Cát Tài là một xã nghèo, nằm dưới chân núi Bà thuộc huyện Phù Cát. Thực hiện chủ trương của huyện, cuối năm 2001, Đảng ủy và UBND xã đã chỉ đạo Hội Khuyến học phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức phổ biến các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam, tuyên truyền Điều lệ của Hội rộng rãi trong nhân dân. Ngay sau khi được học tập đã có 171 người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tự nguyện đăng ký gia nhập Hội Khuyến học.
Đại hội Khuyến học xã nhiệm kỳ 2002-2004 đã bầu Ban chấp hành Hội gồm 15 người, do ông Hồ Văn Thi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nhiều khóa làm chủ tịch Hội. Ban chấp hành có quy chế làm việc, phân công các thành viên phụ trách 5 Chi hội trực thuộc (Văn phòng Ủy ban nhân dân xã, 2 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo và 1 trường THCS). Do nhận thức được nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của Hội, xã Cát Tài đã chú trọng thực hiện khuyến học trong và ngoài nhà trường. Xúc tiến xây dựng Quỹ Khuyến học, xã tập trung vận động 3 đối tượng: cán bộ, giáo viên và nhân dân trong xã; con em Cát Tài đang công tác và sinh sống trên mọi miền đất nước; các đơn vị đang hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã. Đến nay Quỹ Khuyến học đã có 34,6 triệu đồng, nhiều nhất so với các xã trong toàn huyện. Riêng bà con ở TP Hồ Chí Minh đã ủng hộ 9 triệu đồng tiền mặt và 2 triệu đồng bằng sách vở.
Phong trào dạy tốt – học tốt được khuyến khích dưới các hình thức: khen thưởng thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam; cấp học bổng cho học sinh nghèo mồ côi cha mẹ; thưởng học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp huyện; thưởng học sinh giỏi cấp I và cấp II cuối năm… Ở Cát Tài chưa thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, nhưng hoạt động khuyến học, thực hiện giáo dục ngoài nhà trường đã có từ lâu. Vai trò của Hội Khuyến học Cát Tài thể hiện nổi bật trong việc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tiến hành mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng. Ngay trong năm 2003, Hội đã chủ động phối hợp với Hội đồng giáo dục và giáo viên, tuyên truyền vận động các gia đình có con em trong độ tuổi đi học; Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể mở 2 lớp IPM cho 50 hội viên và nông dân học thực nghiệm cây bông vải, phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bông (mỗi tuần 1 ngày trong 3 tháng liền); trang bị kiến thức về kinh tế, dinh dưỡng cho 20 cán bộ và phổ biến cho 60 nông dân có vườn dừa về kỹ thuật phòng trừ bọ dừa; giúp cho 50 nông dân chăn nuôi bò lai và 10 cán bộ ở thôn nắm được kỹ thuật vỗ béo gia súc.
Các hình thức học tập cộng đồng ở Cát Tài đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hình thành một phong trào học tập cho đông đảo quần chúng. Nội dung hoạt động của Hội Khuyến học được mở rộng trên nhiều lĩnh vực cả nhận thức và hành động. Vị thế của Hội ngày càng được phát huy. Tuy nhiên, Hội Khuyến học Cát Tài đang cùng hoàn cảnh với nhiều tổ chức khuyến học trong tỉnh, đó là việc khó khăn về cơ chế chính sách.
Hoạt động khuyến học của xã Cát Tài trở thành điểm sáng ở huyện Phù Cát là nhờ có Đảng, chính quyền cơ sở tăng cường lãnh đạo, toàn dân chăm lo, Hội Khuyến học kiên trì hoạt động. Nhưng ở đây cũng như nhiều địa phương đều mong muốn được sớm có chế độ chính sách để tạo động lực thúc đẩy mặt trận khuyến học phát triển bền vững, khích lệ đội ngũ cán bộ, nhất là ở xã, phường làm công tác khuyến học.
. Nguyễn Trác
|