Một ngày với xóm lưới...
17:23', 14/7/ 2003 (GMT+7)

Vá lưới (ảnh: Đào Tiến Đạt)

1.
4 giờ sáng, xóm lưới (khu vực 9, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn) đang im ắng, bỗng rộn rã lạ thường. Đầu tiên là tiếng nói cười lao xao, tiếng gọi nhau í ới; rồi những nhịp chân vội vã bước, kéo theo những chiếc thuyền chuyển động choài trên mặt cát và kết lại thành từng hàng dài trên bến sông. Mỗi hàng thuyền gồm khoảng 20- 30 chiếc, được một chiếc ghe máy dẫn đầu, rục rịch kéo ra mặt đầm Thị Nại. Sau vài giờ buông lưới trên mặt đầm, quãng 9- 10 giờ sáng, chiếc ghe lại kéo những chiếc thuyền nối đuôi nhau trở về. Khi ấy, đứng trên bến sông nhìn ra, những chiếc thuyền kết đuôi nhau trở về như đang chơi trò rồng rắn. Những "nậu nước" đã chèo thuyền đợi sẵn đầu cửa sông, cân ngay những sản phẩm của mẻ lưới đầu ngày. Lớp cá, tôm nhỏ, họ mang ra chợ bán, lớp lớn hơn, chuyển lên xe chở vào bán tại những thị trường xa. Còn người xóm lưới, mệt nhoài sau những giờ vất vả, quơ quàng thu dọn đám lưới, bước nhanh về dưới những mái nhà.

2. Quãng 10 giờ sáng, tôi trở lại xóm lưới khi những người đàn ông xóm lưới sau một buổi làm việc, đã có thể bình yên "thả khói" trên những bậc thềm. Và những người vợ thì vẫn miệt mài vá lưới. Anh Trần Ngọc Tửu vừa giở đám lưới rách, cho người vợ cần mẫn vá lại, vừa vui vẻ giải thích: "Bao đời nay, chúng tôi đã sống dựa vào nghề lưới trên đầm Thị Nại. Đời cha, đời ông chúng tôi đã có nghề này rồi; đàn ông chuyên đi thuyền, làm cá, bắt tôm; còn phụ nữ ở nhà vá lưới và lo toan công chuyện bếp núc trong nhà".

Qua câu chuyện với anh Trần Ngọc Thạch, một thanh niên trong xóm, tôi được biết, xóm lưới hiện có khoảng 100 chiếc thuyền và khoảng 8 ghe máy. Ngoài chuyện bắt cá, lưới tôm như bao chiếc thuyền khác, mỗi chiếc ghe máy còn "hợp đồng" kéo khoảng 20- 30 thuyền ra mặt đầm. Các thuyền trả cho chủ ghe 3.000 đồng/thuyền mỗi ngày. Một đêm, mỗi ghe, thuyền có thể đánh lưới được vài kg cá, tôm, ghẹ. Ông Trần Thanh Liêm, một chủ ghe tâm sự: "Cái nghề này, nói thật với chú là không ổn định, hồi có cũng được kha khá, hồi cũng về không thôi, nhưng được cái có thu nhập mỗi ngày nên cũng đỡ. Thật ra, xóm lưới vài năm trở lại đây cũng được chia ruộng, rồi cũng có người đi làm thợ hồ, thợ gỗ đủ cả, nhưng nhìn chung, nguồn sống chính vẫn dựa vào nguồn lợi hải sản từ mặt đầm".

Trở chiều, loáng thoáng trên cửa sông Hà Thanh, đã thấy bóng những chiếc thuyền của người xóm lưới chuẩn bị chèo ra mặt đầm. Một người dân cho biết: người xóm lưới lại đang chuẩn bị đánh buổi cá chiều. Anh Thạch, cũng là một người trong số họ, vui vẻ cho hay: "Buổi chiều, đánh bắt được ít hơn ban sáng, nhiều người không đi nữa, chỉ cánh thanh niên là hay rủ nhau đi làm thêm để có chút tiền dằn lưng vậy mà".

3. Trong câu chuyện với người xóm lưới, người dân xóm lưới tâm sự với tôi về tình hình nguồn lợi hải sản hiện nay trên đầm Thị Nại. Chị Hồ Thị Bé bức xúc: "So với hồi xưa, bây giờ cũng chỉ còn bằng một phần mười. Là những người sống dựa vào nguồn lợi này, chúng tôi hiểu rõ những bức xúc hơn ai hết. Tình trạng xung điện, xiếc máy trên mặt đầm đã bị lên án từ nhiều năm nay rồi, mà vẫn chưa có biện pháp để chấm dứt. Họ đánh bắt không từ một thứ gì, tàn phá dữ lắm, một đêm đánh tới 40 - 50 kg tôm, cá thì còn gì nữa mà nguồn với lợi. Trong khi đó, chúng tôi cũng đánh bắt trên mặt đầm, nhưng mắc lưới lớn, để chừa cá con ra, tương lai còn có cái mà đánh bắt chớ! Người dân xóm lưới tụi tui, thấy những người làm xung điện trên đầm cũng đuổi dữ lắm, nhưng chính quyền các địa phương không kiên quyết thì đành chịu". Còn anh Thạch thì quả quyết: "Bao giờ nạn xung điện chấm dứt thì người dân xóm lưới chúng tôi sẽ dễ thở hơn, mặt đầm sẽ bình yên hơn".

Lại một ngày làm việc mới đã bắt đầu với hình ảnh những chiếc ghe, thuyền rồng rắn nối đuôi nhau tiến ra mặt đầm. Mỗi lần bắt gặp hình ảnh ấy, cộng thêm cái âm hưởng rộn ràng trên bến sông buổi sáng, lại đem lại trong tôi ấn tượng một sự khám phá thật mới mẻ và xúc động về cuộc sống.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên   (14/07/2003)
Nhanh chóng làm rõ vụ cướp trên bãi biển Quy Nhơn   (13/07/2003)
Khi người nghiện đã quyết tâm   (13/07/2003)
Những quả ngọt đầu mùa   (11/07/2003)
Những thành công và thách thức của chương trình dân số ở Bình Định  (10/07/2003)
Làm gì để đạt hiệu quả cao hơn?  (09/07/2003)
An Nhơn - Tuy Phước đón chào sĩ tử  (08/07/2003)
Nhịp sống mới ở Nhơn Lý  (07/07/2003)
Đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên tại cụm thi Quy Nhơn: An toàn, nghiêm túc   (06/07/2003)
Xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam  (04/07/2003)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt gia đình tiêu biểu năm 2003  (03/07/2003)
Gương mặt mới ở Chánh Khoan Đông  (02/07/2003)
Quy Nhơn - Nóng cùng mùa thi  (02/07/2003)
Quy Nhơn đón chào sĩ tử  (02/07/2003)
Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương  (30/06/2003)