Cả 3 đều là dân ở khu vực 2, phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn. Do những hoàn cảnh khác nhau, họ rơi vào cảnh nghiện ngập ma túy. Với sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, họ đã quyết tâm từ bỏ và đã bỏ được.
* Cùng nhau hoàn lương
Anh Trịnh Ngọc Thái ở tổ 6 kể lại: "Chục năm nghiện ngập, là cả chục năm khốn đốn. Gia cảnh ngày càng suy sụp, đồ đạc trong nhà đội nón ra đi, đến ngôi nhà của cha mẹ cũng phải bán đi để thỏa cơn nghiện. Không có chỗ ở, phải dắt díu nhau đi ở nhờ. Trước hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ: dứt khoát phải bỏ. Bỏ không chỉ vì sức khỏe của mình, mà còn vì tương lai của mấy đứa con, vì hạnh phúc gia đình. Đó là vào những năm 1996".
Và không chỉ mình anh Thái, những "bạn nghiện" của anh vốn ở trong cùng khu vực này: Lý Phúc Sòng (tổ 5), Hồ Văn Thanh (tổ 1) đều có cùng một quyết tâm như vậy. Việc cai nghiện được tiến hành ngay tại cộng đồng, không cần một biện pháp mạnh nào. Anh Phan Hòa, chuyên trách công tác phòng - chống tệ nạn xã hội của phường, cho biết: "Năm 1995, tôi bắt đầu đảm nhận công tác phòng - chống tệ nạn xã hội của phường. Biết trong khu vực có ba người nghiện, tôi đã đến tận nhà từng người, và tâm sự với họ rằng, nếu họ muốn từ bỏ ma túy, chính quyền sẽ tạo điều kiện. Sau đó, biết quyết tâm cai nghiện của ba anh, chúng tôi đã trực tiếp lên Trung tâm Xúc tiến việc làm 05 - 06 để hỏi cách cai nghiện và mượn tài liệu, về hướng dẫn cho họ".
Kể lại hành trình cai nghiện của mình, anh Thái cho biết: "Đầu tiên cũng vất vả lắm. Đau xương, nhức mình, nằm một chỗ, cũng phải cắn răng chịu. Yếu sức quá thì uống sữa, mua thêm chút thức ăn bồi dưỡng và cứ tự dặn mình: Hôm nay mệt, ngày mai còn mệt, ngày kia có thể cũng vẫn mệt, nhưng không thể cứ vậy hoài. Rồi sẽ có lúc, mình sẽ vượt qua được, vấn đề là có đủ dũng cảm vượt qua những cơn nghiện hay không. Có những lúc, thèm thuốc ghê gớm, bạn nghiện tìm đến rủ, nhưng cũng dặn lòng mình không được sa vào con đường cũ. Có lần, có những người nghiện từ địa phương khác đến, nghe tiếng, tìm đến để hỏi chỗ mua thuốc, tôi không những không chỉ mà còn khuyên họ nên bỏ. Lại cũng có những người biết tôi cai nghiện thành công, cũng có ý tìm đến học cách cai".
Ngoài sự nỗ lực của bản thân, họ còn được sự thăm hỏi, động viên thường xuyên của chính quyền địa phương và bà con xóm giềng. Bên cạnh đó, để giúp họ có vốn tìm kiếm việc làm mới, tháng 8 năm 1999, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định quyết định hỗ trợ vốn ban đầu 400.000 đồng cho mỗi người. Số tiền tuy nhỏ, nhưng đã tạo điều kiện cho đối tượng tìm kiếm việc làm hoàn lương, nhưng quan trọng hơn, đó chính là cái bắt tay thân thiện đầu tiên của cộng đồng, khẳng định niềm tin thật sự vào khát vọng hoàn lương của họ, giúp họ vượt qua những mặc cảm.
* Và khi đã quyết tâm
Nay thì chị Hồng Đức, vợ anh Thái, đã có thêm người phụ giúp việc bán hàng. Hai vợ chồng anh đã sang được một lô bán trái cây trong chợ Phú Tài từ ba năm nay. Ngày lại ngày, anh Thái cùng vợ dọn trái cây ra lô trong chợ, và đêm đêm, lại lui cui dọn ra dọc đường lộ để tranh thủ bán thêm. Còn khi chị bán hàng ngoài chợ, anh lo dọn dẹp chuyện nhà, chuyện cửa, lo cho mấy đứa con. Anh Thái tâm sự: "Bây giờ, mấy đứa nhỏ là tất cả niềm vui của tôi". Gia đình anh có bốn người con, thì hai người đã có công ăn việc làm, người làm phụ chạy xe đường dài, người làm nghề cắt tóc. Hai người con nhỏ, một đang học lớp 10, một học lớp 6 và đều là học sinh giỏi. Cuộc sống gia đình anh Thái nay đang dần ổn định. Anh đã chắt bóp, dựng tạm được căn nhà. Căn nhà tuy nhỏ, vách ván đơn sơ, nhưng gọn gàng, ngăn nắp và là tất cả những gì tích góp của gia đình anh từ vài năm nay.
Hai vợ chồng anh Sòng đời sống đã có phần ổn định hơn. Ngày ngày, anh đi làm thợ gỗ trong Khu Công nghiệp Phú Tài, chị bán hàng trước nhà. Những lúc rảnh rỗi, anh đều dành thời gian phụ giúp chị bán hàng. Gia đình anh cũng đã sửa chữa lại căn nhà cũ, thành ngôi nhà xây cấp 4 khang trang. Còn anh Thanh cũng sang phụ giúp vợ bán hàng ăn trước nhà.
Mỗi người một gia cảnh, nhưng tất cả có cùng một điểm chung: họ đã thật sự hoàn lương, giã từ con đường nghiện ngập để làm lại cuộc đời. Cuộc sống tuy có thể hãy còn không ít khó khăn, nhưng họ đều rất đỗi vui sướng và tự hào, bởi hạnh phúc của đời họ đã được tạo dựng lại bằng chính lòng quyết tâm và đôi bàn tay lao động của họ.
Tâm sự với chúng tôi, họ rất thật lòng: "Nếu không có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của gia đình, xóm giềng và cộng đồng thì… Bây giờ, chỉ nghĩ lại những ngày đó, chúng tôi đã thấy sợ".
. Lê Viết Thọ
|