Đi tìm đồng đội
16:6', 25/7/ 2003 (GMT+7)

Chăm sóc phần mộ liệt sĩ (ảnh: Long Vũ)

Sắp đến ngày 27-7, tôi nhớ lại chuyến đi tìm đồng đội của chúng tôi vào những ngày cuối thu sang đông năm 2002. Đó là chuyến đi tìm mộ anh Nguyễn Ngọc Hà, một nhạc công của Đoàn văn công Giải phóng đã hy sinh tại Cát Tài - Phù Cát. Bốn giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Đoàn Dân ca kịch Bình Định. Trời se lạnh, mưa phùn lất phất. Ngồi trên xe cùng chúng tôi toàn là những đồng đội cũ của Đoàn trong thời chống Mỹ. Đã gần 30 năm chúng tôi mới có dịp tập hợp nhau đi tìm đồng đội và cũng đã khá lâu chúng tôi mới có dịp ngồi chung nhau trên chuyến xe; được hàn huyên với bao câu chuyện của một thời "Tiếng hát át tiếng bom" với bao buồn vui lẫn lộn. Vui vì chúng tôi còn được sống, được hưởng hòa bình, được gặp mặt nhau và buồn vì Đoàn Văn công của chúng tôi bây giờ không còn nguyên vẹn như trước. Nhiều đồng đội chúng tôi đã ngã xuống và vẫn còn nằm rải rác ở núi rừng và những vùng quê xa xôi. Các đồng chí ấy không được cùng chúng tôi hưởng hòa bình và ôn lại những quãng đường đầy gian khổ ác liệt mà mình đã đi qua.

Hơn một tiếng đồng hồ, xe mới đến được Cát Tài- Phù Cát. Vì mùa đông nên 5 giờ mà trời vẫn chưa sáng. Đến nghĩa trang Cát Tài, anh tài xế pha đèn cho chúng tôi ghé vào nghĩa trang Cát Tài, đốt cho những người đồng đội có tên và không tên yên nghỉ ở đây một nén hương. Nhìn những ngôi mộ "vô danh" cỏ mọc còn quá nhiều mà lòng chúng tôi không ai khỏi bùi ngùi xúc động. Đốt nén hương với tấm lòng cầu nguyện, chúng tôi mong đến một ngày nào đó, các anh, các chị trên khắp mọi miền Tổ quốc được trả lại tên thật của mình.

Chờ cho đến khi trời sáng, chúng tôi tiếp tục đi tìm nơi anh Nguyễn Ngọc Hà, một nhạc công của Đoàn văn công Giải phóng - đã hy sinh năm 1970 trong một lần xuất quân đi biểu diễn tại thôn Thái Bình, xã Cát Tài, Phù Cát. Nhờ những thông tin của bà con nhân dân và cán bộ địa phương, đặc biệt là chú Đinh Bá Lộc (nguyên Tỉnh Đội trưởng) cũng là người địa phương và chú cũng có một người cháu hy sinh cùng trận với anh Nguyễn Ngọc Hà. Nhờ vậy mà chúng tôi tìm được nơi anh Nguyễn Ngọc Hà yên nghỉ.

Trước mắt chúng tôi là nấm mồ cỏ mọc. Anh Thu An, nguyên là Trưởng Đoàn Văn công Giải phóng, thay mặt đoàn thắp nén hương. Trong tiếng thì thầm anh nghẹn ngào: "Hà ơi! Hôm nay đồng đội anh, chị em trong đoàn Hiển, Đức, Đình Lộc, Lâm Tới, Kim Chung, Luyện cùng vợ con em Sơn, Thủy đến tìm em, đưa về nghĩa trang Quy Nhơn để tiện bề hương khói cho em". Anh em trong đoàn tiếp tục thắp hương và trời vẫn tiếp tục mưa phùn. Làn khói hương bay hòa lẫn với mưa phùn lất phất gợi cho chúng tôi nhớ lại những năm tháng ở núi rừng Trường Sơn, củ mì không có ăn, áo mặc không đủ ấm, ngày lại ngày phải đối mặt với bom đạn thù... Song, chúng tôi vẫn luôn mong đến ngày đất nước thanh bình, mong đồng đội chúng tôi có đủ mặt. Nhưng rồi hôm nay còn lại không nhiều, hầu hết đều mang trong mình những vết thương, những di chứng của chất độc hóa học. Số đồng đội của chúng tôi ngã xuống vẫn nằm rải rác ở núi rừng và những vùng quê xa xôi chưa tìm được mộ.

Cũng chính lần trở lại thôn Thái Bình tìm đồng đội lần này, chúng tôi nghe bà con nhắc đến sự hy sinh của anh Nguyễn Ngọc Hà cùng bộ đội và cán bộ địa phương trong trận ấy. Khi hy sinh rồi mà anh Hà vẫn ôm chặt chiếc đàn, cây kèn trong tay. Bác Năm, người trực tiếp chôn anh Nguyễn Ngọc Hà lúc đó hỏi Thủy, con anh Nguyễn Ngọc Hà: "Cháu đi tìm ông đờn hay ông kèn? Có lẽ lúc hành quân anh Hà nhờ bộ đội mang hộ cây đàn hay cây kèn gì đó và anh bộ đội đó cũng hy sinh nên bác Năm nhầm lẫn 2 nhạc công của đoàn cùng hy sinh (?). Rồi sau đó, ông cụ chỉ cho chúng tôi nơi chôn cất anh Nguyễn Ngọc Hà.

Được sự giúp đỡ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cán bộ địa phương xã Cát Tài, chúng tôi đưa thi hài anh Nguyễn Ngọc Hà về nghĩa trang Quy Nhơn. Gần 40 cán bộ diễn viên của đoàn mới và cũ có mặt làm lễ tiễn đưa anh vào nghĩa trang trong niềm xúc động và tự hào.

Tiễn biệt anh, chúng tôi hứa sẽ tiếp tục đi tìm, tiếp tục đưa đồng đội của mình về nghĩa trang, trả lại tên cho họ. Đó cũng chính là trách nhiệm của chúng tôi, của mọi người - những người đang sống hôm nay.

. Kim Chung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đòn bẩy của năng suất, chất lượng, hiệu quả   (24/07/2003)
Thi công Dự án cấp nước TP Quy Nhơn: Vì sao gặp nhiều trở ngại?   (23/07/2003)
Hè... muôn năm cũ   (22/07/2003)
Phát triển làng nghề và vấn đề giải quyết việc làm   (21/07/2003)
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động   (20/07/2003)
Hạnh phúc của đôi vợ chồng người thương binh xứ dừa   (18/07/2003)
Trả lời thỏa đáng những bức xúc của cử tri  (17/07/2003)
Xã Cát Tài chăm lo công tác khuyến học   (17/07/2003)
Dạy nghề: Để cung gặp cầu   (15/07/2003)
Một ngày với xóm lưới...   (14/07/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên   (14/07/2003)
Nhanh chóng làm rõ vụ cướp trên bãi biển Quy Nhơn   (13/07/2003)
Khi người nghiện đã quyết tâm   (13/07/2003)
Những quả ngọt đầu mùa   (11/07/2003)
Những thành công và thách thức của chương trình dân số ở Bình Định  (10/07/2003)