Dạy nghề: Để cung gặp cầu
17:24', 15/7/ 2003 (GMT+7)

Một số nghề thị trường cần thì vẫn chưa được đào tạo hoặc đào tạo hạn chế do thiếu trang thiết bị thực hành. Làm thế nào để đào tạo nghề (ĐTN) tiếp cận được với nhu cầu thị trường lao động? 

* Đào tạo những gì mình có?

Học và làm nghề tại cơ sở thêu may của các soeur dòng Mến thánh giá Quy Nhơn (ảnh: V.T)

Toàn tỉnh hiện có 25 trường và cơ sở dạy nghề (DN) và khoảng 755 cơ sở DN tư nhân. Những năm qua, công tác ĐTN đã có bước phát triển, góp phần đưa tổng số lao động đã qua đào tạo toàn tỉnh từ 104.488 người năm 2000 (chiếm 14,8%), lên 152.900 người năm 2002 (20,3%). Ngành nghề, cấp bậc đào tạo được mở rộng với 29 nghề. Bên cạnh các hình thức DN ngắn hạn, lồng ghép vào các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm linh hoạt, phù hợp với trình độ và khả năng của người lao động, còn có các hình thức đào tạo 3 - 12 tháng, 2,5 - 3 năm. ĐTN vươn ra tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân và đã hình thành hình thức DN tại chỗ cho các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu kỹ thuật tại chỗ.

Tuy nhiên, ĐTN vẫn dừng lại ở những nghề mình có, chưa đáp ứng kịp thời được với nhu cầu thị trường. Các cơ sở DN chủ yếu dạy các ngành "truyền thống" như may công nghiệp, điện tử, điện dân dụng, tin học… Trong khi đó, những nghề đang có nhu cầu lớn trên thị trường lao động như cơ khí, động lực, gò hàn thì công tác đào tạo lại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngay với những nghề "truyền thống", yêu cầu của thị trường ngày càng cao nhưng trình độ ĐTN chưa được cập nhật. Nếu trước đây, với lao động nghề may, chỉ cần biết ban đầu, thì nay, các doanh nghiệp đã có yêu cầu người lao động phải có kỹ thuật cao hơn.

Nguyên nhân đầu tiên là trang thiết bị giảng dạy và thực hành nhìn chung còn thiếu và lạc hậu. Trừ Trường CNKT Quy Nhơn, còn lại trang thiết bị của các cơ sở DN khác đều thiếu hoặc lạc hậu, thậm chí, trang thiết bị thực hành cách biệt hàng chục năm so với thực tế sản xuất. Học sinh vẫn phải học chay hoặc học trên sơ đồ là chính. Nhiều học sinh ra trường đi làm vẫn rất lúng túng khi trực tiếp thao tác trên các máy hiện đại mà họ chưa được tiếp xúc trong trường và đa số đều phải được doanh nghiệp tuyển dụng đào tạo lại.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn chậm đổi mới, chưa được cập nhật. Phương pháp đào tạo chưa phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh. Trình độ chuyên môn và tay nghề của giáo viên cũng là thực tế đáng lo ngại. Giáo viên chưa được chuẩn hóa về kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề; kinh nghiệm thực tế, khả năng tiếp cận với công nghệ hiện đại hạn chế.

* Để cung gặp cầu

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, năm 2003 và các năm tiếp theo, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong các doanh nghiệp sẽ giảm mạnh và thay vào đó là nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo. Thị trường trong tỉnh, hiện đang có nhu cầu lớn về lao động qua đào tạo, nhất là các ngành như: may, cơ khí, gò hàn, điện công nghiệp… Đắt hàng nhất vẫn là ngành may do có nhu cầu rất lớn. Các ngành khác như cơ khí, hàn… hiện cũng có nhu cầu cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các KCN, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh. Ngay tại thời điểm này, thông qua Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh), 5 doanh nghiệp ngoại tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 6.300 lao động, chủ yếu là lao động ngành may, chế biến thủy sản.  

Như vậy, để đón đầu nhu cầu của thị trường lao động, thời gian tới, cần chú trọng đào tạo các ngành công nghệ cao như: thông tin, cơ khí chính xác, cơ điện - điện tử… đi đôi việc tiếp tục mở rộng đào tạo các nghề phổ thông: quản trị hành chính, quản trị doanh nghiệp, thư ký… mà xã hội có nhu cầu. Trình độ ĐTN phải xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Phải hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành theo các bậc: bán lành nghề, lành nghề và trình độ cao cùng với việc điều chỉnh ĐTN ngắn hạn và dài hạn phù hợp với điều kiện và khả năng hiện có. Từng bước đào tạo liên thông giữa các ngành nghề, giữa các trình độ đào tạo và liên thông với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo cơ hội học tập và phát triển nghề phù hợp với nhiều đối tượng lao động. Đó cũng là cách góp phần phân luồng học sinh THCS và THPT. Tóm lại, mục tiêu của chúng ta là: đào tạo những nghề xã hội có nhu cầu.

Với mục tiêu đó, từ nay đến năm 2010, tỉnh sẽ đầu tư hơn 14,4 tỉ đồng mua sắm các trang thiết bị dạy học cho các trường nghề; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên trường nghề. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quy định về chính sách học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội với học sinh học nghề, tạo nhiều thuận lợi cho các bạn trẻ theo học các trường nghề.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một ngày với xóm lưới...   (14/07/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên   (14/07/2003)
Nhanh chóng làm rõ vụ cướp trên bãi biển Quy Nhơn   (13/07/2003)
Khi người nghiện đã quyết tâm   (13/07/2003)
Những quả ngọt đầu mùa   (11/07/2003)
Những thành công và thách thức của chương trình dân số ở Bình Định  (10/07/2003)
Làm gì để đạt hiệu quả cao hơn?  (09/07/2003)
An Nhơn - Tuy Phước đón chào sĩ tử  (08/07/2003)
Nhịp sống mới ở Nhơn Lý  (07/07/2003)
Đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên tại cụm thi Quy Nhơn: An toàn, nghiêm túc   (06/07/2003)
Xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam  (04/07/2003)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt gia đình tiêu biểu năm 2003  (03/07/2003)
Gương mặt mới ở Chánh Khoan Đông  (02/07/2003)
Quy Nhơn - Nóng cùng mùa thi  (02/07/2003)
Quy Nhơn đón chào sĩ tử  (02/07/2003)