Những thành công và thách thức của chương trình dân số ở Bình Định
18:33', 10/7/ 2003 (GMT+7)

Hạnh phúc đơn sơ (ảnh: Ngọc Tuấn)

Tỉnh Bình Định triển khai thực hiện chương trình Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) từ những năm 80 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, lúc bấy giờ do phải tiến hành nhiều công việc trọng đại và cấp bách trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và do chưa có một chiến lược nên trải qua 15 năm thực hiện (1977 - 1992), mục tiêu giảm sinh vẫn chưa đạt được. Đến năm 1992, dân số Bình Định đã là 1.342.500 người, tỷ lệ sinh hơn 33‰, tỷ lệ phát triển dân số 2,62%, số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ là 4,3 con (so với chỉ tiêu của Nghị quyết các lần Đại hội Đảng đề ra, hạ tỷ lệ phát triển dân số xuống 1,7% thì vẫn không đạt).

Nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của sự gia tăng dân số quá nhanh đến sự phát triển của đất nước, trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, công tác DS-KHHGĐ đã được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt.

Ngót 10 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành TƯ Đảng, NQ 06 của Tỉnh ủy, chiến lược DS-KHHGĐ của UBND tỉnh và các Nghị quyết, Chỉ thị khác của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Với sự nỗ lực kiên trì của toàn hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ; sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng của nhân dân, công tác DS-KHHGĐ ở Bình Định đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Đến cuối năm 2002 tỷ lệ sinh giảm còn 17‰, tỷ lệ phát triển dân số 2,2% và số con trung bình của 1 phụ nữ là 2,2 con. Như vậy gần 10 năm nay, bình quân mỗi năm hạ tỷ lệ là 1,6‰ (chỉ tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra mỗi năm hạ tỷ lệ sinh 0,7 ‰).

Mục tiêu của Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy và Chiến lược DS-KHHGĐ của UBND tỉnh đề ra: Đến năm 2000 dân số Bình Định 1.630.000 người, số con trung bình của một phụ nữ là 3,5 con và phấn đấu đến năm 2015 đạt mức sinh thay thế (2,1 con). Nhờ thực hiện tốt mục tiêu chương trình DS-KHHGĐ, dân số của Bình Định năm 2000 là 1.485.000 người, so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đã giảm được 150.000 người và mức sinh thay thế (2,1 con) sẽ đạt vào năm 2005, sớm hơn 10 năm so với Nghị quyết đề ra!

Nhằm củng cố những thành quả bước đầu và đưa công tác DS-KHHGĐ lên một tầm cao mới, ngày 14-02-2003 vừa qua, Quốc hội đã công bố Pháp lệnh Dân số, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-5-2003. Pháp lệnh Dân số thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với công tác DS-KHHGĐ. Pháp lệnh này mang tính toàn diện, không chỉ chú trọng tới quy mô dân số mà còn hướng trọng tâm hoạt động dân số vào các lĩnh vực cơ cấu, chất lượng dân số và phân bổ dân cư, biện pháp thực hiện công tác dân số và quản lý nhà nước về dân số.

Những thành công của chương trình DS-KHHGĐ trong 10 năm qua chỉ là bước đầu. Để đạt được kết quả to lớn hơn, bền vững hơn, chương trình DS-KHHGĐ Bình Định đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn:

Từ nay đến năm 2010, trung bình mỗi năm dân số Bình Định sẽ tăng thêm khoảng 17.000 đến 20.000 người. Với số dân 1.521.000 người vào thời điểm 2002, Bình Định là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 17 trong cả nước và đứng thứ 2 trong khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, cũng là tỉnh có mật độ dân số thuộc loại cao: 250 người/1km2 (cả nước 230 người/1km2) cao gấp 5 lần mật độ chuẩn của Quốc tế.    

Mức sinh ở tỉnh đã giảm nhưng kết quả đạt được chưa thật vững chắc. Phụ nữ ở các vùng miền biển, miền núi, nông thôn còn xấp xỉ ở mức 3 con. Việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trước, trong và sau khi sinh còn hạn chế. Tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản còn cao, công tác tuyên truyền, giáo dục DS-KHHGĐ chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

Mức đầu tư kinh phí cho chương trình DS-KHHGĐ, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chỉ mới đáp ứng khoảng 30% so với thực tế chương trình mà Chiến lược DS-KHHGĐ đề ra (chiến lược đề ra đầu tư tối thiểu 9.000 đ/người/năm, nhưng thực tế Bình Định mới chỉ đáp ứng 3.000 đ/người/năm).

Hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở ra đời muộn, không ổn định. Cán bộ xuất phát từ nhiều ngành, phần lớn chưa được đào tạo có hệ thống, bài bản, đặc biệt là ở cơ sở cho nên việc quản lý, điều phối chương trình còn gặp không ít khó khăn.

Trong thời gian đến, hy vọng những thành công nói trên sẽ được phát huy, nhân rộng; những thách thức sẽ được tập trung giải quyết để góp phần tạo sự phát triển bền vững cho tỉnh nhà.

. Nguyễn Văn Huy

(Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm gì để đạt hiệu quả cao hơn?  (09/07/2003)
An Nhơn - Tuy Phước đón chào sĩ tử  (08/07/2003)
Nhịp sống mới ở Nhơn Lý  (07/07/2003)
Đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên tại cụm thi Quy Nhơn: An toàn, nghiêm túc   (06/07/2003)
Xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam  (04/07/2003)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt gia đình tiêu biểu năm 2003  (03/07/2003)
Gương mặt mới ở Chánh Khoan Đông  (02/07/2003)
Quy Nhơn - Nóng cùng mùa thi  (02/07/2003)
Quy Nhơn đón chào sĩ tử  (02/07/2003)
Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương  (30/06/2003)
Họ Quách khuyến học  (29/06/2003)
Chuyện một đời cày thuê  (27/06/2003)
Một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa  (26/06/2003)
Truyền thống gia đình xưa và nay  (26/06/2003)
Chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân  (25/06/2003)