Ghi nhận qua đợt tuyển sinh ĐH, CĐ - 2003 tại Cụm thi Quy Nhơn:
Những quả ngọt đầu mùa
16:44', 11/7/ 2003 (GMT+7)

Mùa tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) - 2003 tại Cụm thi Quy Nhơn giống như "một cuộc tập dượt" lớn. Lần đầu tiên, thành phố biển Quy Nhơn được Bộ GD-ĐT chọn là 1 trong 5 điểm tổ chức một cuộc thi tuyển sinh có quy mô quốc gia với sự tham dự của hàng vạn thí sinh từ khắp mọi miền đất nước. Trước ngày khai mạc, ít người có thể nghĩ rằng cuộc thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng ghi nhận…

* Từ cuộc chuẩn bị "ra quân" chu đáo, phối hợp đồng bộ

Các thí sinh đang chờ nhận đề thi (ảnh: A.T)

Trong suốt những ngày từ khoảng đầu tháng 7 đến nay, không khí ở Quy Nhơn - Bình Định giống như không khí ngày hội. Hàng vạn thí sinh từ khắp các tỉnh, thành đã tập trung về thành phố biển để tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH,CĐ - 2003. Theo tổng hợp của Hội đồng Tuyển sinh Liên trường (TSLT) Cụm thi Quy Nhơn, kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2003 có 84.246 thí sinh của 49 tỉnh, thành đăng ký dự thi vào trường ĐHSP Quy Nhơn và hơn 50 trường ĐH, CĐ khác. Đây là lần đầu tiên Quy Nhơn - Bình Định được chọn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có quy mô lớn. Với dân số gần 30 vạn, lại thêm gần 10 vạn thí sinh cùng phụ huynh, Quy Nhơn - Bình Định gần như "quá tải". Làm thế nào để các "sĩ tử" khi "lều chõng" đi thi có nơi ăn, chốn ở, không phải chịu cảnh "màn trời, chiếu đất"? Làm thế nào để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt hiệu quả? Đó là những câu hỏi hóc búa đặt ra đối với UBND tỉnh và Hội đồng TSLT Cụm thi Quy Nhơn. Bởi vậy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được UBND tỉnh, các địa phương, sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh Bình Định, nhất là trường ĐHSP Quy Nhơn triển khai từ khá sớm.

Do số lượng đông, trong đợt thi thứ II của kỳ thi tuyển sinh 2003 tại cụm thi Quy Nhơn dành cho thí sinh thi vào khối B, C, D và T, Ban chỉ đạo đã triển khai địa bàn thi đến 2 huyện An Nhơn và Tuy Phước. Vì lần đầu tổ chức, chưa có kinh nghiệm nên ngay khi chọn điểm thi, Ban chỉ đạo tuyển sinh đã rất lo lắng về cơ sở vật chất và cách thức tổ chức của 2 huyện. Thế nhưng, mọi việc đã diễn ra tốt đẹp.

Chỉ có một vài sự cố nhỏ, đó là vào buổi thi chiều ngày 9-7 có xảy ra mưa rất lớn, dẫn đến mất điện khoảng 15 phút đầu khi phát đề thi, nhưng các Hội đồng thi đã cố gắng khắc phục ngay sự cố này. Tại điểm thi An Nhơn, mưa lớn đã làm một vài phòng thi bị dột, các thí sinh phải di chuyển nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn trong khi làm bài.

Tuy mới lần đầu tham gia tổ chức tuyển sinh, nhưng huyện Tuy Phước và An Nhơn đã làm hết khả năng của mình để cho một kỳ thi an toàn và hiệu quả, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.

