Củng cố tổ chức Công đoàn cơ sở ở Bình Định:
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
16:24', 20/7/ 2003 (GMT+7)

Chế biến tôm tại Cty thực phẩm XNK Lam Sơn (ảnh: Trần Đăng)

Đánh giá về những điểm nổi bật trong hoạt động công đoàn (CĐ) nhiệm kỳ qua, ông Nguyễn Ngọc Trợ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định khẳng định: "Việc củng cố hệ thống tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS) của Bình Định trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ), nhất là những doanh nghiệp ngoài quốc doanh".

* Những nơi nhạy cảm

Ông Nguyễn Ngọc Trợ cho rằng, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là những nơi "nhạy cảm" nhất trong việc phát triển tổ chức CĐ. Không phải những doanh nghiệp này làm ăn không tử tế mà cái chính là họ không muốn dính vào các tổ chức, nhất là tổ chức CĐ - nơi sẽ bảo vệ quyền lợi cho những công nhân trong doanh nghiệp. Có ông giám đốc đã nói thẳng rằng: "Miễn sao chúng tôi trả lương sòng phẳng với công nhân là được, vì thêm một tổ chức CĐ trong đơn vị là thêm việc họp hành phiền phức". Ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài có đến trên 80 nhà máy, phần lớn là của tư nhân, không hiếm những ý kiến như vị giám đốc nọ. Tuy nhiên, việc phát triển tổ chức CĐ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không phải để làm "vật đối trọng" với giới chủ mà cái chính là để cùng với doanh nghiệp, đảm bảo một cách cơ bản quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ, đồng thời giúp cho doanh nghiệp tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc trong mối quan hệ giữa chủ và thợ, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong công nhân.

Trên lý thuyết là vậy, song khi xáp vào thực tế, những người chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển tổ chức CĐ ngoài quốc doanh của LĐLĐ Bình Định đã gặp không ít những cản ngại khi bước vào vùng "nhạy cảm" này. Vận động và giải thích cho doanh nghiệp hiểu về tổ chức CĐ vẫn là phương pháp chủ yếu để thành lập CĐCS. Trong một vài năm đầu, Bình Định là tỉnh rất yếu trong việc phát triển tổ chức CĐCS ngoài quốc doanh. Thế nhưng, trước sự bền lòng đầy trách nhiệm của những cán bộ đi vận động, các chủ doanh nghiệp dần dần đã ngộ ra. Trong vài năm nay đã có 18 CĐCS ngoài quốc doanh được thành lập tại các KCN của tỉnh.

* Chính quyền luôn đứng phía sau CĐ

Điều đáng ghi nhận là chưa bao giờ CĐ ở Bình Định hoạt động một cách đơn độc mà luôn được sự hậu thuẫn rất tích cực và hiệu quả của chính quyền. Tỉnh ủy Bình Định ra nghị quyết đến năm 2005, những doanh nghiệp được thành lập từ năm 2003 trở về trước phải có tổ chức CĐ trong đơn vị mình. Trước đó, tỉnh Bình Định cũng đã có hàng loạt những văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải hoàn thiện các điều kiện cần thiết để tiến hành thành lập CĐ. Việc thành lập CĐ các KCN Bình Định được xem như một bước ngoặt quan trọng trong việc hình thành hàng loạt các tổ chức CĐCS ngoài quốc doanh tại KCN Phú Tài. Ông Phó chủ tịch CĐ các KCN lại là Phó trưởng Ban quản lý các KCN Bình Định. Chính quyền luôn "đứng đàng sau" là vậy. Ông chủ tịch LĐLĐ tỉnh muốn tiếp cận với doanh nghiệp chắc chắn là sẽ khó khăn hơn ông Phó chủ tịch CĐ các KCN vì rằng chính ông này là Phó trưởng Ban các KCN. Không một giám đốc nào có thể từ chối làm việc với ông Phó trưởng Ban các KCN dù rằng ông ta đến làm việc với tư cách của một cán bộ CĐ!

Sự hỗ trợ từ phía chính quyền không chỉ giúp những cán bộ CĐ an tâm trong hoạt động của mình mà còn thúc đẩy việc hình thành các tổ chức CĐ tại các doanh nghiệp tư nhân. Và, việc hình thành tổ chức CĐ tại những nơi ấy không phải chỉ để cho có "phong trào" mà là để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Tại KCN Phú Tài hiện có 12 ngàn công nhân nhưng nhiều năm qua chưa xảy ra một cuộc đình công nào của công nhân với giới chủ, cũng chưa xảy ra tình trạng khiếu kiện tập thể để đòi quyền lợi. Không hẳn vì giới chủ họ quá tử tế với NLĐ mà cái chính là những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở đã sớm được tổ chức CĐ giải quyết thỏa đáng. Cả giới chủ lẫn công nhân đều cảm thấy mình không bị thiệt.

Tỉnh Bình Định đang trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư, song cũng không kém phần kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm luật lao động. Nếu không có sự hỗ trợ một cách tích cực và hiệu quả từ chính quyền thì chắc chắn trong một thời gian ngắn, Bình Định không thể cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp. Tại các đơn vị này, một lần nữa, vai trò của CĐ đã được phát huy. Chính CĐ đã đưa một vai vào gánh vác trách nhiệm khi doanh nghiệp chuyển sang một hình thức mới. Tất cả những công nhân và NLĐ tại 20 doanh nghiệp vừa được cổ phần hóa đều cảm thấy yên tâm hơn với các khoản thu nhập ngày một tăng của mình.

. Trần Đăng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hạnh phúc của đôi vợ chồng người thương binh xứ dừa   (18/07/2003)
Trả lời thỏa đáng những bức xúc của cử tri  (17/07/2003)
Xã Cát Tài chăm lo công tác khuyến học   (17/07/2003)
Dạy nghề: Để cung gặp cầu   (15/07/2003)
Một ngày với xóm lưới...   (14/07/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên   (14/07/2003)
Nhanh chóng làm rõ vụ cướp trên bãi biển Quy Nhơn   (13/07/2003)
Khi người nghiện đã quyết tâm   (13/07/2003)
Những quả ngọt đầu mùa   (11/07/2003)
Những thành công và thách thức của chương trình dân số ở Bình Định  (10/07/2003)
Làm gì để đạt hiệu quả cao hơn?  (09/07/2003)
An Nhơn - Tuy Phước đón chào sĩ tử  (08/07/2003)
Nhịp sống mới ở Nhơn Lý  (07/07/2003)
Đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên tại cụm thi Quy Nhơn: An toàn, nghiêm túc   (06/07/2003)
Xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam  (04/07/2003)