|
Các đại biểu đang chất vấn (ảnh: Q.K) |
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành vào trọn buổi sáng 17-7. Rất nhiều bức xúc của cử tri được các đại biểu HĐND tỉnh đặt ra trong Kỳ họp song lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trả lời rốt ráo. Không có nhiều đại biểu chất vấn trực tiếp chứng tỏ các ý kiến trả lời đã nói thẳng vào vấn đề và nói rất thỏa đáng.
Các vấn đề được các đại biểu HĐND tổng hợp từ cử tri đưa ra chất vấn trong Kỳ họp lần này nằm ở hầu hết các sở, ngành. Đối với Sở NN&PTNT, nỗi bức xúc của bà con nông dân là vấn đề cây mía và tiêu thụ cây mía. Đây là một nỗi trăn trở chính đáng bởi với việc gia nhập AFTA, dự báo ngành mía đường cả nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng với Bình Định, lượng đường còn tồn đọng là 8.000 tấn. Trước tình trạng này, Nhà máy đường Bình Định muốn tồn tại không còn cách nào khác hơn là, một mặt, phải bảo đảm vùng nguyên liệu mía, mặt khác phải tăng năng suất mía lên 70-80 tấn/ha trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT đã nêu ra một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho Nhà máy đường có nguyên liệu hoạt động và nông dân trồng mía có lợi. Đó là việc tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh từ 5.000 – 6.000 ha (trong năm nay quy hoạch trồng 1.000 ha). Đồng thời tổ chức lại công tác thu mua theo phương thức nhà máy ký hợp đồng với HTX – hộ nông dân có sự xác nhận của chính quyền cấp xã…
Đối với ngành thủy sản, cử tri quan tâm đến tiến độ chậm chạp của dự án chuyển đổi đất lúa nhiễm mặn sang nuôi tôm và đặc biệt là tình hình bệnh tôm kéo dài. Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Thủy sản, khi trả lời chất vấn đã nêu ra những nguyên nhân của bệnh tôm và chỉ ra biện pháp khắc phục. Theo đó, Sở Thủy sản phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai chương trình nuôi tôm, đề cao công tác phòng chống dịch bệnh với nhiều biện pháp cụ thể trong đó có việc ban hành lịch thời vụ nuôi tôm đồng thời khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật và mật độ thả nuôi cho từng vùng; tập huấn chuyển giao kỹ thuật, kiểm dịch tôm giống và quản lý thuốc thú y thủy sản…
Trả lời chất vấn quanh các vấn đề địa chính, ông Hồ Quang Mươi, Giám đốc Sở Địa chính, đã nói rất thuyết phục. Lần này, cử tri TP Quy Nhơn tiếp tục lục vấn ông về kết quả xử lý những lô đất ở tại TP Quy Nhơn, mặc dù được giao đất nhưng chưa sử dụng nên đã góp phần gây ô nhiễm môi trường, mà Sở Địa chính đã một lần trả lời chất vấn tại kỳ họp lần trước. Ông Hồ Quang Mươi cho biết, sau khi thực hiện chủ trương và biện pháp mà UBND tỉnh đề ra từ sau kỳ họp lần trước, kết quả đem lại khá tốt. Giá đất tại TP Quy Nhơn cũng như trong toàn tỉnh đã có chiều hướng giảm, ngăn chặn được cơn sốt về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong 6 tháng đầu năm 2003 đã có gần 400 lô đất tiến hành xây dựng nhà ở và 99 trường hợp xin xây dựng trong 6 tháng cuối năm nay. Số đất còn lại là 279 lô đã kê khai và xin xây dựng từ năm 2004 trở đi. Cách giải quyết của Sở Địa chính là xin chủ trương UBND tỉnh, theo hướng đất có nguồn gốc Nhà nước giao từ năm 1999 trở về trước thì cho phép được gia hạn thời gian xây dựng đến ngày 30-6-2004; trường hợp được giao đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ngày 1-1-2000 đến nay được gia hạn đến ngày 31-9. Quá thời hạn trên Nhà nước sẽ thu hồi theo quy định tại điều 26 của Luật Đất đai. Ông Mươi cũng nói khá gay gắt về tình trạng giao đất không đúng đối tượng dẫn đến khó khăn trong việc chống đầu cơ đất.
Một vấn đề xã hội bức xúc khác là việc không ngăn chặn được nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở vùng rừng giáp ranh của xã Vĩnh An (Tây Sơn) giáp với tỉnh Gia Lai. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đình Kim, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã nêu ra những khó khăn: Lực lượng kiểm lâm mỏng; lâm tặc có nhiều thủ đoạn tinh vi; pháp luật còn nhiều bất cập… Ông Kim cũng thừa nhận rằng trong lực lượng kiểm lâm có một phần tử nhỏ không trong sáng, có dấu hiệu tiêu cực, móc nối với lâm tặc để lộ thông tin khiến nhiều lần tổ chức truy quét đều thất bại… Tích cực ngăn chặn tệ nạn này, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện những biện pháp mạnh như: thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở tỉnh; thành lập tổ công tác liên ngành chống phá rừng ở huyện; tiến hành thống kê phân loại các đối tượng phá rừng chuyên nghiệp và đặc biệt là phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương huyện, xã bố trí chuyển đổi sản xuất cây trồng, phát triển ngành nghề và cùng với ngành chức năng khẩn trương giao khoán bảo vệ rừng để rừng có chủ… giúp người dân có việc làm, hạn chế phá rừng.
|
Ông Trần Văn Quý, giám đốc Sở GD-ĐT trả lời chất vất (ảnh: Q.K) |
Đối với ngành giáo dục đào tạo, câu hỏi chất vấn lần này đi vào vấn đề cụ thể là lý do việc mở rộng mặt bằng trường THPT An Nhơn 3 không thực hiện được. Thực ra, kế hoạch cho việc mở rộng này đã được duyệt từ gần 3 năm nay nhưng không triển khai được là do không thực hiện được phương án đền bù. Qua các năm 2001,2002, phương án đền bù, giải phóng, mở rộng mặt bằng do Trường THPT An Nhơn 3 cùng với UBND xã Nhơn Thọ và UBND huyện An Nhơn không thực hiện được do không giải quyết thỏa đáng tiền đền bù nên các hộ dân không chịu di dời. Hiện nay phương án xây dựng 12 phòng học 2 tầng đã thực hiện nên kế hoạch giải phóng mặt bằng không tiếp tục được do thiếu vốn.
Một loạt các vấn đề khác như giải quyết chính sách cho các đối tượng sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội đi B; vấn đề đầu tư xây dựng giao thông; cấp nước sinh hoạt cho nhân dân phường Quang Trung TP Quy Nhơn… cũng được lãnh đạo các ngành liên quan trả lời đầy đủ, thấu đáo. Nếu so với các lần trả lời chất vấn ở các kỳ họp trước đây, có thể nói lần này lãnh đạo các sở ngành đã trả lời thẳng vào vấn đề và trả lời thỏa đáng hơn.
. Quang Khanh
|