Phát triển làng nghề và vấn đề giải quyết việc làm
16:0', 21/7/ 2003 (GMT+7)

Bình Định hiện có 41 làng nghề truyền thống, chiếm 34% số cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Các làng nghề là nơi giúp để giải quyết việc làm cho một bộ phận khá lớn người lao động ở nông thôn.

* Làng nghề và việc giải quyết việc làm ở nông thôn

Phát triển làng nghề là một trong những giải pháp để giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Theo thống kê, 41 làng nghề truyền thống hiện có đang giải quyết việc làm cho khoảng 14.000 lao động. Ở những khu vực nông thôn vừa làm nông vừa sản xuất thêm các ngành nghề truyền thống có tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn so với các khu vực thuần nông.

Hiện nay, các làng nghề đang trên đà gượng dậy. An Nhơn là huyện tập trung số lượng nhiều các làng nghề. Dọc quốc lộ 1 ngang qua hai thị trấn Bình Định, Đập Đá và các xã: Nhơn Hưng, Nhơn Thành là hàng loạt làng nghề gia công cơ khí, trang trí nội thất, may mặc, hàng tiêu dùng… Khu đông (các xã: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh) phát triển mạnh nghề dịch vụ cơ khí, nghề truyền thống, chế biến lương thực, thực phẩm. Khu tây (các xã Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu) chuyên sản xuất các sản phẩm: tiện gỗ, gốm, làm bún… Dọc quốc lộ 19, lại là các làng nghề nấu rượu Bầu Đá, bánh tráng xuất khẩu, đan tre… Các làng nghề này đã góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của lao động địa phương. Chẳng hạn, làng tiện gỗ Nhơn Hậu hiện có hơn 70 cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động; trong đó, có 8 cơ sở kết hợp dạy nghề. Riêng năm 2002, các cơ sở này đã thu hút 415 lao động học nghề.

Ngoài các làng nghề, đến nay toàn tỉnh có 25 cụm công nghiệp đăng ký với quy mô khoảng 345 ha; trong đó, cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (An Nhơn) tổng diện tích quy hoạch gần 17 ha đã có 20 cơ sở đang sản xuất, 29 cơ sở đang tiến hành xây dựng cơ bản và cụm công nghiệp Quang Trung (Quy Nhơn) tổng diện tích 8,4 ha, 11 cơ sở đang xây dựng cơ bản. Các làng nghề và các cụm công nghiệp này sẽ tiếp tục góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm cho thanh niên ở nông thôn.

* Nỗi niềm lao động làng nghề

Hiện nay, lao động trẻ không mấy mặn mà với nghề truyền thống. Tại làng gốm Nhơn Hậu, số hộ làm nghề hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Một chủ hộ tâm sự: "Bây giờ, cho con cái đi học nghề khác mới có cái ăn, chứ bám vào nghề này làm gì, sản phẩm không có đầu ra, thu nhập lại thấp".

Ngay cả những nghề có thu nhập khá hơn, số thợ trẻ vẫn ít. Anh Trần Văn Hùng, chủ cơ sở cùng tên tại làng nghề khảm xà cừ thôn Cẩm Văn (Nhơn Hưng- An Nhơn) tâm sự: "Mỗi thợ trẻ theo học nghề này chỉ mất từ 1 đến 1,5 năm; sau khi ra nghề có việc làm ngay, thu nhập bình quân cũng khoảng 900.000 đồng/tháng. Ở vùng nông thôn, làm chi để một tháng có gần triệu bạc? Vậy mà vẫn vắng bóng thợ trẻ". Cả làng chỉ vẻn vẹn trên chục thợ chính theo nghề khảm cẩn và một ít thợ làm công theo thời vụ.

Làng nghề làm nhang Thắng Công (xã Nhơn Phúc- huyện An Nhơn) cũng đang chật vật trong cơn lốc cạnh tranh trên thị trường. Cây nhang Thắng Công làm bằng nguyên vật liệu tự nhiên, không bắt mắt bằng nhang vàng Sài Gòn lại không có nhãn hiệu riêng, giá thành cao, kén người mua. Hiện nay, nhang Thắng Công chỉ còn bán ngược lên Tây Nguyên và tiêu thụ khá chật vật. Do vậy, tham gia vào nghề truyền thống này chủ yếu vẫn là phụ nữ, trẻ em và cũng chỉ trong lúc nông nhàn.

Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng trên là do nguồn việc làm và thu nhập của lao động làng nghề không ổn định. Các làng nghề hiện nay chưa chủ động về thị trường tiêu thụ. Sản phẩm lại không có sức cạnh tranh trên thị trường. Anh Trần Văn Hùng, chủ cơ sở khảm tại làng nghề Cẩm Văn tâm sự: "Chúng tôi cũng muốn đem sản phẩm vào TP Hồ Chí Minh, ra Hà Nội- những thị trường lớn - nhưng hiện tại, mong muốn này vượt quá sức những cơ sở nhỏ, lẻ như tụi tui". Đầu ra không ổn định, làng nghề lúc thăng, lúc trầm, dễ hiểu là người lao động, nhất là lao động trẻ không thể yên tâm gắn bó nghề. Ngoài ra, người lao động tại làng nghề hiện chưa được quan tâm nhiều. Chưa nói đến các chính sách bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, riêng việc bảo hộ lao động tại làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức. Tại làng vôi Trường Úc (Tuy Phước), chúng tôi đã chứng kiến cảnh nhiều người lao động tuy làm việc trong không khí bụi mù mịt, đang miệt mài bửa san hô, và đội từng rổ san hô cho vào lò, giã vôi… vẫn không hề mang bao tay. Khi được hỏi lý do, họ trả lời đơn giản: "Mang bao tay rất vướng, khó làm". Trong khi đó, chính họ lại tâm sự với chúng tôi: "Làm nghề này bụi vôi bám rất dữ. Mồ hôi ra đến đâu, bụi vôi bám vào và ăn đến đấy".

* Cần đầu tư cho làng nghề

Không có thế hệ tiếp nối, đồng nghĩa với sự mai một của các ngành nghề truyền thống. Chính thợ trẻ, cùng với việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật mới có thể duy trì sản phẩm làng nghề đứng được trên thị trường.

Với những việc làm cụ thể như: xây dựng hệ thống thông tin về thủ công mỹ nghệ trên website của tỉnh; có phương án phát triển sản phẩm một cách toàn diện; xây dựng chương trình khôi phục một số ngành nghề thủ công truyền thống; xây dựng hệ thống phát triển mẫu mã, tăng khả năng cạnh tranh; đầu tư về cơ sở vật chất… và triển khai một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh sẽ tạo ra những điều kiện góp phần phát triển các làng nghề. Qua đó, tích cực ổn định việc làm cho người lao động tại các làng nghề.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở dạy nghề truyền thống cho thanh niên để đào tạo nên lớp thợ trẻ tinh hoa. Hiện nay, trong Quy định chính sách học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với học sinh học nghề của tỉnh Bình Định của UBND tỉnh cũng có quy định: với một số đối tượng nhất định, nếu theo học nghề truyền thống, ngoài việc được hưởng chính sách học nghề theo quy định chung, còn được trợ cấp khuyến khích thêm 70.000 đồng/tháng, thời gian được hỗ trợ tùy theo từng nghề học, nhưng tối đa không quá 24 tháng. Tuy nhiên, chính sách này cũng chỉ áp dụng với một số đối tượng nhất định. Các ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn đến các chính sách với người lao động làm việc tại các làng nghề.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động   (20/07/2003)
Hạnh phúc của đôi vợ chồng người thương binh xứ dừa   (18/07/2003)
Trả lời thỏa đáng những bức xúc của cử tri  (17/07/2003)
Xã Cát Tài chăm lo công tác khuyến học   (17/07/2003)
Dạy nghề: Để cung gặp cầu   (15/07/2003)
Một ngày với xóm lưới...   (14/07/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên   (14/07/2003)
Nhanh chóng làm rõ vụ cướp trên bãi biển Quy Nhơn   (13/07/2003)
Khi người nghiện đã quyết tâm   (13/07/2003)
Những quả ngọt đầu mùa   (11/07/2003)
Những thành công và thách thức của chương trình dân số ở Bình Định  (10/07/2003)
Làm gì để đạt hiệu quả cao hơn?  (09/07/2003)
An Nhơn - Tuy Phước đón chào sĩ tử  (08/07/2003)
Nhịp sống mới ở Nhơn Lý  (07/07/2003)
Đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên tại cụm thi Quy Nhơn: An toàn, nghiêm túc   (06/07/2003)