Quản lý và khai thác tủ sách pháp luật:
Làm gì để đạt hiệu quả cao hơn?
16:29', 9/7/ 2003 (GMT+7)

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Bình Định là một trong những tỉnh sớm hoàn thành Đề án xây dựng, quản lý và sử dụng tủ sách pháp luật (TSPL) ở xã, phường, thị trấn so với 61 tỉnh thành trong cả nước. Từ đó đến nay, số đầu sách, báo ở các TSPL không ngừng bổ sung. Tuy nhiên TSPL chỉ mới dừng lại phục vụ cán bộ, công chức còn người dân thì…

* Chuyện bên tủ sách

Trụ sở UBND xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) nằm trên tuyến đường huyện lộ khá khang trang song đẹp nhất và mới nhất trong UBND lại là TSPL với trên 100 đầu sách và rất nhiều báo, tờ tin tư pháp, công báo. Thường trực bên tủ sách là cán bộ tư pháp xã Hồ Văn Nên. Ông Nên cho biết, tủ sách của xã đã phục vụ cho hầu hết cán bộ công chức xã và nhiều người dân có nhu cầu. Lĩnh vực dân thường hỏi mượn hoặc tới nhờ tư vấn là các tranh chấp đất đai liền kề. TSPL được thiết kế với 4 bộ sách, báo, tài liệu pháp lý gồm: Bộ sách văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, Bộ sách pháp luật phổ thông; Bộ sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp ở cơ sở và bộ phận báo, tạp chí… Báo Pháp luật và tờ tin tư pháp được ưu tiên một ngăn riêng. Ngay từ khi có tủ sách, UBND xã Vĩnh Quang đã ban hành quy chế quản lý và khai thác TSPL, việc cho mượn và quản lý TSPL tại xã được thực hiện một cách nghiêm túc, được theo dõi cẩn thận, tránh trường hợp mượn sách làm mất, nhàu và rách.

TSPL của phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) đẹp và nhiều đầu sách hơn của xã Vĩnh Quang. Phụ trách tủ sách này là cán bộ tư pháp phường Phan Văn Trị. Dân trong phường có thể đến đây mượn về tham khảo, hay khi đi làm thủ tục hành chính liên quan đất đai, nhà cửa, hộ tịch… . Trưởng phòng Tư pháp TP Quy Nhơn, ông Nguyễn Anh Minh cho biết, phường Nguyễn Văn Cừ là đơn vị đầu tiên của TP Quy Nhơn xây dựng, khai thác và quản lý TSPL đạt hiệu quả.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 15-11-1998 về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh Bình Định đạt 155/155 xã, phường, thị trấn có TSPL, và trên 348 TSPL khác của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong tỉnh. Trong mỗi tủ sách, ít nhất là 60 đầu sách và nhiều nhất lên đến 200 đầu sách. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp thì hiện nay đối tượng phục vụ của các tủ sách chủ yếu là cán bộ công chức địa phương, người dân cũng có tham khảo nhưng chưa nhiều.

* Kinh nghiệm và khó khăn

Nhìn chung việc triển khai TSPL về từng đơn vị, địa phương trong tỉnh bước đầu có hiệu quả. Ngoài 100% xã, phường, thị trấn có TSPL, trên 348 đơn vị, đoàn thể trong tỉnh cũng đã xây dựng xong TSPL. Loại đầu sách ở TSPL qua thực tế khai thác cho thấy, từng địa phương, từng ngành nghề của đơn vị khác nhau thì có thể mua các loại đầu sách khác nhau. Chẳng hạn, các đơn vị chuyên ngành xây dựng thường chú trọng các đầu sách chuyên ngành này.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1067 về xây dựng và quản lý TSPL trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của Sở Tư pháp Bình Định, công tác triển khai ở một số địa phương, số ngành vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, trình độ pháp lý của cán bộ và nhân dân ở cơ sở còn thấp, nên nhu cầu chủ yếu trang bị đầu sách vẫn là hỏi đáp pháp luật, nhưng các đầu sách loại này còn thiếu trong tủ sách. Nhiều sách nằm trong danh mục bắt buộc phải mua, thế nhưng vì đã xuất bản khá lâu mà chưa tái bản nên khó khăn trong tìm mua. Có một số cuốn sách liên quan chính quyền cơ sở quá đắt hoặc có một số sách pháp luật trang bị tủ sách đã lạc hậu, có nhiều văn bản mới ra đời nhưng chưa kịp đưa vào khai thác, làm hạn chế việc tìm đọc của cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, các TSPL được bố trí trong phòng tư pháp xã, nằm cùng trụ sở UBND, tâm lý của người dân còn ngại đến những nơi ấy mượn sách hoặc tham khảo. Có thể khắc phục điểm này với hướng kết hợp tủ sách tại Bưu điện văn hóa xã, thế nhưng việc này lại phát sinh nhân sự quản lý, vì quản lý TSPL phải là cán bộ tư pháp có kiến thức pháp lý để hướng dẫn và giải đáp cho người dân, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu.

Trong chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ nay đến 2007 có đề ra mục tiêu đến năm 2005 có 100% cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp có TSPL. Bình Định sẽ không khó khăn lắm để thực hiện chỉ tiêu này nhưng cùng với đó, các cơ quan có trách nhiệm phải có biện pháp làm sao để TSPL được khai thác có hiệu quả hơn.

. Nguyễn Huỳnh Huyện

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Nhơn - Tuy Phước đón chào sĩ tử  (08/07/2003)
Nhịp sống mới ở Nhơn Lý  (07/07/2003)
Đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên tại cụm thi Quy Nhơn: An toàn, nghiêm túc   (06/07/2003)
Xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam  (04/07/2003)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt gia đình tiêu biểu năm 2003  (03/07/2003)
Gương mặt mới ở Chánh Khoan Đông  (02/07/2003)
Quy Nhơn - Nóng cùng mùa thi  (02/07/2003)
Quy Nhơn đón chào sĩ tử  (02/07/2003)
Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương  (30/06/2003)
Họ Quách khuyến học  (29/06/2003)
Chuyện một đời cày thuê  (27/06/2003)
Một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa  (26/06/2003)
Truyền thống gia đình xưa và nay  (26/06/2003)
Chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân  (25/06/2003)
Xóm "Lò Heo" đã bình yên  (24/06/2003)