. Lê Thu Hiền

Với trách nhiệm của mình, lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phục vụ cho kỳ thi. Riêng UBND tỉnh đã có 3 phiên họp để bàn về kế hoạch chuẩn bị và phân công nhiệm vụ cụ thể, nhằm phục vụ tốt cho kỳ thi. Cùng với Hội đồng TSLT Cụm thi Quy Nhơn, UBND TP. Quy Nhơn, các huyện An Nhơn, Tuy Phước, cùng các sở, ngành GD-ĐT, Công an Bình Định, Công An Quy Nhơn, Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn Quy Nhơn, Huyện Đoàn An Nhơn, Tuy Phước, trường ĐHSP Quy Nhơn… đã đồng loạt "ra quân" và phối hợp triển khai đồng bộ những nhiệm vụ công tác của mình. Hàng ngàn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thuộc lực lượng "Thanh niên tình nguyện" của Thành Đoàn Quy Nhơn, các Huyện Đoàn An Nhơn, Tuy Phước và trường ĐHSP Quy Nhơn đã vào cuộc "Tiếp sức mùa thi" bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Hướng dẫn tàu xe, địa chỉ làm thủ tục thi, nơi thi, nhà nghỉ, nhà trọ, "tư vấn" về giá cả… cho các thí sinh. Hàng ngàn hộ gia đình ở TP. Quy Nhơn và 2 huyện Tuy Phước, An Nhơn được huy động để tổ chức đón tiếp thí sinh. Bên cạnh đó, trường ĐHSP Quy Nhơn, các ký túc xá của các trường CĐSP Bình Định, Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn… cũng được tận dụng để bố trí chỗ ở cho thí sinh.

Đồng thời, Hội Đồng TSLT Cụm thi Quy Nhơn đã bố trí khoảng 100 điểm thi với 2.200 phòng thi và 5.800 lượt người phục vụ cho kỳ thi, trong đó có khoảng 1000 sinh viên. Đối với ngành Công an, bên cạnh việc phối hợp bảo vệ cho kỳ thi diễn ra an toàn, lực lượng CSGT thường xuyên túc trực tại các ngã ba, ngã tư và những nút giao thông trọng yếu, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông…

* Tấm lòng của người dân "Đất võ"

Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi. (ảnh: V.T)

Bình Định từng nổi tiếng là vùng đất có tinh thần thượng võ. Qua mùa tuyển sinh 2003, người dân Bình Định còn chứng tỏ tấm lòng mến khách của mình. Với khoảng 10 vạn thí thí sinh và phụ huynh nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh chỉ có khả năng bố trí khoảng 7-8 ngàn chỗ ở, trong đó riêng trường ĐHSP Quy Nhơn cũng chỉ có thể bố trí khoảng 3.500 chỗ ở. Như vậy, khoảng gần 9 vạn thí sinh, phụ huynh phải thuê nhà ở. Điều này hẳn không phải dễ dàng đối với một thành phố như Quy Nhơn và một địa phương lần đầu tiên tổ chức kỳ thi có quy mô lớn như Bình Định. Song, với sự phối hợp đồng bộ của các địa phương, đơn vị, nhất là tấm lòng của cán bộ, nhân dân Bình Định, hầu hết các thí sinh đều có chỗ ăn, ở thuận lợi, đảm bảo tham gia kỳ thi. Tại TP. Quy Nhơn, bên cạnh các KTX của trường ĐHSP Quy Nhơn, CĐSP Bình Định… hơn 1500 hộ gia đình đã đồng ý đón tiếp thí sinh. Nhiều hộ gia đình sẵn sàng cho các thí sinh ở mà không lấy tiền, hoặc nếu có lấy tiền thì cũng chỉ với mức khoảng từ 6-10 ngàn đồng/người/ngày. Đáng lưu ý, ở đợt thi thứ hai, do số lượng thí sinh đông, Hội Đồng TSLT Cụm thi Quy Nhơn quyết định mở thêm 2 điểm thi tại An Nhơn và Tuy Phước. Trong số này, huyện An Nhơn có 2.300 thí sinh và huyện Tuy Phước có 6.500 thí sinh. Tại 2 địa phương trên, cán bộ, nhân dân cũng tỏ rõ tấm lòng thơm thảo của mình đối với các thí sinh. Tại An Nhơn, UBND huyện, Huyện Đoàn đã vận động được 160 gia đình đón tiếp thí sinh. Nhiều gia đình sẵn sàng cho thí sinh ở mà không lấy tiền. Những hộ gia đình cho thí sinh ở cũng với giá chỉ khoảng 3-8 ngàn đồng/người/ngày. Tại huyện Tuy Phước cũng tương tự như vậy. Có khoảng gần 80% số hộ dân ở thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) đăng ký đón tiếp, phục vụ thí sinh. Trong số này cũng có nhiều hộ gia đình tình nguyện cho thí sinh ở mà không đòi hỏi chuyện tiền nong.

