Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước cho TP Quy Nhơn với tổng kinh phí 17,45 triệu USD (Ngân hàng phát triển Châu Á cho vay vốn ưu đãi) sẽ nâng cấp hệ thống ống dẫn nước cung cấp cho thành phố và nâng công suất nhà máy nước từ 20.000 m3/ngày-đêm lên 40.000 m3/ngày-đêm. Dự án được triển khai từ năm 1998 và theo kế hoạch đến năm 2002, công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng đến nay việc thi công công trình này vẫn còn dang dở...
Ông Võ Nguyên Hồng, Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Bình Định cho biết: "Đến thời điểm này, Dự án nâng cấp hệ thống nước cho TP Quy Nhơn mới chỉ hoàn thành được 59% khối lượng công việc. Nếu cứ như tiến độ thi công hiện nay, thì công trình này sẽ kéo dài đến hết năm 2004 chưa chắc xong!". Theo ông Hồng, nguyên nhân của sự chậm trễ trong thi công là do những khó khăn từ công tác khảo sát công trình, rồi đến thực tế triển khai dự án gặp rất nhiều trở ngại. Khó khăn nhất trong việc thi công các tuyến đường dẫn nước thời gian qua là việc lắp ráp các tuyến ống dẫn nước vào thành phố.
Do nhiều tuyến đường được mở rộng, nên một số tuyến đường ống đã nằm ngay trong lòng đường; chỉ giới mép đường thay đổi nên không thể thi công theo đúng thiết kế đề ra ban đầu. Điển hình như việc thi công tuyến đường ống nối từ các giếng đóng ở dọc bờ sông Kôn, Tân An (An Nhơn) về Phú Tài, theo đường Hùng Vương vào TP Quy Nhơn đã gặp rất nhiều vướng mắc về giải tỏa mặt bằng. Để thi công được hệ thống đường ống này nếu đi ngoài hành lang đường bộ thì kinh phí giải phóng mặt bằng là rất lớn, còn thi công theo sát chỉ giới đường bộ thì lại vướng nhà dân, vướng các công trình xây lắp khác như hệ thống trụ điện, cống thoát nước…
Với những vướng mắc này, chỉ riêng việc đi xin phép các cơ quan liên quan như ngành điện, đường đã mất khá nhiều thời gian. Tuyến ống chạy dọc đường Hùng Vương theo thiết kế là tuyến theo hiện trạng đường, thế nhưng theo quy hoạch của tỉnh sẽ mở rộng đường đến 30 mét. Nếu chờ mở đường theo quy hoạch thì không thể được, do vậy nên phải mất khá nhiều thời gian để đề nghị UBND tỉnh cho đường ống nằm trong lòng đường. Rồi vướng mắc trong thủ tục giải ngân, nguồn vốn đối ứng của tỉnh cũng gặp nhiều trở ngại đã làm chậm tiến độ thực hiện thi công. Được biết, giá trị thực hiện công trình 6 tháng đầu năm năm 2003 gần 3,5 tỉ đồng, nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho công trình tương đương 1 tỉ đồng, nhưng đến nay nguồn vốn này vẫn chưa có. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà thầu thi công kéo dài thời gian vì thiếu vốn.
Đó là những cái vướng từ thực tế, ngoài ra, việc nâng cấp các tuyến ống dẫn nước trong nội thành cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều tuyến ống đang tiềm ẩn nguy cơ nứt vỡ ống bất cứ lúc nào, nhưng chưa có nguồn kinh phí để di dời, sửa chữa. Chẳng hạn, đường ống chuyên tải dọc đường Quy Nhơn – Sông Cầu đã quá cũ nát, lâu lâu lại xảy ra sự cố nứt ống xịt nước, muốn khắc phục cần có kinh phí hơn 22 tỉ đồng. Tuyến đường ống trên đường Hoàng Văn Thụ có f 400 vẫn còn nằm ngay dưới mặt đường do khi thiết kế nâng cấp đường, cơ quan chức năng đã bỏ qua hệ thống này. Hệ quả là hiện nay đã có những đoạn đường ống bị trồi lên cách mặt đất khoảng 1-2 tấc, có những đoạn đã bị nhà dân xây đè lên. Dù đã được khắc phục bằng cống hộp bê tông với những đoạn nổi lên gần mặt đường nhưng đây vẫn chỉ là một giải pháp tạm thời và trong thời gian tới bắt buộc phải dời chuyển cho đúng kỹ thuật. Ngoài ra, khi thi công những tuyến đường nhánh trong thành phố không có tuyến nào là không gặp khó khăn. Khi thì đụng nhà dân, khi thì gặp phải hố ga, cống thoát nước… Công ty phải bỏ tiền để di dời. "Đã thế, việc khảo sát các giếng khoan ở lưu vực sông Kôn cũng đang gặp nhiều trở ngại, đơn vị khảo sát phải làm đi làm lại nhiều lần tốn nhiều thời gian". Ông Hồng cho biết thêm.
Việc thi công Dự án cấp nước cho TP Quy Nhơn đang gặp rất nhiều trở ngại là một thực tế. Từ thực tế này đặt ra câu hỏi: Phải chăng các bản khảo sát, thiết kế được duyệt của công trình này chỉ là "trò chơi trên giấy" và không... thực tế?
. Nguyễn Hân - Ngọc Nhi
|