điều quan trọng hơn, chính từ phong trào này, Chánh Khoan Đông đã thật sự có chuyển mình về mọi mặt.
Năm 2002, bình quân thu nhập đầu người là 2,4 triệu đồng/năm, cao hơn năm 2001 khoảng 400.000 đồng. Có được điều này còn là nhờ bà con phát triển thêm nghề phụ, nhất là nghề đánh bắt hải sản với khoảng 60 hộ dân làm nghề. Những con đường ở Chánh Khoan Đông nay đã mở rộng hơn nhờ được sự đồng thuận của người dân. Ông Huỳnh Trọng Tín, Trưởng thôn, lấy một ví dụ nhỏ: "Năm 2000 về trước, đường lầy lội đến nỗi cái xe đạp cũng không dắt được mà đi. Năm 2001, chúng tôi đặt vấn đề đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn và được bà con hoàn toàn ủng hộ. Chúng tôi giải tỏa để mở rộng mỗi bên đường thêm 5-6 tấc và được bà con tán thành. 1 km đường bê tông nông thôn cũng đã hoàn thành theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm và năm 2003 này, sẽ cố gắng làm thêm 1 km nữa. Đồng thời, đoạn đường 400m nối thẳng hai xóm của thôn được mở mới mà hoàn toàn không phải đền bù. Người dân nghe phổ biến chủ trương xong, lập tức thuê máy cưa cây, đổ đất cùng xắn tay làm với chính quyền thôn".
Chánh Khoan Đông hôm nay đã có 96% hộ có nhà xây kiên cố, 99% hộ được dùng điện, 70% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 60% hộ có xe máy, trên 97% hộ có đời sống ổn định và còn 14 hộ nghèo. Trẻ em đến tuổi được đến trường. Trường mẫu giáo khang trang hơn nhờ sự ủng hộ của bà con. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Nếu năm 2000 có 7 vụ đánh lộn, quậy phá, xâm phạm hoa màu phải xử lý ở cấp thôn, thì năm 2001 con số này chỉ còn 4 vụ và từ năm 2002 đến nay không còn vụ nào. Chánh Khoan Đông cũng không còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Các hoạt động văn hóa- thể thao ngày càng đa dạng. Toàn thôn hiện có 3 sân bóng chuyền, và đang xin đất để hình thành một sân bóng đá mini. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, thôn còn tham gia đua thuyền trên đầm Trà Ổ. Những năm trước, mỗi khi mời dân đi họp, phải đánh kẻng, chờ mỏi mắt cũng chỉ lác đác vài người đến dự. Nay, với hai loa truyền thanh thôn trang bị cho hai xóm, không chỉ mời họp mà còn thường xuyên thông báo những thông tin mới đến các hộ dân. Mỗi cuộc họp dân tối thiểu cũng có khoảng 70% người dân đến dự.
Chánh Khoan Đông thật sự đã mang một gương mặt mới và đang được đề nghị UBND tỉnh công nhận làng văn hóa. "Nếu không có cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, ý thức của người dân không được chuyển biến tốt, sao có kết quả ấy" - ông Bùi Văn Tự đã tâm đắc nói vậy!
. Lê Viết Thọ
|