Xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam
15:32', 4/7/ 2003 (GMT+7)

Cán bộ Hội CTĐ Bình Định thăm em Bùi Văn Ty. (ảnh: Trang Xuân Chi)

Với 2 triệu đồng được hỗ trợ, chị Thành, mẹ em Bùi Văn Ty – một đối tượng nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) ở Nhơn Thành, An Nhơn – đã có được một gánh bún bán sáng, góp phần giải quyết bớt khó khăn trong gia đình. Còn những chị Bình, chị Diệu, em Sang, Lang... ở Phù Cát, An Nhơn, nhờ được phẫu thuật chỉnh hình chân mà bây giờ đã có thể đi lại, sinh hoạt, lao động một cách dễ dàng, thuận lợi hơn trước rất nhiều. Và còn nhiều trường hợp NNCĐDC như thế nữa. Họ đã phần nào giảm bớt được nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần, nhờ sự giúp đỡ của Quỹ Bảo trợ NNCĐDC Bình Định.

* Nỗi đau hữu hình

Nỗi đau do di chứng của chất độc da cam hiện hữu ở gia đình ông Nguyễn Thu (Cát Tân, Phù Cát) khi ông sinh 5 đứa con thì 2 bị dị tật bẩm sinh: một con trai bị liệt chân phải và một con gái tay trái không có bàn tay. Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Định và chị Lê Thị Liêm ở thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh (Hoài Ân) có 4 đứa con thì hết 3 bị đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Trước năm 1975, Bình Định là địa bàn bị chiến tranh tàn phá khá nặng nề, nhất là ảnh hưởng của chất độc hóa học. Trong giai đoạn 1961-1971, Bình Định đã phải hứng chịu 558 phi vụ rải chất độc hóa học do quân đội Hoa Kỳ thực hiện. Hiện nay, cả một khu vực rộng lớn dưới chân núi Phước Thành (Tuy Phước) và quanh sân bay Phù Cát vẫn còn chất độc hóa học do chiến tranh để lại. Theo thống kê ban đầu của ngành LĐ-TB-XH Bình Định, Bình Định hiện có 30.883 người khuyết tật, trong đó có 14.064 người bị nghi nhiễm chất độc da cam.

Các đợt khảo sát các đối tượng là NNCĐDC ở Bình Định đều cho thấy đa số có cuộc sống khó khăn. Qua điều tra, có 65–70% số NNCĐDC có nhu cầu cải thiện đời sống (xây nhà, sửa nhà, phát triển sản xuất, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, trợ cấp khó khăn hàng tháng) và 25–30% có nhu cầu được giúp đỡ về chăm sóc y tế (khám và cấp thuốc chữa bệnh miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng, tư vấn chăm sóc sức khỏe). Ngoài ra, họ còn muốn được giúp đỡ học văn hóa, học nghề và trang bị các phương tiện để hành nghề.

* "Ông Bụt" của nhiều NNCĐDC

Với mục đích giúp cho các NNCĐDC khắc phục khó khăn trong cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, năm 1998, Quỹ Bảo trợ NNCĐDC Bình Định được thành lập. Bằng nhiều biện pháp gây quỹ, trong 5 năm qua, Quỹ đã huy động được gần 1,4 tỉ đồng và đã chi hơn 1 tỉ đồng hỗ trợ các NNCĐDC của tỉnh. Các hình thức giúp đỡ NNCĐDC cũng rất phong phú, trong đó tập trung vào hai định hướng chính là hỗ trợ giải quyết khó khăn trước mắt và giúp đỡ mang tính bền vững, phát triển.

Với hình thức thứ nhất, 5 năm qua, Quỹ đã chi để khám bệnh phát thuốc miễn phí cho 84 đối tượng là NNCĐDC, trợ cấp đột xuất cho 829 người và thăm hỏi giúp đỡ 165 hộ có NNCĐDC. Ở hình thức hỗ trợ thứ hai, nhằm giúp đỡ NNCĐDC có điều kiện cải thiện cuộc sống và chăm sóc sức khỏe đạt hiệu quả lâu dài, đã có 274 hộ được Quỹ hỗ trợ vốn, cho vay vốn để sản xuất, sửa chữa nhà ở, 11 người được học nghề, 7 người học văn hóa, 6 đối tượng NNCĐDC được mổ phục hồi chức năng, 16 người khuyết tật nghèo và NNCĐDC được cấp xe lăn. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án hỗ trợ 205 hộ người khuyết tật nghèo ở 3 huyện An Nhơn, Phù Cát và Hoài Nhơn với kinh phí 500 triệu đồng - do Hội CTĐ Mỹ và Thụy Sĩ tài trợ - đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Trong số những người giúp đỡ nhiệt tình cho các NNCĐDC Bình Định phải kể đến chị Lý Thu Linh ở TP Hồ Chí Minh, các bạn đọc Báo Công an TP Hồ Chí Minh, Bác sĩ Trang Xuân Chi – thành viên Ban điều hành Quỹ Bảo trợ NNCĐDC cam Bình Định... Bác sĩ Trang Xuân Chi cho biết: "Phương châm khi thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ NNCĐDC của chúng tôi là: nhanh gọn, hiệu quả. Và một điều nữa mà chúng tôi luôn ghi nhớ để bảo đảm Quỹ hoạt động hiệu quả là phải đến tận nơi ở của NNCĐDC để xác minh mức độ cần giúp đỡ, chứ đừng nghe báo cáo!" Ông Đào Duy Chấp – Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trợ NNCĐDC – nêu ra khá nhiều kinh nghiệm qua 5 năm hoạt động của Quỹ. Đó là: phải lựa chọn đối tượng hưởng lợi và địa bàn hưởng lợi chính xác; giúp đỡ có trọng tâm để NNCĐDC có thể vượt qua khó khăn; thường xuyên kiểm tra giám sát; có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành từ tỉnh đến xã…

Định hướng trong thời gian tới, song song với việc hỗ trợ các NNCĐDC, Quỹ Bảo trợ NNCĐDC Bình Định sẽ phát động phong trào xã hội hóa việc giúp đỡ NNCĐDC, trong đó Hội Chữ thập đỏ và ngành LĐ-TB-XH đóng vai trò nòng cốt trên phương châm tại chỗ và dựa vào cộng đồng.

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt gia đình tiêu biểu năm 2003  (03/07/2003)
Gương mặt mới ở Chánh Khoan Đông  (02/07/2003)
Quy Nhơn - Nóng cùng mùa thi  (02/07/2003)
Quy Nhơn đón chào sĩ tử  (02/07/2003)
Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương  (30/06/2003)
Họ Quách khuyến học  (29/06/2003)
Chuyện một đời cày thuê  (27/06/2003)
Một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa  (26/06/2003)
Truyền thống gia đình xưa và nay  (26/06/2003)
Chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân  (25/06/2003)
Xóm "Lò Heo" đã bình yên  (24/06/2003)
Để đi vào chiều sâu  (23/06/2003)
Gắn việc lãnh đạo phát triển kinh tế với xây dựng Đảng  (23/06/2003)
Hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tội phạm  (22/06/2003)
Góp phần đổi mới diện mạo thành phố  (20/06/2003)