* Một cuộc "tập dượt" hiệu quả

Đối với Quy Nhơn - Bình Định, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 thật giống như một cuộc "diễn tập" có quy mô lớn. Tuy vậy, có thể nói, kỳ thi đã diễn ra khá thuận lợi. Tỷ lệ thí sinh tham gia qua 2 đợt thi khá cao. Trong ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ nhất, có 84,16% tham gia thi và ngày thi thứ hai vẫn có 82, 89% số thí sinh dự thi. Đợt thi thứ hai, mặc dù lượng thí sinh dự thi có giảm hơn nhưng cũng đạt tỷ lệ 82% (ngày đầu) và ngày thứ hai là 79,52%. Nhìn chung, tình hình thi cả 2 đợt đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt yêu cầu đề ra. Qua 2 đợt thi, chỉ có khoảng 300 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế thi. Trong số này, ở đợt thi đầu tiên chỉ có 8 thí sinh bị đình chỉ. Trong suốt 2 đợt thi tại Hội đồng TSLT Cụm thi Quy Nhơn chỉ xảy ra vài "sự cố" nhỏ. Trước ngày khai mạc kỳ thi, một nhóm cựu sinh viên tự xưng là nhóm "Ước mơ xanh" có hành vi "phỉnh dụ" các thí sinh. Tuy vậy, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý. Một "sự cố" khác là việc để sai sót về năm sinh của thí sinh, phải điều chỉnh lại. Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Ánh, thư ký Hội đồng TSLT Cụm thi Quy Nhơn lý giải: "Việc sai sót là điều khó tránh khỏi. Bởi vì, với 8-9 vạn thí sinh đăng ký dự thi, khi nhập số liệu, tên, họ, năm sinh, chuyện lộn năm sinh từ 1985 sang 1965 hay 1955 là chuyện khó tránh. Vấn đề là trước khi bước vào phòng thi, toàn bộ những trường hợp trên đều được xử lý kịp thời."

Đáng lưu ý hơn cả là "sự kiện phao thi" mà một tờ báo đã đưa tin. Thông tin về cái gọi là "nhộn nhịp chợ phao thi Quy Nhơn" thực sự gây "sốc" đối với độc giả cả nước trong đó có các Hội đồng thi và các thí sinh. Ngay sau khi có thông tin trên, chúng tôi đã làm việc với các ông Hoàng Văn Ánh, thư ký của Hội đồng TSLT Cụm thi Quy Nhơn và ông Hồ Xuân Quang, Trưởng phòng Công tác Chính trị trường ĐHSP Quy Nhơn. Họ đều khẳng định: "Hoàn toàn không có việc gọi là "chợ phao thi" ở Quy Nhơn.

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 Cụm thi Quy Nhơn đã kết thúc khá trọn vẹn. Cuộc "tập dượt" đầu tiên đã thành công. Có thể nói, đây chính là những quả ngọt đầu mùa đầy ý nghĩa. Hy vọng rằng, từ kết quả của mùa tuyển sinh hôm nay, Quy Nhơn - Bình Định sẽ được thí sinh và nhân dân cả nước biết đến. Xin hẹn một mùa tuyển sinh tới trọn vẹn hơn, thành công hơn…

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những thành công và thách thức của chương trình dân số ở Bình Định  (10/07/2003)
Làm gì để đạt hiệu quả cao hơn?  (09/07/2003)
An Nhơn - Tuy Phước đón chào sĩ tử  (08/07/2003)
Nhịp sống mới ở Nhơn Lý  (07/07/2003)
Đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên tại cụm thi Quy Nhơn: An toàn, nghiêm túc   (06/07/2003)
Xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam  (04/07/2003)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt gia đình tiêu biểu năm 2003  (03/07/2003)
Gương mặt mới ở Chánh Khoan Đông  (02/07/2003)
Quy Nhơn - Nóng cùng mùa thi  (02/07/2003)
Quy Nhơn đón chào sĩ tử  (02/07/2003)
Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương  (30/06/2003)
Họ Quách khuyến học  (29/06/2003)
Chuyện một đời cày thuê  (27/06/2003)
Một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa  (26/06/2003)
Truyền thống gia đình xưa và nay  (26/06/2003)